Không lo Mỹ hiện diện khiến Trung Quốc tăng gây rối Biển Đông

Trước việc Mỹ can dự ngày càng nhiều tại Biển Đông, có ý kiến lo ngại Trung Quốc sẽ gia tăng đe dọa và bắt nạt. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy.

Biển Đông những ngày giữa tháng 7-2020 tiếp tục nóng lên khi Mỹ ra tuyên bố phản đối hầu hết các yêu sách của Trung Quốc (TQ). Ngay lập tức, Bắc Kinh trả đũa bằng những lời đe dọa và buộc tội Mỹ can dự quá mức tại khu vực.

Hai bên không chỉ tham gia một “cuộc khẩu chiến”. Washington hôm 14-7, tức một ngày sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố không nhượng bộ tham vọng bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, đã điều khu trục hạm USS Ralph Johnson có trang bị tên lửa dẫn đường tuần tra một số khu vực quan trọng gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Việt, chuyên gia về Biển Đông thuộc ĐH Luật TP.HCM, cho rằng Quan điểm của Mỹ đưa ra trong bản tuyên bố này hầu hết đều có liên quan đến các lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông. Trong khi đó, những phát ngôn của Mỹ dù khiến TQ nổi giận nhưng khả năng xung đột giữa hai quốc gia này là không cao.

Đồng điệu lập trường Mỹ-ASEAN

. Phóng viên: Ông có nhận xét gì về lập trường của Mỹ so với lập trường các nước trong khu vực về vấn đề Biển Đông?

+ Chuyên gia Hoàng Việt: Bản tuyên bố này khá dài. Tuy nhiên, có thể nói ngắn gọn như thế này: Washington trong bản tuyên bố đã khẳng định rằng TQ không có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của họ ở khu vực Biển Đông.

Ngoài ra, Bắc Kinh không “đưa ra được cơ sở pháp lý thỏa đáng về tuyên bố cái gọi là “đường chín đoạn” ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố đường này từ năm 2009.

Để hậu thuẫn hai sự khẳng định nói trên của mình, Mỹ đã viện dẫn phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12-7-2016 trong vụ Philippines kiện TQ ở Biển Đông. Đối với các quốc gia khác, tuyên bố này cho thấy Mỹ không đứng về phía yêu sách lãnh thổ của bên cụ thể nào, mặc dù các quan điểm của Mỹ có thể phù hợp với lập trường của một số quốc gia ASEAN đã đệ trình lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) như Việt Nam, Malaysia, v.v.

. Xin ông có thể phân tích cụ thể sự tương đồng về quan điểm, lập trường trong tuyên bố của Mỹ với lập trường của Việt Nam đã đệ trình lên LHQ lâu nay?

+ Quan điểm của Mỹ đưa ra trong bản tuyên bố này hầu hết đều có liên quan đến các lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông. Việt Nam luôn khẳng định việc tìm kiếm các giải pháp dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, và Phán quyết năm 2016 như một sự phát triển của luật biển quốc tế.

Tuyên bố mới nhất của phía Mỹ cũng dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, cùng với Phán quyết 2016. Vậy nên, Việt Nam có thể tìm thấy nhiều điểm chung đối với Mỹ trong lập trường về các vấn đề pháp lý đối với việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Việc các cường quốc biển như Mỹ nếu cùng với các nước ASEAN giải quyết các bất đồng dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS và Phán quyết 2016 là điều không chỉ Việt Nam mà hầu hết các quốc gia liên quan đều mong muốn như vậy.

Mỹ chọn thời điểm rất có ý nghĩa

. Ông có đánh giá như thế nào về ý nghĩa của thời điểm Mỹ đưa ra tuyên bố về Biển Đông?

+ Thời điểm ra tuyên bố này là có nhiều ý nghĩa. Việt Nam và Mỹ vừa mới kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, và thực tế quan hệ giữa hai nước vẫn đang trên đà phát triển mạnh. Bên cạnh đó, tuyên bố này cũng nhân dịp kỷ niệm bốn năm sau Phán quyết 2016, qua đó cho thấy Mỹ tiếp tục giữ vững lập trường tôn trọng, ủng hộ Phán quyết ấy bằng cách không ngừng viện dẫn nó.

