Không khoan nhượng

'Đáp đền tiếp nối'Nga vừa cấm cửa tám quan chức EU vào nước này, một bước leo thang mới của bầu không khí nóng hừng hực trong mối quan hệ dường như chưa bao giờ tồi tệ đến thế giữa Moscow với Brussels nói riêng và giữa Nga với phương Tây nói chung.

Đại sứ quán Séc ở Moscow.

Đại sứ quán Séc ở Moscow.

“Đáp đền tiếp nối”

Nga vừa cấm cửa tám quan chức EU vào nước này, một bước leo thang mới của bầu không khí nóng hừng hực trong mối quan hệ dường như chưa bao giờ tồi tệ đến thế giữa Moscow với Brussels nói riêng và giữa Nga với phương Tây nói chung.

Moscow cho biết lệnh cấm nhập cảnh đối với tám quan chức châu Âu này là động thái đáp trả loạt biện pháp trừng phạt mà Hội đồng châu Âu đưa ra hồi tháng trước nhắm vào bốn quan chức Nga bị EU cáo buộc liên quan đến vụ bắt thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny khi ông này từ Đức trở về Nga, cũng như phản ứng của cảnh sát Nga trước cuộc biểu tình ủng hộ ông Navalny.

Những quan chức EU bị liệt vào “danh sách đen” của Nga bao gồm cả Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli, Phó Chủ tịch Ủy ban Minh bạch và Giá trị châu Âu Vera Jourova.

Đương nhiên là Brussels tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả. Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định rằng “hành động này (của phía Nga) là không thể chấp nhận, thiếu lý lẽ pháp lý và hoàn toàn vô căn cứ. Nó nhắm trực tiếp vào EU, không chỉ các cá nhân liên quan. EU có quyền thực hiện các biện pháp đáp trả thích hợp”.

Thật ra không cần đợi đến khi Brussels có các biện pháp trả đũa thì giữa Moscow và một số nước châu Âu cùng với Mỹ đã lao vào một cuộc đua tranh trục xuất các nhân viên ngoại giao của nhau mang tính chất “đáp đền tiếp nối” chỉ trong vẻn vẹn có vài ngày ở nửa sau tháng 4 vừa qua!

Ngày 15-4, lấy lý do Nga thực hiện các cuộc tấn công mạng và can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2020, Mỹ tuyên bố trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga, đồng thời đưa ra các biện pháp trừng phạt quy mô lớn nhằm vào hàng chục thực thể và cá nhân của Nga.

Phản ứng của Nga đến tức thì. Ngày 16-4, Nga tuyên bố trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ, cấm tám quan chức đương nhiệm và tiền nhiệm của Mỹ nhập cảnh vào Nga, đồng thời đề nghị Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan quay về nước để thảo luận về vấn đề quan hệ Nga - Mỹ. Hành động “mời” đại sứ Mỹ về nước này tuy không mang tính “trục xuất” nhưng thực chất, là một đòn đáp trả phi đối xứng dằn mặt của Nga trước quyết định khai mào cuộc chiến ngoại giao từ phía Mỹ.

Sau khi Mỹ tuyên bố trừng phạt Nga, cùng ngày, Ba Lan cũng tuyên bố trục xuất ba nhà ngoại giao Nga với cáo buộc họ thực hiện các hành vi không phù hợp với vai trò ngoại giao, gây bất lợi cho Ba Lan. Kết quả thì ai cũng đoán trước được: ngày 17-4, năm nhà ngoại giao Ba Lan nhận lệnh trục xuất, khăn gói về nước.

Tiếp theo là Ukraine. Ngày 17-4, Nga cáo buộc lãnh sự Ukraine tại St.Petersburg có các hoạt động bất hợp pháp - gặp gỡ một người Nga để nhận tài liệu mật, yêu cầu lãnh sự Ukraine phải rời khỏi nước Nga trước ngày 22-4. Cùng ngày, Ukraine yêu cầu một quan chức ngoại giao cấp cao của Đại sứ quán Nga tại Ukraine rời khỏi nước này trước ngày 22-4.

Cũng trong ngày 17-4, Séc vào cuộc, tuyên bố trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga với cáo buộc có liên quan đến một vụ nổ kho vũ khí ở Séc mãi hồi năm 2014. Một ngày sau, Nga tuyên bố trục xuất 20 nhà ngoại giao Séc để đáp trả hành động của Prague.

Thông điệp của Tổng thống Nga

“Cuộc chiến trục xuất” các nhà ngoại giao của nhau giữa Nga với các nước phương Tây cũng như các đồng minh cũ của Liên Xô trước đây không phải là điều hiếm thấy. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đây từng là những biện pháp dằn mặt nhau giữa hai đối thủ mắt trừng trừng nhìn nhau, thi gan để xem ai chớp mắt trước! Thậm chí đã từng có những thời điểm một lệnh trục xuất lên tới hàng trăm người!

Nhưng đấy là trong bầu không khí sặc mùi khói súng của Chiến tranh Lạnh. Còn đây là thời kỳ hậu Xô viết, khi mà không gian ảnh hưởng của Mỹ và NATO đã lan đến sát các đường biên giới của Nga và nước này đang phải vật lộn với vô vàn khó khăn do dịch Covid-19, do hàng loạt lệnh cấm vận, trừng phạt của phương Tây nhằm vào quốc gia kế thừa vai trò của Liên Xô trước đây.

