Không khí Ngày Độc lập ở Nam bộ

Giáo sư Trần Văn Giàu (ảnh: 1911-2010) là nhân vật hội đủ uy tín cao nhất để nói về hoặc viết lại Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9 ở Nam bộ.

Thế nhưng, thật đáng tiếc, trong di sản để lại của Giáo sư Trần Văn Giàu có quá ít tư liệu về dấu ấn lịch sử ấy. Trong “Tổng tập Trần Văn Giàu” được xuất bản năm 2006, do chính ông đọc và chỉnh lý cũng không có những trang về giai đoạn này.

Bộ sách “Chống xâm lăng” của Giáo sư Trần Văn Giàu gồm 3 quyển “Nam Kỳ kháng Pháp”, “Bắc Kỳ kháng Pháp” và “Phong trào Cần Vương”. Còn bộ sách “Miền Nam giữ vững thành đồng” gồm 4 tập cho 4 khoảng thời gian, tập 1 từ 1954-1960, tập 2 từ 1961-1963, tập 3 từ 1963-1965, và tập 4 từ 1965-1975.

Vì sao Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9 ở Nam bộ không xuất hiện trong tác phẩm của Giáo sư Trần Văn Giàu? Rất đơn giản vì lúc đó ông là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ. Với sự tự trọng của một người cầm bút và của một nhà khoa học, ông Trần Văn Giàu không thể tự viết về vai trò cá nhân trong một bối cảnh xã hội đặc biệt. Ông Trần Văn Giàu có ý để cho người khác viết, nhằm khách quan và có tính thuyết phục cao hơn.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông chuyên đào tạo những cán bộ cộng sản tại Liên Xô, ông Trần Văn Giàu về nước hoạt động cách mạng và nhanh chóng trở thành lãnh tụ ở Nam bộ. Thực dân Pháp đã 3 lần bắt giam ông vào các năm 1933, 1935 và 1940. Lần lượt trải qua các nhà tù Khám Lớn, Côn Đảo và Tà Lài, ông rất được tín nhiệm trong giới trí thức cách mạng. Vì vậy, ngày 15-8-1945, Xứ ủy Nam Kỳ đã thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam bộ do ông Trần Văn Giàu đứng đầu.

Giáo sư Trần Văn Giàu (ảnh: 1911-2010).

Giáo sư Trần Văn Giàu (ảnh: 1911-2010).

Ngày 20-8-1945, nhận được tin Cách mạng Tháng 8 thắng lợi ở Hà Nội, ông Trần Văn Giàu đã triệu tập hội nghị mở rộng tại Chợ Đệm, Long An để phát động khởi nghĩa. Đêm 22-8-1945, Cách mạng Tháng 8 ở Nam bộ bắt đầu bằng việc giành lấy chính quyền ở Tân An. Và đêm 24-8-1945 giành được chính quyền Sài Gòn một cách nhanh gọn và khéo léo.

Chiều 25-8-1945, trong cuộc mít tinh trước dinh Đốc lý Sài Gòn, ông Trần Văn Giàu với tư cách Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ, đã long trọng tuyên bố: “Đồng bào toàn dân. Hôm nay là ngày vẻ vang nhất trong lịch sử của Nam bộ Việt Nam. Giữa thanh thiên bạch nhật, chúng tôi, Ủy ban Hành chánh lâm thời, nhân danh toàn thể quốc dân Nam bộ, tuyên bố trước mặt toàn cầu và trước mặt toàn thể quốc dân rằng chế độ Cộng hòa Dân chủ thành lập tại Nam bộ Việt Nam. Chúng tôi tuyên bố không thừa nhận chế độ Nam triều và cương quyết chống chế độ thực dân. Không ngoại bang nào có thể viện lý do gì để bác bỏ được điều quyết định long trọng của đồng bào ta hoài bão lâu nay: Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Thay mặt Mặt trận Việt Minh miền Nam, chúng tôi lãnh trách nhiệm nắm giữ chính quyền Nam bộ, để đến ngày triệu tập xong Quốc hội, sẽ giao lại cho đại biểu toàn quốc”.

