Không gì bằng sức dân

Trong những địa phương đã hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Thanh Hóa, ít có xã nào có thể huy động nguồn lực từ việc xã hội hóa lên đến trên 60 tỷ đồng. Từ việc kêu gọi con em xa quê chung tay xây dựng NTM, xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đúc rút thành bài học quý cho nhiều địa phương khác học tập và làm theo.

Nguồn xã hội hóa đã góp phần đưa Xuân Thọ về đích trong xây dựng NTM.

Xây dựng từ sức dân

Thôn 8, xã Xuân Thọ như bừng sáng dưới cái nắng đầu mùa hạ. Khắp các con đường trong thôn đều được đổ bê tông kiên cố, lòng đường rộng từ 6 – 8 m.

Hai bên là hai hàng tường rào được làm cách điệu và sơn cùng tông màu, chạy suốt từ đầu thôn đến cuối thôn.

Dọc các lối đi là hai hàng cây sao đen được trồng khá quy củ, bên cạnh đó hệ thống thoát nước được thiết kế hợp lý. Phía sau các dãy tường rào là những ngôi nhà tầng, nhà mái bằng khang trang…

Rõ ràng, chương trình nông thôn mới đang khoác lên thôn 8 một chiếc áo mới, chiếc áo mang gam màu của ấm no, đủ đầy.

Trong đám sân phủ đầy bóng cây của mình, ông Trương Sỹ Bàn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 8, xã Xuân Thọ không giấu được niềm tự hào: Là thôn thuần nông, nên khoảng thời gian từ 2005, trở về trước, đời sống về mọi mặt của người dân trong thôn gặp muôn vàn khó khăn.

Ý thức được, chỉ có cải thiện cơ sở hạ tầng mới có thể đưa kinh tế đi lên, bà con trong thôn đã họp bàn đi đến thống nhất sẽ mở rộng đường làng ngõ xóm, chỉnh trang lại nhà cửa nhưng “cái khó nó bó cái khôn”! lấy đâu ra kinh phí?

Đến năm 2010, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM như một luồng gió mang theo những hi vọng và cơ hội mới để người dân thôn 8, thực hiện những ý tưởng của mình.

Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, mỗi dịp tết đến, xuân về, các cán bộ trong thôn đã cho họp mặt, gặp gỡ những người con làm ăn xa quê về ăn tết để vận động.

Trước là thông báo tình hình kinh tế xã hội của thôn, sau là trình bày nguyện vọng của nhân dân và vận động quyên góp kinh phí để chung tay xây dựng NTM.

Từ cách làm này, nhiều con em của thôn đang làm ăn xa quê đã hào hứng ủng hộ. Chỉ trong hơn 3 năm, thôn đã vận động người dân ủng hộ được trên 2,3 tỉ đồng và hàng nghìn ngày công.

Trong công cuộc xây dựng NTM của thôn 8 phải kể đến sự đóng góp tự nguyện của anh Nguyễn Hữu Xuân, một doanh nhân đang sống và làm việc tại tỉnh Bình Dương.

Chỉ tính riêng cá nhân anh đã ủng hộ người dân trong thôn hơn 2 tỉ đồng để làm đường giao thông, tường rào, hệ thống kênh mương thoát nước và trồng 120 cây sao đen dọc hai bên đường dẫn vào thôn.

Có tiền, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn đã phối hợp chặt chẽ với trưởng thôn, đến tận từng hộ gia đình, vận động người dân hiến đất, chỉnh trang lại nhà cửa, mở rộng đường giao thông nội thôn.

Chỉ tính riêng trong “cuộc đổi thay” này, bà con trong thôn 8 đã hiến hơn 1.500m2 đất để làm làm đường và đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để đưa thôn 8 về đích trong xây dựng NTM.

“Để có được sự đồng thuận cao từ phía bà con nhân dân, các cán bộ trong thôn đã làm cách nào?!” - tôi hỏi cắt ngang câu chuyện của ông Bàn.

“Điều mấu chốt quan trọng trước tiên là mọi chuyện phải được minh bạch trước dân. Làm sao cho họ biết được rằng, mọi nguồn ủng hộ đều được sử dụng đúng mục đích. Tiếp đó là công tác dân vận. Ví dụ như khi nói về chủ trương của Đảng và Nhà nước trong xây dựng NTM thì chúng ta không nên quá cứng nhắc áp dụng mà phải nói thật dễ nghe, dễ hiểu, từ đó người dân hiểu được tầm quan trọng của xây dựng NTM là xây dựng cho quê hương và cho con cháu nhiều đời sau. Vậy là bà con đồng thuận và ủng hộ thôi!” – ông Trương Sỹ bàn cười vui vẻ nói.

Bài học xã hội hóa

Chỉ trong gần 5 năm (2012 - 2017), kể từ khi bắt tay vào xây dựng, cán bộ và nhân dân đã đưa Xuân Thọ từ một xã thuần nông với muôn vàn khó khăn đến đạt chuẩn NTM.

Nói về những thành quả và kinh nghiệm của xã nhà, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thọ Đặng Văn Thế cũng khẳng định: “Tất cả đều phải nhờ vào sức của dân. Không có sự đồng lòng thì Xuân Thọ sẽ không có được niềm vui ngày hôm nay!”

Ông Thế cũng cho chúng tôi biết thêm: Đã có hàng chục nghìn m2 đất được bà con tự nguyện hiến tặng để làm đường giao thông, sân thể thao, nhà văn hóa.

Cùng với đó là nguồn kinh phí từ việc xã hội hóa, kêu gọi con em làm ăn xa quê quyên góp, ủng hộ lên đến hơn 60 tỉ đồng, hàng vạn ngày công.

Với những cá nhân ở xa, cán bộ xã đã cử đoàn công tác đến tận nơi thăm hỏi và vận động.

Chính điều này đã góp phần khơi dậy tinh thần “tương thân, tương ái”, lòng tự tôn trong mỗi người con của Xuân Thọ đang sinh sống và làm việc khắp mọi miền tổ quốc, góp sức chung tay xây dựng NTM.

“Cuối năm 2017, sau khi đón nhận bằng công nhận là xã đạt chuẩn NTM, chính quyền xã đã tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm về sự hài lòng trong nhân dân. Kết quả là đã có đến 94,7% bà con nhân dân hài lòng với chương trình xây dựng NTM. Để giữ vững và phát huy những thành quả đã đạt được, trong những năm tới, chúng tôi sẽ vận động, kêu gọi con em xa quê tiếp tục hướng về quê hương. Đồng thời, vận động và hỗ trợ người dân chú trọng phát triển các mô hình kinh tế mang tính bền vững để Xuân Thọ ngày càng thêm giàu mạnh!” – ông Thế chia sẻ.

Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cac-cuoc-van-dong/khong-gi-bang-suc-dan-tintuc405685