Tuy nhiên, điều có ý nghĩa nhất chính là thời điểm ra tuyên bố này diễn ra sau khi Trung Quốc đã thực hiện một loạt hành động hiếu chiến, hung hăng để gây sự và quấy rối với rất nhiều quốc gia khác nhau. Trong đó phải kể đến việc Bắc Kinh gây rối và đe dọa nhiều quốc gia ASEAN như Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Chưa kể, các cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc với Ấn Độ tại khu vực biên giới của hai quốc gia này.

Chính vì vậy, đây cũng là thời điểm cần thiết và thích hợp để Mỹ đưa ra tuyên bố, thể hiện vai trò lãnh đạo của mình, yêu cầu Trung Quốc ngừng bắt nạt và đe dọa các quốc gia khác, và phải tôn trọng luật pháp quốc tế.

. Trong năm 2020, Mỹ liên tục bày tỏ quan điểm lên LHQ và nay là với cộng đồng quốc tế về vấn đề Biển Đông. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới đại kế hoạch hướng ra biển lớn của TQ?

+ Chắc chắn Mỹ sẽ là thách thức rất lớn của TQ ở biển Đông. Vì vậy, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo không chỉ là một sự thể hiện ý chí chính trị to lớn của Mỹ là sát cánh với các đồng minh của mình tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà còn là một sự củng cố trên tiền tuyến ở Biển Đông.

Tuyên bố ấy chỉ ra rằng Mỹ vẫn kiên định sát cánh cùng với các đồng minh như Philippines và các đối tác quan trọng như Indonesia, Malaysia, và Việt Nam. Tuyên bố ấy, cho thấy Mỹ ủng hộ các quốc gia theo đuổi lập trường thượng tôn pháp luật và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; tuyệt đối chống lại bạo lực và đe dọa như TQ đã làm. Tuyên bố về Biển Đông của Mỹ không chỉ thách thức TQ mà còn là một lời cam kết ủng hộ đanh thép đối với các quốc gia khác như Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc.

. Liệu hai bên Mỹ-TQ có xảy ra xung đột như một số người lo lắng?

+ Phải khẳng định là căng thẳng trên Biển Đông sẽ tiếp tục, thậm chí có thể leo thang hơn nữa. Tuy nhiên, tôi nghĩ leo thang đến mức xung đột thì chưa, bởi vì cả Mỹ và TQ đều biết điểm dừng. Cả hai đều hiểu rõ hậu quả của một cuộc xung đột giữa hai bên sẽ nghiêm trọng đến mức nào, cho nên cả hai bên sẽ không dại gì để dẫn đến tình trạng lưỡng bại câu thương, tức là cả hai đều thất bại trong cuộc đối đầu ở Biển Đông.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hôm 28-4. Ảnh: GETTY

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hôm 28-4. Ảnh: GETTY

Không cần lo Mỹ làm phức tạp tình hình

. Gần đây, có lo ngại rằng TQ sẽ làm khó Việt Nam, thậm chí cứng rắn hơn nữa ở Biển Đông khi Mỹ can dự sâu vào vấn đề này, nhất là khi Việt-Mỹ có những đồng điệu về lập trường thượng tôn pháp luật. Ông nghĩ gì về lo ngại này?

+ Chắc chắn TQ sẽ không vui khi thấy quan hệ Việt - Mỹ hoặc Mỹ với bất kỳ nước nào khác ở Biển Đông ngày càng phát triển. TQ luôn tỏ ra lo ngại và đe dọa VN trước việc phát triển quan hệ với Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ - TQ càng ngày càng diễn ra gay gắt hơn.

Tuy nhiên, không hẳn là với lý do này mà TQ tiếp tục cứng rắn trong vấn đề biển Đông. Bởi lẽ, tham vọng lộ rõ của TQ là phải độc chiếm Biển Đông bằng mọi giá. Vì vậy, dù Việt Nam và Mỹ có phát triển quan hệ hay không thì TQ cũng sẽ tăng cường các hành động hung hăng, hiếu chiến trên Biển Đông để có thể thực hiện tham vọng của họ. Nói cách khác, Mỹ có vào Biển Đông hay không thì TQ vẫn muốn gây rối.

