'Không giỏi beatbox' vẫn ẵm cúp vàng

Vừa ẵm cúp vàng tại giải Beatbox Châu Á (Asia Beatbox Championship) 2018 ở hạng mục Loopstation nhưng Trần Thái Sơn thẳng thắn thừa nhận: Tôi không phải người giỏi beatbox (chỉ cần dùng miệng, có thể thay thế cả dàn nhạc một cách tài tình). Tuy nhiên, chàng trai 9x cũng chẳng ngại công khai: Khi 'mang chuông đi đánh xứ người', tôi mang theo khát vọng trở thành nhà vô địch.

Thái Sơn tại giải beatbox châu Á.

Thái Sơn tại giải beatbox châu Á.

Những ngày vừa qua, Sơn xuất hiện chóng mặt trên các phương tiện truyền thông, bởi chiến thắng của anh tại Đài Bắc (Đài Loan) vào tối 21/7 đã giúp beatbox Việt Nam rạng danh trong làng beatbox châu Á. Chính Sơn cũng muốn chia sẻ chiến thắng của mình: “Vô địch châu Á rồi… Cup này dành cho beatbox Việt Nam nhé. Cảm ơn vì tất cả”. Thành tích này hoàn toàn xứng đáng với một người đã dành tới 10 năm đam mê cho beatbox. Cùng nghe anh chia sẻ: “Một beatboxer chơi 10 năm là thuộc dạng lâu rồi. Mà tôi cũng không thành công bằng beatbox bình thường, tôi dùng máy và thích cái đó hơn là beatbox bình thường. Ngay khi thấy thể loại này tồn tại tôi đã theo luôn và thuộc những người chơi sớm của thế giới”. Đánh giá tổng quan beatbox Việt, Trần Thái Sơn tự hào: “Beatbox Việt Nam hơi bị ghê đấy”. Nhưng khi nói về bản thân mình, anh lại “hạ tông”: “Tôi không phải là một người giỏi về beatbox”.

Thành công nhờ tự học

Trần Thái Sơn sinh năm 1992, tại Đông Hà, Quảng Trị. Anh mê Michael Jackson khi mới 5-6 tuổi, đến độ “ngày nào cũng tập nhảy, tập hát, cố làm sao cho phong cách, thần thái giống như thần tượng”. Cho nên, một trong những thế mạnh của Thái Sơn chính là nhảy. Anh có thể nhảy được nhiều thể loại khác nhau, đương nhiên trong đó có nhảy kiểu “Mai cồ”.

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Tuy sinh ra trong một gia đình không ai theo nghệ thuật nhưng bố mẹ anh không ngăn cản đam mê, sở thích của con. Chính cha đã đưa anh đến các lớp học năng khiếu trong dịp nghỉ hè. Nhưng “tôi thấy các lớp học không hợp với mình”, Sơn nhớ lại. Lý do: Cách học trước đây nặng về lý thuyết mà Sơn lại ham thực hành, thế là anh bỏ. Chính sự tự học đã giúp Sơn có cơ hội trải nghiệm qua nhiều bộ môn nghệ thuật. Tình cờ biết đến beatbox qua internet, Sơn mê ngay. Từ đó, anh bỏ thời gian, công sức để tìm tòi bộ môn nghệ thuật có khả năng biến người chơi nó thành phù thủy âm thanh.

Dù thành công nhờ tự học nhưng anh không khuyết khích người khác đi theo con đường của mình vì tự học ngốn nhiều thời gian. Sơn xem rất nhiều video trên thế giới về beatbox, rồi tự tập. Những bước đi đầu tiên chẳng dễ dàng: Suốt năm thứ nhất, anh chưa làm được âm nào cụ thể. Sang năm thứ 2 mới làm được 3 âm căn bản để thành một nhịp. Ưu điểm của Thái Sơn là nhiệt tình cầu thị. Khi tìm được diễn đàn “Beatbox Việt Nam” anh đã tham gia, chia sẻ những thứ mình có để nhận được góp ý từ cộng đồng. Anh bước lên sân khấu trình diễn beatbox từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tốt nghiệp cấp 3, Sơn không chọn một nhạc viện nào đó mà chọn điểm đến là khoa quản trị kinh doanh của ĐH FPT. Ra trường anh đầu quân về FPT, có một công việc ổn định để yên tâm làm nghệ thuật.

