Không là nạn nhân, đừng làm thủ phạm!

Đa phần thanh thiếu niên dùng mạng internet chỉ đơn giản đó là một kênh thông tin mới, nhanh; đem lại nhiều tiện ích. Đa phần phụ huynh cũng nghĩ đơn giản như vậy và nói rằng: 'Trẻ con bây giờ sướng thật, có đủ phương tiện hiện đại để phục vụ nhu cầu'. Cả hai đối tượng này đều chưa biết và xem nhẹ loại hình tội phạm nói chung và một hình thức mới xuất hiện nói riêng gọi là 'Bắt nạt trên mạng' (BNTM).

Cùng sự phát triển của mạng internet và các thiết bị công nghệ số, điện thoại thông minh, sự tương tác giữa thế giới ảo và thế giới thật ngày càng được rút ngắn, khoảng cách giữa không gian, thời gian như được xóa nhòa. Ngoài tiện ích do công nghệ mang lại, những loại hình lừa đảo, tội phạm qua mạng cũng xuất hiện nhiều hơn với nhiều chiêu thức tinh vi, dễ dàng trở thành cạm bẫy đối với bất cứ người dùng nào, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Một trong những vấn nạn đó là “bắt nạt trên mạng” (BNTM).

Tại sự kiện liên quan đến nội dung phòng chống tội phạm qua mạng internet do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an được tổ chức mới đây, những con số về BNTM đưa ra khiến nhiều người không khỏi giật mình. Theo một khảo sát quốc tế, 87% thanh thiếu niên đã từng chứng kiến hành vi BNTM; 34% học sinh, sinh viên thừa nhận đã từng bị BNTM; 15% học sinh, sinh viên thừa nhận đã từng BNTM người khác. 19% các vụ BNTM liên quan đến phát tán tin đồn; 13% trẻ em bị BNTM bị nhận các bình luận ác ý; 72% trẻ em bị BNTM do hình thức của mình; 26% nạn nhân bị BNTM do chủng tộc hoặc tôn giáo. Các em gái (41%) dễ bị BNTM hơn so với các em trai (28%); các em gái có hành vi BNTM thường đăng các bình luận ác ý online; các em trai có hành vi BNTM thường đăng các ảnh hoặc đoạn video ác ý…

Bắt nạt trên mạng khiến không chỉ nạn nhân mà cả “thủ phạm” cũng lĩnh hậu quả. Ảnh tư liệu

Còn ở Việt Nam, qua khảo sát 1.648 học sinh khối THPT của 6 trường tại Hà Nội, Thừa thiên-Huế, Cần Thơ năm 2016 cho kết quả: 13,5% học sinh bị BNTM trong 1 tháng trước khi khảo sát; học sinh thành thị bị BNTM cao hơn ở nông thôn (16,6% so với 10,3%); học sinh nam (17,4%) bị bắt nạt nhiều hơn học sinh nữ (9,8%); học sinh chơi game online bị BNTM nhiều hơn các học sinh khác….

BNTM có những hình thức phổ biến là gửi thông điệp, tin nhắn có nội dung xấu tới email hoặc ĐTDĐ; phát tán tin đồn nhảm, xúc phạm và làm nhục qua mạng; gửi tin nhắn gây tổn thương hoặc đe dọa lên mạng xã hội, các trang web/blog; lấy những bức hình/clip riêng tư của một ai đó rồi lan truyền qua internet và mạng xã hội; nhắn tin gợi dục (mà chưa có sự đồng thuận) hoặc lưu hành những hình ảnh hoặc tin nhắn khêu gợi tình dục về một ai đó; đưa ảnh riêng tư lên diễn đàn chung và bình luận…

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam thì BNTM mang lại những hậu quả nguy hiểm và khôn lường. Vẫn trong khảo sát trên tại Việt Nam cho thấy, cứ 10 em thì có 7 em bị BNTM ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội của mình; 83% nạn nhân cảm thấy bị xúc phạm nhân phẩm; 30% nạn nhân có hành vi tự làm hại bản thân; 30% trẻ em bị BNTM từng nghĩ đến tự tử và 10% trẻ em có hành vi tự tử; 7% nạn nhân BNTM tiếp tục bắt nạt người khác. BNTM rất nguy hiểm bởi nó diễn ra 24/7, mọi nơi (kể cả ở nhà); khó xác định người bắt nạt; người tung tin không lường được về hành vi, không thấy mình phải chịu trách nhiệm hay lo sợ bị trừng phạt; thông tin lan quá nhanh, quá rộng dẫn đến việc nếu đó là thông tin bịa đặt cũng không thể cải chính với tất cả mọi người.

Vấn đề cần quan tâm hơn cả ở đây, đó là BNTM không chỉ đem lại hậu quả cho nạn nhân mà còn cho cả kẻ đi bắt nạt. Nếu nạn nhân bị trầm cảm, lo sợ, bất an, tự sát thương, tự tử, không đến trường…. thì đối với kẻ bắt nạt sẽ xuất hiện xu hướng bạo lực, đánh nhau, bỏ học, dễ dàng có hành vi vi phạm pháp luật trong tương lai… Bởi những hậu quả có thật của hành vi BNTM, mỗi người, nhất là học sinh cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để ứng phó; cụ thể: Khi bị BNTM thì đó không phải là lỗi của mình; bình tĩnh yêu cầu kẻ bắt nạt hãy dừng lại; chặn tin nhắn/kết nối của kẻ bắt nạt; lưu lại bằng chứng; chia sẻ với mọi người và những người mình tin tưởng; không trả đũa bằng hành vi tương tự và tố cáo với cơ quan chức năng.

Để không là nạn nhân hay kẻ tiếp tay cho hành vi BNTM, mỗi người hãy suy nghĩ trước khi đăng hay chia sẻ bất cứ thông tin, hình ảnh, thông điệp nào. Trước mỗi luồng thông tin và đặc biệt là thông tin, hình ảnh “hot” nhận được trên mạng, cần tự đặt cho mình những câu hỏi, có động thái kiểm chứng thông tin và nếu là thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội trước đó, cần chờ đợi kết luận của cơ quan chức năng; tránh việc thấy hay hoặc do vấn đề đang là tâm điểm quan tâm và sốt xình xịch trong dư luận mà chưa đọc hết đã vội vàng chia sẻ kèm bình luận cảm tính bởi những hành vi mang tính đám đông đó vô hình trung cũng trở thành hành vi BNTM, đem lại hậu quả xấu, ảnh hưởng uy tín cá nhân của chính người chia sẻ…

Linh Anh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/khong-la-nan-nhan-dung-lam-thu-pham-112955.html