Không gian công cộng trong đô thị: Cần minh bạch các dự án để dân giám sát

LTS. Hội thảo quốc tế 'Không gian công cộng hướng đến đô thị tăng trưởng xanh và phát triển bền vững' diễn ra tại Hà Nội ngày 23.11. Hội thảo đồng tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị; tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam; tổ chức UN-Habitat tại Việt Nam, với sự bảo trợ của Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Bộ Xây dựng. Người Đô Thị lược trích nội dung từ một trong những tham luận trình bày tại hội thảo, của ông Trần Ngọc Hùng (Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam), cung cấp nhiều thông tin thời sự và có những kiến nghị quan trọng đến các cơ quan quản lý. Tựa bài do tòa soạn đặt.

Không gian công cộng trong đô thị có vai trò quan trọng trong đời sống của thị dân, phục vụ cho sự phát triển kinh tế bền vững.

Ông Trần Ngọc Hùng

Cuộc sống của người dân trong đô thị ngày càng nâng cao với tiêu chí không chỉ bó hẹp trong tăng diện tích và tiện nghi ngôi nhà, căn hộ mà còn là một loạt tiêu chí về môi trường sống xung quanh nơi làm việc, nơi ở như thế nào, trong đó không gian công cộng trong đô thị tăng trưởng xanh và phát triển bền vừng giữ vai trò hết sức quan trọng.

Đó là vườn hoa, cây xanh mặt nước, là hạ tầng giao thông cộng cộng: chỗ dạo và gặp gỡ của người già, chỗ vui chơi của trẻ em, chỗ luyện tập thể thao cho mọi lứa tuổi, không gian công cộng phục vụ cộng đồng trong cuộc sống của mọi gia đình, mọi người như khu vui chơi giải trí, các công trình phục vụ cộng đồng như nhà hát, nhà trẻ, trường học, chợ, siêu thị, nhà văn hóa...

Ngày càng có nhiều không gian công cộng trong đô thị

Ở nhiều nước, phát triển không gian công cộng trong đô thị cùng với phát triển kinh tế - xã hội hướng tới đô thị tăng trưởng xanh do đời sống ngày càng cao đã ngày càng được quan tâm. Đơn cử như ở các nước phát triển: Thụy Điển, Thụy Sỹ, Anh, Pháp, Đức, Mỹ , Nhật... không gian công cộng luôn được quan tâm đầu tư xây dựng ngay từ khi lập - duyệt quy hoạch và triển khai thực hiện nhiều không gian công cộng quan trọng, như công trình văn hóa, cây xanh, hồ nước, khu vui chơi tập luyện thể thao... được nhà nước đầu tư và quản lý, dân được thụ hưởng và không mất phí.

Ở châu Á cũng đã có nhiều thay đổi rất lớn, điển hình là Thẩm Quyến đã đưa ra nội dung tiêu chí “Thành phố công viên”, ở mỗi tiểu khu đều có các công viên nhỏ để dành chỗ cho người già gặp gỡ, dạo chơi, trẻ em vui chơi, luyện tập thể thao... Ở Singapore, ngoài xây dựng, quản lý các công viên nhỏ trong tiểu khu, thì cải tạo chỉnh trang khu nội đô cũ cũng luôn dành ưu tiên khi làm thêm các vườn hoa cây xanh, chỗ vui chơi công cộng, mà Sentosa và khu vườn cạnh Marina Bay Sands là điển hình...

Ở Việt Nam, trong quá trình xây dựng và phát triển, tốc độ đô thị hóa rất nhanh cũng đã được quan tâm đưa vào các nhiệm vụ chung của quy hoạch dài hạn, cũng như triển khai các dự án chỉnh trang đô thị, phát triển khu, tiểu khu đô thị mới, trong đó đã có quan tâm đến các tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan đến không gian công cộng trong đô thị. Nhiều khu đô thị mới mọc lên đều có tỷ lệ diện tích dành cho vườn hoa cây xanh, công trình giao thông, công trình phục vụ công cộng và đã triển khai được nhiều dự án đạt hiệu quả tốt. Nổi bật là không gian công cộng trong các dự án thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP.HCM), Khu đô thị Việt Hưng (Hà Nội), dự án cải tạo chỉnh trang dọc sông Hàn (Đà Nẵng)... Hàng loạt các khu vui chơi giải trí, công viên cây xanh, công viên nước ở hầu hết đô thị cũng đã triển khai xây dựng...

Nhiều tỉnh, thành đã xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều công viên mới ở hầu hết các đô thị; nhiều dự án cải tạo chỉnh trang các thành phố như cải tạo các hồ cũ, trồng cây trên đường phố; cải tạo, nâng cấp, xây mới chợ, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, nhà trẻ; cải tạo mở rộng đường sá, vỉa hè, thoát nước, thu gom xử lý chất thải... cũng góp phần quan trọng vào phát triển không gian công cộng đô thị, cải thiện môi trường sống và làm việc của người dân - điều kiện thiết yếu để bồi dưỡng tái tạo sức khỏe, tăng năng suất lao động, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội.

