Không được tự chủ về chương trình thì các trường ĐH khó phát triển

Vừa qua, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội thảo 'Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ 21'.

Bên lề hội thảo, TS. Vũ Ngọc Hoàng (Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương) nhấn mạnh việc phải xây dựng một hệ thống giáo dục mở. Theo ông, mở ở đây là không đóng kín, không tự cô lập với cuộc sống bên ngoài xã hội và thế giới đông – tây mà cần tiếp biến thường xuyên với các nền giáo dục và văn hóa khác, với các tư tưởng tư duy đa dạng. Mục đích của hệ thống giáo dục mở là tạo ra chất lượng và tăng động lực của giáo dục.

Ông đặc biệt nhấn mạnh đến tự chủ đại học và tự do học thuật. “Đây là đặc điểm của một nền giáo dục trưởng thành, thực chất, đúng nghĩa.

Nếu không được tự chủ, nhất là tự chủ về chương trình và không có tự do học thuật thì đại học chưa phải là đại học. Ở nước ta cho đến nay vẫn chưa có tự chủ đại học theo nghĩa đầy đủ của vấn đề này.

Nguyên nhân của tình trạng không tự chủ đầy đủ về chương trình và không có tự do đầy đủ về học thuật một phần là do “hành chính hóa”, “chính trị hóa” khoa học giáo dục”, tiến sĩ Hoàng nêu quan điểm.

Theo ông Hoàng, giáo dục nghề nghiệp cũng phải gắn liền với chiến lược việc làm. Công việc đào tạo đại học rất cần sự gắn bó mật thiết giữa nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo. Thông qua việc nghiên cứu mà đào tạo sinh viên. Không nhất thiết phải quy định trường này là đại học nghiên cứu, còn trường kia không là như thế.

Trường nào cũng có quyền nghiên cứu, vừa để có sản phẩm khoa học vừa để đào tạo sinh viên. Còn bên đặt hàng giao công trình nghiên cứu này cho trường nào và cuối cùng trường nào nghiên cứu được nhiều hơn, chất lượng tốt hơn là chuyện khác, do năng lực thực tế của cơ sở đào tạo, chứ không phải do ai quy định.

GS.TS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

GS.TS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

GS.TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức nhấn mạnh: Chưa có lúc nào bối cảnh thế giới và trong nước đòi hỏi chúng ta phải thay đổi nhiều trong hệ thống giáo dục, nhất là mạng lưới các trường ĐH như hiện nay. Các trường ĐH và CĐ luôn có sự tương tác với nhau, thế nhưng, hiện nay hệ thống giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giáo dục phổ thông đang bị phân chia theo kiểu cát cứ. Bộ GD&ĐT quản lý hệ thống giáo dục ĐH và phổ thông, Bộ LĐTB&XH quản hệ thống GDNN (trung cấp đến CĐ, trừ các trường CĐ và trung cấp sư phạm).

Từ nhược điểm 2 ĐH quốc gia và 3 ĐH vùng đã vô hiệu hóa hoàn toàn các ưu thế của mô hình ĐH đa lĩnh vực, GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, đề xuất hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam nên xây dựng theo mô hình university thực sự.

Và tùy theo điều kiện cụ thể nên xử lý mô hình ĐH hai cấp theo một trong hai giải pháp. Thứ nhất, cho phép các trường thành viên đơn ngành, đơn lĩnh vực phát triển thành các university.

Thứ hai, ĐH hai cấp chuyển thành một university đơn nhất thực sự, thay đổi bộ phận điều phối trung gian thành cấp điều hành trực tiếp; toàn bộ university có một chương trình đào tạo chung.

“Hệ thống giáo dục ĐH mang đẳng cấp thế giới là có tầng, bậc, mục tiêu, chức năng và phục vụ cho đầy đủ hệ thống kinh tế - xã hội” - GS Thiệp nhấn mạnh.

GS.TS Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng – cho rằng: Trong tình hình tỷ lệ sinh thấp, lượng người nhập học vào các đại học Việt Nam 5 năm tới (2020 - 2024) sẽ tiếp tục giảm mạnh. Bởi, ngoài việc tỷ lệ sinh các năm tương ứng của 18 năm về trước thấp còn là việc giới trẻ chậm lập gia đình, chậm có con và không muốn có nhiều con; do giới trẻ di cư ra nước ngoài tìm việc làm; do gia đình khá giả hơn và trẻ được cha mẹ gửi đi học nước ngoài... Những khuynh hướng này khó thay đổi ngay cả khi chúng ta dỡ bỏ trần “mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con”.

Người học giảm nhanh, số trường học lại không giảm; nhiều trường học sẽ phải đối mặt với nguy cơ không tuyển sinh đủ để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị đã đầu tư. Trong khi đó, với số lượng trường đại học tăng 1,7 lần; nhưng giảng viên - viên chức chỉ tăng 1,5 lần cho thấy nhân lực của hệ thống đã và đang bị dàn mỏng.

Những vấn đề này, theo GS Lê Vinh Danh, đặt ra một yêu cầu phải sáp nhập sớm các ĐH nhỏ, ĐH đơn ngành vào để thành ĐH lớn và đa ngành nhằm tối ưu hóa nguồn lực xã hội đã đầu tư; tăng cường tính hợp tác liên ngành để tăng trưởng chất lượng giáo dục và khoa học, công nghệ.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/khong-duoc-tu-chu-ve-chuong-trinh-thi-cac-truong-dh-kho-phat-trien-post302780.info