Không được quyền mệt mỏi

Dưới đây cũng chỉ là nhận định cá nhân của tôi, một người có chút dính dáng đến tờ Thanh Niên từ những ngày đầu tiên còn là tuần tin nhỏ bé, khiêm tốn khởi đầu từ năm 1986.

Đấy là một ngày các anh Huỳnh Tấn Mẫm - Nguyễn Công Khế gõ cửa nhà một người: họa sĩ - dịch giả Hoàng Ngọc Biên đặt tờ giấy phép cho ra Tuần Tin Thanh Niên xuống bàn với lời “hăm dọa” hài hước nhưng nghiêm chỉnh: “Nếu anh từ chối tham gia, chúng tôi đành trả lại giấy phép...”. Ép anh em đến thế là cùng và tất nhiên anh Hoàng Ngọc Biên phải vui vẻ nhận lời tham gia với tư cách họa sĩ trình bày và biên tập.

Ngày đầu

Manchette THANH NIÊN được anh thực hiện trên chiếc bàn montage mà mỗi đêm chúng tôi thường cúi gập người trên những bản in nhũ. Các họa sĩ Bùi Đình Lâm, Cao Tuân, Nhã Bình và tôi đang mỗi người một việc, cùng học và cùng làm với anh Hoàng Ngọc Biên. Anh Biên nhận lời có nghĩa là chúng tôi được cùng tham gia. Tôi - khi ấy còn đang làm “thầy cò” ở một nhà in khiêm tốn thuộc Thành Đoàn TP.HCM. Nhưng tôi biết... vẽ và... biết viết. Thế thì tham gia với Thanh Niên bằng vẽ và viết.

Vậy mà đã 25 năm. Tờ báo từ tuần tin bé nhỏ khiêm tốn trưởng thành thành tờ Thanh Niên vững chãi hôm nay. Một nỗ lực lớn lao của nhiều người trong và ngoài tờ báo.

Tôi vẫn là cộng tác viên của Thanh Niên dù sau đó về làm việc một thời gian tại Báo Tuổi Trẻ. Thân thiết (tạm gọi như thế) đến thế mà vẫn kém duyên với tờ báo nay đã là tờ nhật báo lớn nhất nhì cả nước. Cũng có sao đâu, đều là đồng nghiệp cả.

Thanh Niên có phát pháo lớn trong sự nghiệp phát triển của mình. Vụ đấu tranh cho chàng sinh viên nghèo miền Trung Nguyễn Mạnh Huy thi đậu đại học không được vào đại học chỉ vì lý lịch. Ngày ấy, câu chuyện người sinh viên tên Huy gắn liền với câu nói nổi tiếng của ông Võ Văn Kiệt khi ấy đang là Bí thư Thành ủy TP.HCM “không ai chọn cửa để sinh ra…”. Nguyễn Mạnh Huy sau đó được vào đại học. Đấy là điểm son trong sự nghiệp phát triển của Thanh Niên. Chủ nghĩa lý lịch cũng báo hiệu sự suy tàn, kể từ đó mọi thanh niên có cơ hội học tập như nhau.

Tất nhiên, có người sẽ nhắc nhiều lĩnh vực khác. Như chống tham nhũng, vụ Năm Cam trong vấn đề chính trị xã hội, hay Duyên Dáng Việt Nam - thương hiệu lẫy lừng của học bổng Nguyễn Thái Bình. Duyên Dáng Việt Nam thành công và kéo dài xấp xỉ 20 năm trong văn hóa nghệ thuật với tiếng vang vượt ngoài đất nước. Thanh Niên sau 25 năm mặc nhiên đã là một trong những tờ báo có thương hiệu vững mạnh hàng đầu tại Việt Nam.

Một kỷ niệm nhỏ

Tôi - một cộng tác viên như rất nhiều cộng tác viên khác chỉ có thể kể khái quát con đường không chỉ toàn hoa hồng của Báo Thanh Niên như thế. Xin dành chỗ để chia sẻ tình cảm và những vấn đề khác cho những đồng nghiệp, bạn đọc của Thanh Niên.

Tôi chỉ giữ một kỷ niệm nho nhỏ nhưng phải ghi nhớ. Nó lại thuộc vấn đề riêng tư.

Ngày con trai tôi tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật châu Á Lasalle - Singapore sau 3 năm học tập, tôi cử... mẹ của con trai mình sang dự lễ trao bằng, thời gian đi và về chỉ 3 ngày. Ngày cuối cũng là ngày thứ bảy week-end, điện thoại khẩn cấp báo tin về cả hai mẹ con bị mất hộ chiếu. Mất hộ chiếu có nghĩa là rắc rối, là phải liên hệ sứ quán để khai báo và làm lại. Tiền bạc không nhiều, chắc chắn khó thể lưu trú lâu quá 5 ngày nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là giấy tùy thân và thông hành... Tôi bấm máy cho Báo Thanh Niên nhờ giúp đỡ vì biết Thanh Niên khi ấy có văn phòng thường trú tại Singapore. Người bạn đồng nghiệp Đoàn Duy Xuyên gọi khẩn cho Ban Quốc tế Báo Thanh Niên; Ban Quốc tế ngay lập tức gọi qua cho cô Thục Minh - phóng viên thường trú tại Singapore nhờ tìm giải pháp giúp đỡ.

Chỉ trong 20 phút, Thục Minh đã liên lạc với gia đình tôi, trấn an và tích cực tìm giải pháp dù biết đã là ngày nghỉ cuối tuần của nước bạn… Tôi được biết, nếu không đủ tiền bạc thuê khách sạn, có thể văn phòng thường trú của Thanh Niên tại Singapore sẽ cho tạm trú vài ngày như phương án cuối cùng trong khi chờ làm lại giấy thông hành. 24 giờ sau, may thay con trai tôi nhận lại hộ chiếu từ một người sở tại trao lại cho học viện nơi cháu học. Mọi chuyện suôn sẻ và tôi cảm ơn sự giúp đỡ hết lòng của những đồng nghiệp Thanh Niên dành cho một cộng tác viên hoàn toàn không làm việc tại báo mình. Một tình cảm quý giá cho một hoàn cảnh ở xa đất nước mà xét theo lý Báo Thanh Niên không có trách nhiệm giúp đỡ.

25 năm đã qua, tờ báo đã vững vàng nhưng hẳn còn nhiều gian nan như nghề báo luôn có những gian nan cần phải vượt qua. Đạt được điều ấy như Thanh Niên hôm nay, nó có cả mồ hôi và nước mắt với nỗ lực không được quyền mệt mỏi.

Tôi tin như vậy.

Đỗ Trung Quân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/khong-duoc-quyen-met-moi-409978.html