Đặc biệt là kể từ sau cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây tới tấp nhằm vào Nga với đủ mọi cáo buộc: tấn công mạng, can thiệp bầu cử Tổng thống, đầu độc điệp viên đào thoát hoặc thủ lĩnh chính trị đối lập... Thế giới dường như đã dần quen với các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, vì bất cứ lý do gì và trong nhiều trường hợp, không cần giấu diếm động cơ chính trị.

Tổng thống Nga V.Putin, trong Thông điệp Liên bang, đã nói về một số quốc gia hình thành thói quen bất lịch sự là với bất kỳ cái cớ nào, đều hướng sự chỉ trích nhằm vào nước Nga. Trong làn sóng chỉ trích vô cớ này, theo ông V.Putin, đã xuất hiện môn “thể thao” mới: xem ai to giọng hơn.

Phản ứng của nước Nga trước những động thái đó như thế nào?

Không ai khác mà cũng chính Tổng thống V.Putin, trong Thông điệp liên bang đã chỉ rõ: “Chúng ta (nước Nga) thực sự muốn có quan hệ tốt với tất cả những nước tham gia giao tiếp quốc tế, kể cả những nước mà quan hệ của chúng ta, nói một cách nhẹ nhàng là gần đây không phát triển lắm. Chúng ta thực sự không muốn đốt cầu (nối quan hệ). Nhưng nếu ai đó coi mục đích tốt của chúng ta là sự bàng quan hay yếu đuối, bản thân định đốt hoặc thậm chí cho nổ tung cầu thì người đó nên biết rằng phản ứng của Nga sẽ không thua kém, thần tốc và cứng rắn”.

Có thể tin vào lời của vị Tổng thống Nga, nếu xem xét những động thái của Nga trong “cuộc chiến trục xuất” các nhà ngoại giao diễn ra thời gian gần đây. Cũng có thể thấy tính chất “thần tốc và cứng rắn” trong các biện pháp đáp trả tức thời và phi đối xứng của Nga, khi số lượng các nhân vật ngoại giao nước ngoài bị phía Nga trục xuất thường lớn hơn số lượng các nhà ngoại giao Nga bị đối phương trục xuất.

Không phải bạn bè!

Đâu là căn nguyên của “cuộc chiến trục xuất” các nhà ngoại giao giữa Nga với một số nước?

Ẩn sâu dưới bề mặt của các động thái trục xuất ngoại giao lẫn nhau chính là mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Mỹ, vốn đã từng là đối thủ của nhau trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và ngay cả khi cuộc chiến tranh không tiếng súng ấy đã kết thúc, vẫn chưa bao giờ là bạn bè của nhau! Chỉ có điều là thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hai bên thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau trên cơ sở biết rất rõ rằng kho vũ khí của đối thủ chẳng kém cạnh gì mình và bất cứ một hành vi sơ suất hay đánh giá sai lầm nào cũng ẩn chứa những rủi ro tiềm tàng có thể dẫn tới thảm họa. Nhưng khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và thế giới tiếp tục trải qua ba thập niên đầy biến động vừa qua, hai bên đã có những sự thay đổi căn bản trong cách đánh giá về nhau.

Qua những gì đã diễn ra, các cuộc chiến ở Syria hay Afghanistan, cách nước Mỹ đối phó với đại dịch Covid-19 (một thảm họa) hay thương chiến Trung - Mỹ, Nga coi Mỹ không còn ở thế thống trị như vài thập kỷ trước. Bất chấp việc Mỹ mở rộng NATO đến sát biên giới nước Nga, việc Nga sáp nhập lại vùng đất Crimea năm 2014 trước sự sững sờ bất lực của Mỹ cho thấy rõ điều này.

Trong khi đó thì Mỹ vẫn cho rằng nước Nga sẽ khốn đốn bởi những lệnh trừng phạt liên tiếp và nước này sớm muộn sẽ phải chấp nhận thỏa hiệp.

Những cách đánh giá đó tất yếu dẫn tới các động thái nắn gân nhau theo khuynh hướng “mắt đền mắt, răng đền răng”, tiềm ẩn sự rủi ro mang tính đối đầu. Về cơ bản, quan hệ giữa Nga và Mỹ vẫn là sự tiếp nối của những gì diễn ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, không có sự thay đổi căn bản nào. Những vấn đề mà hai bên có thể cùng can dự, chẳng hạn như cuộc chiến Syria hay tình hình ở Ukraine, đều có những “lằn ranh đỏ” mà mỗi bên không thể vượt qua.

Đề xuất của Mỹ về việc tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh giữa hai Tổng thống Joe Biden và Vladimir Putin (ngay sau đó ông Biden đã ban bố hàng loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga) đang thu hút sự chú ý của giới quan sát quốc tế. Tuy vậy, bài học về ba cuộc gặp thượng đỉnh giữa người tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden là ông Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho thấy một khi vẫn còn tồn tại những sự khác biệt mang tính nền tảng, các mối quan hệ cá nhân hay các cuộc gặp thượng đỉnh mang lại rất ít hiệu quả.

Trong tương lai gần, mối quan hệ Nga-Mỹ khó có thể có những bước cải thiện mang tính thực chất. Điều duy nhất mà người ta có thể làm lúc này là chờ đợi.

YÊN BA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/quoc-te-hangthang/khong-khoan-nhuong-647788/