Không làm cũng có thẻ tín dụng: Nợ từ trên trời rơi xuống

Không mở thẻ tín dụng, không cung cấp hồ sơ, thế nhưng 22 giáo viên, nhân viên Trường Trung học phổ thông Lý Tử Tấn, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội lại có thẻ tín dụng, phát sinh giao dịch rút tiền với tổng số dư nợ là trên 512 triệu đồng.

Sự việc xảy ra cuối năm 2017, khi cán bộ Ngân hàng Tiên phong (TP. Bank) đến làm việc với một số giáo viên Trường Trung học phổ thông Lý Tử Tấn, về việc mở thẻ tín dụng và phát sinh nợ tại Ngân hàng này.

Theo đó, có 22 giáo viên, nhân viên Trường Trung học phổ thông Lý Tử Tấn không có nhu cầu mở thẻ tín dụng và không ký bất kỳ một văn bản nào liên quan đến việc mở thẻ tín dụng tại Ngân hàng TP Bank. Trước đó họ cũng chưa từng gặp nhân viên TPBank hay có ý tưởng mở tài khoản thẻ tín dụng tại ngân hàng này, nhưng lại có thẻ tín dụng với số nợ phát sinh thẻ tín dụng lên tới 512 triệu đồng. Đặc biệt, có thẻ tín dụng lên tới vài chục triệu đồng. Điều này đặt ra nghi vấn phải chăng nhân viên TPBank có “đi đêm” với cán bộ Trường cấp 3 Lý Tử Tấn?.

Biên bản làm việc giữa đại diện Ngân hàng TP Bank và Ban Giám hiệu Trường Trung học phổ thông Lý Tử Tấn

Biên bản làm việc giữa đại diện Ngân hàng TP Bank và Ban Giám hiệu Trường Trung học phổ thông Lý Tử Tấn

Trước sự việc trên, 22 chủ thẻ đã báo cáo sự việc lên hiệu trưởng nhà trường và đề nghị làm rõ có hay không việc hồ sơ nhân thân, bảng lương của giáo viên bị cán bộ trường cung cấp cho người ngoài làm thẻ khống nhằm chiếm đoạt tài sản. Bởi lẽ nếu không có tay trong cung cấp các loại giấy tờ cần thiết về nhân thân, hợp đồng lao động, bảng lương… và thông tin của kế toán, văn thư của trường thì không thể làm được.

Sau khi vụ việc vỡ lở, Công an huyện Thường Tín, đại diện TPBank, đại diện lãnh đạo Trường cấp 3 Lý Tử Tấn, 22 cán bộ giáo viên đã họp và xác định được bà Đặng Thị Hoa là đối tượng đang sử dụng 22 thẻ này. Điều đáng nói bà này không phải là nhân viên, cán bộ của trường.

Trao đổi với PV, ông Phùng Văn Tần, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Tử Tấn cho biết: Khoảng cuối tháng 9/2017, bà Đặng Thị Hoa (là bạn của một giáo viên trong Trường) có đến gặp bà Đào Thị Hường là kế toán Trường Trung học phổ thông Lý Tử Tấn để tiếp thị chương trình mở thẻ tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacom Bank). Sau đó một số giáo viên, nhân viên đã trực tiếp tham gia ký vào các văn bản mở thẻ tại Ngân hàng Sacom Bank. Và việc “bỗng dưng” có thẻ tín dụng tại Ngân hàng TP Bank có thể là do bà Hoa đã tự ý sao chụp các thông tin cá nhân của những giáo viên, nhân viên nói trên để mở thẻ tín dụng bất hợp pháp tại Ngân hàng TP Bank.

Lúc này, 22 cán bộ giáo viên mới thở phào nhẹ nhõm, TPBank cũng quyết định không tiến hành thu khoản nợ tín dụng trên và đương nhiên bà Đặng Thị Hoa phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ dư nợ, lãi, phí phát sinh cho các thầy cô Trường cấp 3 Lý Tử Tấn.

Tuy nhiên, theo thông tin PV có được thì trong số 22 giáo viên, nhân viên nói trên lại có cả những người không tham gia mở thẻ tại Ngân hàng Sacom Bank. Vậy, có hay không việc kế toán Trường Trung học phổ thông Lý Tử Tấn tự ý cung cấp thông tin cá nhân, bảng lương, quyết định xếp hạng ngạch của giáo viên, nhân viên nhà trường cho đối tượng lạ làm thẻ tín dụng cho nhiều người trong cùng một thời điểm, như nghi vấn của một số giáo viên, nhân viên?.

Tại Khoản 5, Điều 10, Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 Quy định về hoạt động thẻ ngân hàng: Trước khi ký hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng, tổ chức phát hành thẻ yêu cầu chủ thẻ cung cấp đầy đủ các thông tin, giấy tờ cần thiết nhằm nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật. Do đó, việc 22 giáo viên, nhân viên không có nhu cầu, không trực tiếp làm thủ tục nhưng lại có thẻ và phát sinh nợ đã cho thấy nhiều “lỗ hổng” trong phát hành thẻ tín dụng tại Ngân hàng TP Bank; tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao đối với khách hàng.

Như vậy, có thể hiểu nhân viên TPbank đã cấu kết với bà Hoa để làm và cấp giấy tờ giả cho chính Ngân hàng TPbank để cấp mở thẻ tín dụng cho các giáo viên Trường cấp 3 Lý Tử Tấn mà không được sự cho phép và không có chữ ký thật của họ trong tất cả các giao dịch bắt buộc trước khi mở thẻ.

Vụ việc may mắn đã được phát hiện và 22 chủ thẻ trên đã được giải oan. Thế nhưng nếu như TPbank không thông báo, hoặc thông báo chậm thì hậu quả khi đó thì ai chịu trách nhiệm. Thử hỏi nếu như hành vi này không được ngăn chặn thì hậu quả về sau sẽ kinh khủng như thế nào?, Hoặc biết đâu bên ngoài vẫn đang có hàng trăm “thẻ tín dụng ma” đang được cán bộ ngân hàng cấu kết với nhiều cá nhân để trục lợi bất chính?.

THÀNH NAM

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/khong-lam-cung-co-the-tin-dung-no-tu-tren-troi-roi-xuong-d74218.html