Không có chuyện đi thi cho vui

Năm 2017, lần đầu tiên Sơn bơi ra biển lớn đã giành giải Á quân beatbox châu Á. Dù để tuột mất ngôi vị quán quân, song đứng thứ nhì cũng là bất ngờ với “tân binh” trên đấu trường quốc tế như Sơn. Người ta hay nhắc đến chuyện anh bị quá thời gian ở giải châu Á năm 2017, làm ảnh hưởng kết quả cuộc thi. Sơn lí giải: “Là do tôi chưa chuẩn bị kỹ. Chưa bao giờ đi thi quốc tế nên tôi xác định, lần đầu thi cho vui. Lúc trình diễn phiêu quá nên không kiểm soát được thời gian”. Sau đó, Sơn được chọn là đại diện châu Á để đi thế giới: “Tôi tham gia để biết beatbox thế giới đang thế nào, tôi đứng ở đâu?”. Dừng chân ở vòng tứ kết, Sơn “về nhà” với tư thế ngẩng cao đầu tham gia tiếp “Asia Beatbox Championship” 2018. “Tôi tập trong 3 tháng, ngày nào cũng nghĩ về nó. Thi chỉ có 6 vòng nhưng tôi chuẩn bị tới mười mấy bài, để đề phòng. Mỗi bài đều biệt lập về phong cách. Bởi tôi muốn chứng tỏ sự đa dạng, chứ 6 vòng đều “một máu” dễ khiến người ta chán”.

Ưu điểm dễ nhận thấy ở Thái Sơn là khả năng kết nối khán giả tốt. Những màn trình diễn của anh đều khiến khán giả đứng ngồi không yên bởi sự thu hút. Chẳng hạn, anh ngân giọng hát opera sau đó là chuỗi âm thanh DJ tạo ra bằng miệng, kết bài thi trong tiếng kèn lay động, phát ra từ miệng. Hay sáng tạo độc nhất vô nhị đưa nhạc chuông điện thoại vào bài thi của anh cũng khiến khán giả cực thích, vô vàn bình luận dành cho Sơn: “Xử lý thông minh”; “Chất”…

Sơn đi thi cứ như đi diễn, tự nhiên, tự tin, không tỏ ra căng thẳng. Các thí sinh khác đến với cuộc thi thường chọn dòng nhạc khá kén thì Thái Sơn lại chọn những gì gần gũi, dễ cảm với người thưởng thức: “Có thể người ta thích phô diễn kỹ thuật, không coi trọng thành tích. Còn bản thân tôi, đã thi đến năm thứ 2 thì tôi muốn phải trở thành nhà vô địch”, Anh thẳng thắn bày tỏ. Theo Sơn, có 2 lý do khiến beatbox Việt “hơi bị ghê”, không hề kém cạnh trong khu vực và trên thế giới: “Vì người Việt học nhanh. Chỉ cần xem qua một vài lần, đã có thể bắt chước, chỉ cần sáng tạo thêm là ra phong cách của mình. Còn nữa, người Việt có tính sĩ diện rất cao. Không có chuyện đi thi cho vui, đã đi thi phải giành giải cao. Như năm nay tôi đi thi, tôi kỳ vọng giải nhất, chứ không phải đến giao lưu”.

“Thánh nhái giọng” đã “gác kiếm”?

Trước khi được biết đến là nhà vô địch beatbox châu Á, Thái Sơn phủ sóng khán giả nhờ biệt tài “nhái giọng”. Anh có thể nhái khoảng hai chục giọng ca trong và ngoài nước. Trong đó có Michael Jackson, Duy Mạnh, Ưng Hoàng Phúc, Hồ Ngọc Hà… Người ta đặt cho anh biệt danh “Thánh nhái giọng”. Nhưng anh bày tỏ: “Tôi chỉ đầu tư cho beatbox. Trong khi biểu diễn beatbox hứng lên tôi giả giọng cho vui, không ngờ hiệu ứng lớn đến mức… không kiểm soát được”. Đã hai năm nay Sơn không trổ tài nhái giọng khi đi diễn nữa, vì “điều đó khiến người ta nhầm lẫn cá tính của mình với người khác”, anh lí giải.