Vì vậy, tôi nghĩ đừng lo Mỹ hiện hiện ở Biển Đông sẽ khiến tình hình phức tạp hơn. Trái lại, trong bối cảnh TQ hành xử như hiện nay, các nước khu vực nên đón nhận sự tham gia của Mỹ và cộng đồng quốc tế vào câu chuyện Biển Đông. Sự hiện diện của Washington với nguồn lực và kinh nghiệm của một cường quốc biển, trên hết là một siêu cường, sẽ có lợi cho an ninh khu vực nếu các quốc gia biết tận dụng hợp lý.

. Hiểu như thế nào là "hợp lý", thưa ông?

+ Hợp lý ở đây không phải là kết hợp để khiêu khích TQ; mà chính xác là các bên cùng thúc đẩy luật pháp quốc tế; cùng giúp nhau tăng cường năng lực cảnh sát biển; cùng hỗ trợ nhau các chương trình cứu hộ, chia sẻ thông tin, bảo vệ môi trường biển cũng như các chính sách phát triển nguồn lực, tài nguyên biển. Nếu ASEAN phối hợp Mỹ cùng mạng lưới các đồng minh, đối tác rộng lớn của Mỹ như các nước EU, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, v.v. thì tôi nghĩ có thể đối trọng hiệu quả được TQ.

. Liệu Việt Nam nên ứng xử ra sao trước việc vào cuộc ngày càng quyết liệt, rõ ràng của Mỹ tại Biển Đông mà vẫn giữ được đường lối ngoại giao mà Việt Nam theo đuổi lâu nay?

+ Trong một phát biểu gần đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có nêu ý kiến, hiểu đại ý là ASEAN không muốn phải lựa chọn một trong hai bên là TQ hoặc Mỹ. Và đương nhiên, là một quốc gia ASEAN thì Việt Nam cũng vậy. Bởi vì cả hai quốc gia này đều cần thiết cho hòa bình và phát triển của ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Tục ngữ Việt Nam cũng có câu “thêm bạn, bớt thù”, cho nên Việt Nam cần cố gắng để duy trì tình bạn, tránh đối đầu với bất cứ quốc gia nào. Cho đến nay, nhiều người trong đó có các chuyên gia quốc tế vẫn khen ngợi chính sách đối ngoại mềm mại, uyển chuyển và hiệu quả của Việt Nam trước hai cường quốc quan trọng là TQ và Mỹ.

Phía Mỹ cũng khẳng định không buộc VN phải “chọn phe”, và tập trung vào quan hệ thực chất hơn là các tên gọi “hữu danh vô thực”. Chính vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục duy trì và phát huy các thế mạnh này. Liên quan đến Biển Đông, cứ bám sát chủ trường thượng tôn pháp luật, tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS bởi chính TQ cũng là thành viên, còn Mỹ dù không phải là thành viên nhưng đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ.

Mỹ và vấn đề quần đảo Hoàng Sa

. Có ý kiến cho rằng chính phủ Mỹ sẽ tìm cách công nhận chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong bối cảnh quần đảo này bị TQ dùng vũ lực chiếm trái phép. Ông nghĩ sao?

+ Quan điểm nhất quán của Mỹ là không ủng hộ về yêu sách chủ quyền của bất cứ bên nào, nhất là khi các bên có tranh chấp hoặc xảy ra mâu thuẫn. Vì thế, Mỹ không nhắc tới vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa là điều không khó hiểu, dù rằng chính phủ Mỹ không phải không nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, với các yêu sách của TQ về các vấn đề khác như vùng biển xung quanh các thực thể tại Hoàng Sa hay tuyên bố về đường cơ sở thẳng mà TQ công bố từ năm 1996, thì Mỹ cũng có tuyên bố trong các văn bản khác hoặc thể hiện thông qua các hoạt động tuần tra thách thức các yêu sách biển không phù hợp UNCLOS mà TQ thực hiện tại Hoàng sa.

. Xin cám ơn ông.

ĐỖ THIỆN thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/khong-lo-my-hien-dien-khien-trung-quoc-tang-gay-roi-bien-dong-924550.html