Một số dự án xâm phạm không gian công cộng

Tuy nhiên, song hành cùng quá trình phát triển trên, chính quyền địa phương cũng đã đình chỉ nhiều dự án xâm phạm đến không gian công cộng như: vụ việc khách sạn công viên Thống Nhất, dự án văn phòng trước nhà hát lớn của Hà Nội; dự án trung tâm thương mại - nhà ở - văn phòng tại phố Nhà Thờ; và hàng loạt dự án trên bán đảo Sơn Trà; một số dự án mở lối đi xuống biển ở Đà Nẵng; thu hồi và không cấp phép dự án công viên biển và không gian ngầm ở thành phố Quy Nhơn... được dư luận quan tâm đồng tình.

UBND TP.HCM vừa có quyết định thu hồi mặt bằng cho thuê tại công viên 23 Tháng 9, yêu cầu di dời các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại công viên trước ngày 30.4.2019 để thành phố quy hoạch và chỉnh trang tổng thể, trả lại đúng chức năng không gian công cộng cho người dân. Ảnh: Lê Quân

Bên cạnh những thành quả đạt được, cũng còn tồn tại nhiều thách thức, nhiều vấn đề liên quan đến phát triển không gian công cộng trong đô thị, đặc biệt liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng:

Đối với các dự án chỉnh trang đô thị: nhất là khu nội đô các thành phố lớn. Theo các quy hoạch chung được duyệt, cùng với chủ trương giảm tải, sau khi dời cơ quan, nhà máy, bến bãi, kho tàng... phải ưu tiên dành các mảnh đất này để làm các công trình công cộng, nhất là tăng diện tích cây xanh, mặt nước (đang có mật độ trên đầu người rất thấp) và các công trình công cộng khác phục vụ cộng đồng.

Tuy nhiên, trong thực tế trên các mảnh đất vàng, đất kim cương đó, chính quyền địa phương đã cấp phép xây dựng hàng loạt dự án thương mại, chủ yếu là nhà ở và văn phòng, khách sạn, làm tăng mật độ dân số, giảm tỷ lệ diện tích giao thông, dẫn đến ách tắc đi lại, gây ô nhiễm môi trường; các bệnh viện, trường học quá tải... trái với tiêu chí đề ra trong quy hoạch được duyệt. Trong thực tế còn xảy ra tình trạng xây dựng không phép, trái phép, làm giảm thêm chỉ số môi trường sống, nhất là các công trình công cộng vốn đã có tỷ lệ rất thấp để phục vụ cuộc sống của cộng đồng dân cư.

Đối với các dự án đô thị mới: Khi lập, thẩm định duyệt quy hoạch, các cấp quản lý đã có nhiều cố gắng dựa trên các cơ sở tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chí môi trường sống; trong quy hoạch đều dành tỷ lệ quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng đồng bộ, đặc biệt là nhằm mục tiêu đô thị tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong thực tế lại xảy ra tình trạng: điều chỉnh quy hoạch cấp phép không phù hợp quy hoạch, làm tăng diện tích xây dựng các công trình nhà ở thương mại, dịch vụ; giảm diện tích công trình công cộng, trong đó không loại trừ cơ chế xin - cho để tăng lợi nhuận của chủ đầu tư và lợi ích của người liên quan.

Nhiều công trình khu đô thị xây dựng sai phép tăng mật độ, tăng số tầng, làm mất cân đối về dân số, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sử dụng dịch vụ công cộng (giao thông, trường học, môi trường sống...). Việc bố trí ngân sách và tổ chức triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không đồng bộ dẫn đến ngập úng, ách tắc giao thông, các công trình hạ tầng xã hội thiếu và triển khai chậm, các dự án môi trường như thoát và xử lý nước bẩn, trồng cây xanh… thực hiện chậm và không được triển khai đồng bộ...

Kiến nghị với các cơ quan quản lý

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại yếu kém trong lĩnh vực phát triển không gian cộng cộng đô thị Việt Nam, hướng tới đô thị tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, chúng tôi có một số kiến nghị:

Triển khai phủ kín việc lập - duyệt quy hoạch phân khu, tiểu khu đô thị theo đúng các tiêu chí, định hướng của quy hoạch chung đặt ra, trong đó đặc biệt quan tâm đến không gian công cộng.

Quản lý quy hoạch, cấp phép phải thực hiện nghiêm các quy hoạch đã được duyệt, đặc biệt trong điều chỉnh quy hoạch phải theo đúng trình tự luật định. Thực hiện thanh tra các cấp việc chấp hành các quy định liên quan đến lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch (kể cả điều chỉnh quy hoạch); xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các hành vi dung túng sai phạm, kể cả xử lý trách nhiệm của chính quyền, cá nhân thanh tra các cấp để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình phụ trách. Đồng thời, những tổ chức, cá nhân xây dựng không phép, sai phép, nhất là trong lấn chiếm đất công trình công cộng phải bị chế tài nghiêm minh của pháp luật.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần kịp thời giải quyết các thủ tục đầu tư, để quá trình triển khai xây dựng các dự án công trình công cộng đồng bộ. Cần có cơ chế thực hiện đầy đủ việc công khai minh bạch các dự án quy hoạch, dự án công trình công cộng để nhân dân thực hiện việc giám sát theo đúng quy định pháp luật. Hội đồng nhân dân các cấp theo phân cấp cần dành ngân sách nhà nước thỏa đáng để triển khai các dự án công trình công cộng...

Trần Ngọc Hùng

(Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/khong-gian-cong-cong-trong-do-thi-can-minh-bach-cac-du-an-de-dan-giam-sat-16312.html