Sau khi đăng quang ngôi vô địch châu Á, Thái Sơn cũng muốn ngừng thi đấu từ đây. Anh cho biết dự định của mình: “Tôi muốn chuyển sang sản xuất những sản phẩm âm nhạc ghi dấu ấn trong khu vực và trên thế giới. Tôi muốn mở ra chặng đường mới về sáng tác, về biểu diễn để mọi người biết về sản phẩm âm nhạc của tôi, tôi muốn là một nghệ sỹ có tiếng vang”. Khi chúng tôi hỏi, đến bao giờ dự định của Sơn thành hiện thực, anh đáp: “Mỗi bước đi của tôi đều rất lâu, thí dụ để vô địch một giải tôi phải mất nhiều năm”.

Anh muốn chinh phục thị trường bằng chính năng lực của mình: “Tôi không có lợi thế như một ca sỹ, họ có ê kíp đằng sau, có thực lực tài chính. Tôi không có hai thứ đó, cũng không có lợi thế ngoại hình, chỉ có sản phẩm của mình thôi”. Anh tin tưởng: Một sản phẩm hay tự nó sẽ có tính lan truyền. Nhưng nếu sản phẩm hay ra đời vẫn không được đón nhận, Sơn sẽ chấp nhận một cách bình thường, bởi“Tôi không đặt nặng vấn đề tài chính”.

Với những bạn trẻ có ý định theo beatbox, Thái Sơn đưa ra lời khuyên: Chỉ cần đam mê đã là lợi thế. Anh khuyến khích bạn trẻ theo beatbox vì “bộ môn này trên thế giới chưa phát triển đến mức bão hòa, nó đang còn nhiều đất để người mới ghi danh”. Bạn trẻ thời nay theo beatbox cũng không phải mò mẫm như Thái Sơn chục năm về trước. Anh dự định sẽ mở những lớp dạy beatbox trực tuyến, khi thu xếp được thời gian, để truyền kinh nghiệm cho người đến sau.

Thái Sơn đã chuyển vào Sài Gòn sinh sống 2 năm nay. Anh thích một môi trường không ai quá quan tâm đến ai, bản thân mỗi người chỉ là phần rất nhỏ trong môi trường ấy. Sơn đã có người yêu được 7 năm, đó cũng là trợ lý của anh trong công việc. Không che đậy khát vọng trở thành một người có ảnh hưởng, cũng như chẳng hề che đậy chuyện đã có người yêu, thậm chí, anh còn muốn cả thế giới biết rằng anh đang yêu, đang hạnh phúc trong tình yêu, bằng cách thể hiện nỗi nhớ “cục cưng” của anh ngay trên trang cá nhân có rất đông người theo dõi. Nhưng có sao, không ngẫu hứng, không tự tin, đâu còn là Thái Sơn nữa?

“Không có chuyện đi thi cho vui, đã đi thi phải giành giải cao”.

Nghệ sĩ Thái Sơn

Sợ lên sân khấu

Ngay cả khi đã trở thành nhà vô địch châu Á, Thái Sơn cũng không định dùng danh hiệu để kiếm tiền. Chia sẻ của Sơn có thể khiến ai đó ngỡ ngàng: “Càng ngày càng sợ việc lên sân khấu”. Khoảng thời gian một năm trở lại đây, anh ít đi diễn hơn, mỗi tháng chỉ nhận lời lên sân khấu khoảng 2 lần, chủ yếu diễn phục vụ sinh viên hoặc tham gia trong những chương trình âm nhạc có chất lượng, không nhận diễn ở những buổi tiệc ồn ào: “Từ lúc hạn chế đi diễn tôi thấy khả năng sáng tạo và sản phẩm của mình hay hơn. Bởi tôi được tập trung cho cá tính của mình nhiều hơn, không phải chiều khán giả nữa. Đi diễn phải tôn trọng khán giả, bằng cách dùng bài, kỹ thuật thiên về khuấy động khán giả hơn là thể hiện cá tính của mình”.

Đào Nguyên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/khong-gioi-beatbox-van-am-cup-vang-1312043.tpo