Sức mạnh của Cách mạng Tháng 8 tại Sài Gòn đã có những ảnh hưởng sôi sục khắp Nam bộ. Tại vùng Rạch Giá, Kiên Giang, nhà văn Sơn Nam (1926-2008) đã ghi lại trong hồi ký “Ở chiến khu 9” việc người dân cùng nhau chuẩn bị cờ đỏ sao vàng và tuyên truyền khởi nghĩa: “Dịp này, anh em trao cho tôi tập mỏng tư liệu nhan đề “Công tác cách mạng”, đại khái phải có 5 bước: Điều tra, Tuyên truyền, Tổ chức, Huấn luyện, Tranh đấu…”.

Chợ Bến Thành xưa.

Nhà văn Sơn Nam đã miêu tả 2 bức tranh. Thứ nhất, sự thất thủ của quân Pháp: “Tôi may mắn chứng kiến cuộc đầu hàng có trật tự ở chợ Rạch Giá. Đồng bào ta sửng sốt vì đa số “ông Tây” trông lem luốc, đặc biệt râu của họ mọc quá nhanh, cái mặt đen thui, dưới cằm râu dài cỡ 10cm. Vài người cố lết đôi giày dơ dáy hoặc đi chân đất, cà nhót như vừa bị thương. Mấy bà đầm không trang điểm, bước đi hổn hển, quần áo lem lấm, tay xách giày dép. Họ như không còn muốn giữ thể diện với dân chúng…”. Thứ hai, sự bàn giao của quân Nhật: “Một Ủy ban khởi nghĩa đã đi ô tô đến Tòa Bố tỉnh để gặp viên tỉnh trưởng do người Nhật chỉ định. Sau nhiều phút cãi vã, hắn ta chịu rút lui trong khi dân chúng kéo tới hô khẩu hiệu, gây sức ép như vũ bão…”.

Về ngày Quốc khánh 2-9-1945 ở Nam bộ, Giáo sư Trần Văn Giàu kể lại: Ngày 31-8-1945, Trung ương điện vào cho biết 2 giờ chiều ngày 2-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Ba Đình, Hà Nội. Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ quyết định tổ chức lễ Độc lập ở Sài Gòn vào đúng thời điểm đó, để nghe trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập truyền đi từ Hà Nội. Ngay từ trưa 2-9-1945 hàng triệu người dân Sài Gòn và các tỉnh lân cận đã tập trung trên Đại lộ Cộng Hòa (nay là đường Lê Duẩn) để dự lễ. Cả Sài Gòn tràn ngập cờ đỏ. Thế nhưng, do thời tiết quá xấu, không bắt được tín hiệu radio từ Hà Nội. Ban tổ chức phân công ông Trần Văn Giàu thay mặt Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ phát biểu trước đồng bào.

Bài phát biểu của Giáo sư Trần Văn Giàu như sau: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành nước cộng hòa... Kẻ địch toan tính âm mưu gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào... Mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi. Bởi Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại ách nô lệ. Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng”.

Còn Ngày Quốc khánh 2-9-1945 ở Rạch Giá, Kiên Giang, được nhà văn Sơn Nam viết lại: “Đồng bào từ các vùng gần xa trong tỉnh lần lượt đến, nhiều bà, nhiều cô mặc áo dài tươm tất. Mặt bằng là sân đá bóng của tỉnh. Khán đài dựng lên đơn sơ, với sự hiện diện của Ủy ban Việt Minh… Không có máy vi âm, làm sao nói cho cả vạn người nghe? Đành dùng kỹ thuật thời xưa là nói trong ống loa bằng thiếc. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới sau lái chiếc tàu tuần biển của Pháp mà ta đã sung công. Vài toán thanh niên xếp hàng hai, đang tập đi, với phong cách quân đội chính quy, vài cậu xách lựu đạn nội hóa hình bầu dục, đúc bằng đồng, phía sau có cái đuôi khá dài... Họ hát “nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng”, mặc quần cụt, chân mang dép bằng nhựa cao su còn tươi, chưa sơ chế”.

Tuy Hòa

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/khong-khi-ngay-doc-lap-o-nam-bo-83570.html