Không kiểm soát tiền mặt, khó 'tóm đuôi' kẻ nhận hối lộ

"Ở nước ngoài, họ kiểm soát tiền mặt chặt chẽ nên sẽ “lòi đuôi” ngay tiền bất hợp pháp”, ông Nguyễn Bá Thuyền (ĐBQH khóa XIII) nói.

Phiên xét xử vụ Oceanbank , bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc OceanBank thừa nhận đã chi hơn 200 tỷ đồng đi đối ngoại, biếu xén, quà cáp cho các cơ quan, lãnh đạo… chứ không “bỏ túi” cá nhân, vụ VN Pharma hàng tỷ đồng cũng được chi làm quà biếu.

Ông Nguyễn Bá Thuyền (ĐBQH khóa XIII): "Kiểm soát chặt tiền mặt sẽ "lòi đuôi" tham nhũng". Ảnh:quochoi.vn

Trước con số mà bị cáo đưa ra, dư luận đặt dấu hỏi về việc ai đã nhận những đồng tiền này? Có cơ sở để xử lý những người đã nhận “quà biếu” bằng tiền tham nhũng không? Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Thuyền (ĐBQH khóa XIII).

PV: Trước số tiền hàng trăm tỷ đồng dùng làm quà biếu, đối ngoại… mà bị cáo trong đại án Oceanbank khai tại tòa, ông có bất ngờ với số quà biếu bằng tiền bất chính mà các bị cáo cùng khai ra?

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Tôi cho rằng tôi và nhiều người hẳn sẽ không quá bất ngờ về điều này vì từ lâu chuyện quà biếu đã râm ran trong xã hội. Tuy nhiên, ít ai biết được nó giá trị bao nhiêu.

Đặc biệt, từ câu chuyện này cho thấy, cách quản lý của chúng ta không tốt và đặc biệt là vấn đề kiểm soát được tiền mặt. Ở nước ngoài, họ kiểm soát tiền mặt chặt chẽ nên sẽ “lòi đuôi” ngay tiền bất hợp pháp. Khi mua bất kỳ vật dụng gì có giá trị, người mua phải chứng minh được nguồn gốc tiền mà họ có. Nhưng hiện nay, chúng ta không kiểm soát được vấn đề này. Tất cả đều được giao dịch bằng tiền mặt nên không thể kiểm soát nổi. Chính vì vậy, nhiều cán bộ, quan chức nhận quà biếu với số tiền lớn là có thật nhưng chẳng ai đưa được bằng chứng để chứng minh.

Ngay cả khi biếu quà, có hai người đi cùng nhau, một người làm chứng cho người kia nhưng chứng cứ đó cũng rất mong manh (trừ khi ghi lại được hình ảnh, video-PV). Tất cả những hành vi đưa quà, biếu xén bản chất là hối lộ và nó đang bị biến tướng.

PV: Trong đại án Oceanbank cũng như vụ VN Pharma, khi các bị cáo khai ra số tiền chi biếu xén, “hoa hồng” thì dường như “cái kim trong bọc mới dần lòi ra”. Nhưng dường như việc “tóm đầu kim” lại không đơn giản, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Như tôi đã nói ở trên, dù bị cáo có khai ra nhưng không có chứng cứ thì chẳng làm gì được những người đã nhận tiền. Chúng ta đang bế tắc ở chỗ đó. “Khẩu thiệt vô bằng” nên khó có thể xử lý những người... chưa bị lộ!

Rất nhiều người giàu bất hợp pháp, nhìn rất rõ nhưng chẳng ai làm gì được. Ở các nước, tài sản bất hợp pháp không kê khai thì đương nhiên bị tịch thu nhưng trong luật chúng ta lại không quy định này. Tôi đã từng đi rất nhiều nước và được biết quy định về nhận quà của họ cũng rất công khai, minh bạch. Thậm chí, khi nhận quà, họ mở công khai trước mặt những người chứng kiến, nếu món quà giá trị, họ sẽ không bao giờ nhận.

PV: Có một thực tế đang tồn tại, nếu doanh nghiệp không biếu quà thì quá trình làm ăn sẽ khó hanh thông. Còn trong trường hợp này có thể nói là biếu quà để che đậy việc buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật?

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Đúng là đang tồn tại thực tế này. Khi người ta không còn niềm tin thì cái gì người ta cũng đưa tiền. Nhiều người đang tồn tại cách nghĩ, nếu không đưa tiền thì sẽ bị cán bộ “hành”, không làm đúng quy trình. Nhiều cán bộ lý sự là họ không “đòi quà” mà người dân “tự nguyện” đưa. Điều đó bộc lộ cách quản lý của chúng ta không triệt để từ trên xuống dưới.

Tôi từng phát biểu trước nghị trường Quốc hội, chống tham nhũng như quét cầu thang, quét từ trên xuống chứ không thể quét ngược từ dưới lên. Không có bằng chứng thì khó “bắt tận tay” tham nhũng.

Khi nhận số tiền lớn, người nhận phải biết được mục đích của việc người đó biếu quà là gì (nhờ vả, chạy chọt...) chẳng ai cho không ai cái gì bao giờ. Chính vì vậy, theo tôi khi nào cán bộ, quan chức nhận tiền của cá nhân, doanh nghiệp biết xấu hổ thì vấn nạn hối lộ mới được đẩy lùi. Nếu cán bộ vẫn giữ cách nghĩ đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, phải có “lót tay” mọi việc mới hanh thông và nhận những đồng tiền đó một cách vui vẻ rồi bù lại bằng việc làm ngơ trước những sai phạm thì công cuộc chống tham nhũng của chúng ta sẽ còn cam go.

PV: Nhưng thưa ông quà biếu có màu hồng, của hối lộ màu đen, làm sao để nhận diện và xử lý được?

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Tham nhũng gắn với quyền lực và nó là một biểu hiện của sự tha hóa quyền lực. Cho dù có quy chế, việc xác định ranh giới quà biếu và hối lộ cũng không thể bao quát tất cả trường hợp. Ranh giới giữa quà biếu và hối lộ đôi khi mỏng như sợi tóc, chỉ có chính người nhận và người đưa quà mới có thể hiểu bản chất.

Theo tôi, để chặn đứng vấn nạn hối lộ, tham nhũng, chúng ta cần có quyết định mạnh mẽ hơn nữa trong việc kê khai tài sản chứ không thể làm hình thức như hiện nay. Thực tế đang tồn tại hiện tượng người tham nhũng chuyển tiền, chuyển tài sản cho người thân thích theo kiểu “hy sinh đời bố củng cố đời con” kể cả chuyển cho vợ hoặc chồng, cho bố mẹ... làm cho lực lượng chống tham nhũng cũng rất lúng túng, tiền, tài sản bị tham nhũng với số lượng khổng lồ nhưng tỉ lệ thu hồi lại quá thấp.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hương Lan - Đỗ Thơm

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/khong-kiem-soat-tien-mat-kho-tom-duoi-ke-nhan-hoi-lo-p53973.html