Không gian xanh Khu Di tích Đá Chông

Bác Hồ là người rất yêu thiên nhiên, luôn muốn sống hòa mình vào thiên nhiên. Chúng ta có thể thấy những nơi Bác chọn làm chỗ ở và làm việc đều là những địa danh vừa bảo đảm sự bí mật, vừa gần gũi với thiên nhiên. Khu Di tích Đá Chông, huyện Ba Vì, Hà Nội là một trong những địa danh lịch sử gắn liền với Bác kể từ khi còn sống và cả khi Người đã qua đời.

Năm 1957, Đá Chông là địa điểm Bác Hồ đã lựa chọn để xây dựng khu căn cứ trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là địa điểm lý tưởng bởi phong cảnh đẹp, giao thông thuận tiện, có dòng sông Đà chảy ngang qua, khí hậu quanh năm trong lành, yên tĩnh, đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi. Đá Chông cũng là địa điểm kín đáo, bao phủ bởi nhiều cây cối, có đầy đủ điều kiện để giữ bí mật, thuận tiện cho hoạt động tăng gia sản xuất của bộ đội thời bấy giờ.

Ngay từ khi xây dựng ngôi nhà, làm đường sá, Bác đã yêu cầu giữ lại tất cả các cây trồng lấy gỗ. Các ngôi nhà, đường sá đều được làm trên những khoảng trống không có cây trồng. Ngôi nhà làm việc hai tầng còn được gọi với cái tên thân mật là Nhà sàn (vì được thiết kế mô phỏng theo kiểu nhà sàn tại Phủ Chủ tịch) do chính tay Bác chỉnh sửa thiết kế, chọn hướng để xây dựng. Bác đã có chỉ đạo rất cụ thể cho việc xây dựng ngôi nhà như: Hệ thống cửa ban đầu là cửa đóng then cài, nhưng sau Bác gợi ý cho anh em làm cửa đẩy. Khi nào cần, tất cả các cửa có thể tháo ra tạo sự thông thoáng cho phòng họp bên trong, bệ cửa trở thành ghế ngồi mỗi khi cuộc họp đông người, hoặc giờ nghỉ giải lao. Trên tầng 2, các cửa sổ không làm chắn song để có thể nhìn trọn vẹn bức tranh thiên nhiên bên ngoài. Ngay trước cửa sổ bàn làm việc phía Đông của ngôi “Nhà sàn” trong khuôn viên của vườn rau và hoa. Tại đây, Bác trồng cây vú sữa của miền Nam thân yêu.

Trước sân “Nhà sàn” là cả một không gian rộng lớn, bể nước hình bán nguyệt ở giữa có hòn non bộ tự nhiên như hòn đá chông. Khi xây dựng căn cứ, Bác đã chỉ đạo anh em xây quây mỏm đá, thả cá, thả rùa vào tạo tiểu cảnh trang trí cho khu vực. Khi xây dựng Khu Di tích Đá Chông, không chỉ yêu cầu giữ lại các cây xanh, hạn chế chặt cây, Bác còn khuyến khích mọi người trồng thêm nhiều cây xanh trong khu vực. Bác tạo những mảnh vườn nhỏ để trồng các loại cây: nhãn, quế, vải, bưởi, rau xanh và trồng hoa. Trước cửa “Nhà sàn” sừng sững 2 cây ngọc lan là do Bác Hồ cùng với bà Đặng Dĩnh Siêu (phu nhân cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai) trồng từ năm 1961 và 2 cây vàng anh do Bác và Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô G.M Ti-tốp trồng năm 1962. Hiện nay, các cây này bốn mùa vẫn xanh lá, trổ hoa thơm ngát, tượng trưng cho tình bạn, tình đồng chí thủy chung của nhân dân Việt Nam.

Du khách nghe hướng dẫn viên kể về những ngày tháng Bác Hồ sống và làm việc tại Đá Chông

Cho đến ngày nay, Khu Di tích Đá Chông vẫn còn giữ được nhiều cây thông có độ tuổi gần 100 năm, xen kẽ với những cây gỗ cao, tán rộng như: long não, trám… tạo thành những vạt rừng rậm rạp, xanh tươi. Rừng ở đây đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao giá trị cảnh quan, giá trị thẩm mỹ tôn tạo cho các giá trị lịch sử, văn hóa ở các Khu Di tích. Đây là khu vực bảo vệ hữu hiệu nhất đối với Bác và Bộ Chính trị trong thời gian sống và làm việc tại Đá Chông. Rừng Đá Chông còn đóng vai trò không nhỏ đối với phòng hộ ven sông Đà, bảo vệ môi trường vùng ven đô thị thành phố Hà Nội.

Đến với Khu Di tích Đá Chông, chúng ta có cảm giác giống như đến một nơi nào khác Bác đã từng sống, làm việc. Tất cả đều giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên, nguyên sơ thủa ban đầu. Những con đường sỏi, bậc đá trên đường dẫn xuống sông, hòn non bộ, những vườn cây tự tay Người trồng tỉa, những cánh rừng nguyên sinh xanh bạt ngàn vẫn được lưu giữ như thuở nào. Tất cả những gì của thiên nhiên vẫn còn nguyên vẹn với một không gian xanh của Khu Di tích Đá Chông.

Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/khong-gian-xanh-khu-di-tich-da-chong-108196.html