Không lơ là trước bệnh Dịch tả lợn châu Phi

Không chủ quan, lơ là trước bệnh Dịch tả lợn châu Phi, trong kỳ nghỉ lễ vừa qua (từ ngày 27-4 đến 1-5), các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã huy động 100% lực lượng chuyên trách ứng trực tại các chốt kiểm dịch và khu vực có nguy cơ cao về bệnh dịch… Để tiếp tục ngăn chặn, kiểm soát bệnh dịch hiệu quả, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng thì sự chủ động, phối hợp thực hiện của người chăn nuôi có vai trò quan trọng.

Bùng phát mạnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hà Nam

Huy động 100% lực lượng chuyên trách ứng trực

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, tính đến ngày 29-4, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhiễm đàn lợn của 3.233 hộ dân tại 617 thôn, tổ dân phố thuộc 227 xã, phường ở 23 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh, buộc tiêu hủy 48.521 con lợn. Do chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị, cơ chế xâm nhiễm đa dạng… nên dự báo thời gian tới, diễn biến bệnh Dịch tả lợn châu Phi còn phức tạp.

Chốt kiểm dịch tại xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ).

Chốt kiểm dịch tại xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ).

Để phòng ngừa, ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm, lây lan, thời gian qua, đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 (từ ngày 27-4 đến 1-5), các địa phương đã huy động 100% lực lượng chuyên trách ứng trực tại các chốt kiểm dịch và địa bàn có nguy cơ cao về bệnh dịch… Tại huyện Chương Mỹ, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đặng Viết Xuân, sau khi xâm nhiễm vào địa bàn, 15 xã có bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã thành lập và thường xuyên duy trì hoạt động 36 chốt kiểm dịch động vật. Mỗi chốt có 9 người, bố trí thành 3 ca, trực 24/24 giờ… Chẳng hạn, chốt kiểm dịch động vật của xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ) những ngày này luôn có 3 nhân viên trực chốt và tiến hành phun thuốc khử trùng ngay đối với phương tiện ra - vào địa bàn xã. “Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, lượng xe qua lại khá đông nên chúng tôi vất vả hơn so với ngày thường. Tại chốt trực, chúng tôi đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để tránh nguy cơ lây lan", ông Nguyễn Văn Khải, nhân viên chốt trực chia sẻ.

Còn tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), dù không còn bệnh Dịch tả lợn châu Phi nhưng sáng 1-5, lãnh đạo và bộ phận chuyên trách vẫn ứng trực để kịp thời xử lý thông tin nhân dân phản ánh. Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy Nguyễn Quốc Văn cho biết, phường đã xây dựng phương án, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi; lập chốt kiểm dịch 24/24 giờ, hạn chế tối đa người và phương tiện ra vào vùng xảy ra bệnh dịch; tổ chức tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại, vệ sinh môi trường…

Sự chủ động của hộ chăn nuôi - Yếu tố quan trọng

Nhờ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện đồng bộ các giải pháp, một số huyện, thị xã như: Sơn Tây, Ba Vì, Mỹ Đức, Thanh Oai… đã kiểm soát hiệu quả bệnh Dịch tả lợn châu Phi, không để xâm nhiễm và lây lan diện rộng.

Tại huyện Ba Vì, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hứa Bá Trình cho hay, sau 17 ngày xâm nhiễm vào đàn lợn nuôi của 2 hộ dân ở 2 xã Yên Bài và Thụy An, đến ngày 1-5, bệnh Dịch tả lợn châu Phi không phát sinh thêm... Về kinh nghiệm, ông Hứa Bá Trình chia sẻ: Để bảo vệ đàn lợn hơn 320.000 con, Ba Vì chủ động ứng kinh phí mua hơn 300 tấn vôi bột, 6.800 lít hóa chất và 35 máy phun thuốc cấp cho các xã, thị trấn tiêu độc khử trùng khu vực có nguy cơ xảy ra bệnh dịch. Huyện cũng tổ chức 25 lớp tập huấn phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi cho hơn 2.500 cán bộ thú y cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn… Đặc biệt, khi xảy ra bệnh dịch, các hộ chăn nuôi chủ động thông báo và tích cực phối hợp với lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ bệnh dịch, phòng chống lây lan…

Để sớm ngăn chặn, tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục phát huy kinh nghiệm đúc kết trong thời gian qua; đặc biệt, tập trung tuyên truyền, thực hiện nghiêm “5 không” (không giấu dịch; không mua bán lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý) và “4 tại chỗ” (chỉ đạo tại chỗ; huy động nhân lực tại chỗ; huy động vật lực tại chỗ; huy động phương tiện tại chỗ) trong ứng phó, phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi; đồng thời, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Cụ thể, các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ vôi bột, thuốc sát trùng cho hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại; hướng dẫn cách dùng bạt hoặc lưới quây kín chuồng nuôi, ngăn chặn vật chủ trung gian (chó, mèo, gà, ruồi, muỗi, chim...) mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác…

Cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, yếu tố đặc biệt quan trọng là người chăn nuôi tiếp tục chủ động kiểm soát diễn biến đàn vật nuôi; thực hiện nghiêm quy trình theo khuyến cáo trong xử lý môi trường công cộng, bãi rác thải, kênh mương có nước thải tồn đọng, hệ thống cống rãnh, khu vực chuồng trại chăn nuôi…

Trao đổi vật tư hỗ trợ phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi

(HNM) - Ngày 2-5, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị trao đổi vật tư hỗ trợ công tác phòng chống, bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Tại hội nghị, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đã trao một số thiết bị phục vụ công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi cho Sở NN&PTNT Hà Nội, gồm: 1.000 bộ thử nhanh; 50 bình xịt điện; 100 bơm tiêm; 100 hộp kim tiêm; 5.000 cuốn sổ tay hướng dẫn phòng chống, bệnh Dịch tả lợn châu Phi...

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/933826/khong-lo-la-truoc-benh-dich-ta-lon-chau-phi