Không loại trừ bất kể trường hợp nào có nghi vấn gian lận xuất xứ

Ngày 15/11, tại Hà Nội, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với các bộ, cơ quan liên quan về tình hình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/0), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi làm việc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: N.Linh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: N.Linh

Kiên quyết xử lý hành vi gian lận

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là chỉ đạo quyết liệt và có các giải pháp cứng rắn, hiệu quả nhằm ngăn chặn hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa, xử lý nghiêm, triệt để và không có ngoại lệ.

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tiêu thụ tại Việt Nam cũng như xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, không để DN lợi dụng việc cấp C/O để lẩn tránh xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại. Điều này ảnh hưởng đến uy tín của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

“Không thể để nước ta trở thành điểm trung chuyển của hàng hóa giả mạo xuất xứ. Nếu không làm tốt công tác này sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn. Cuộc làm việc này cần làm rõ những vướng mắc nếu có về thể chế chính sách, về cách thức phối hợp giữa các cơ quan trong vấn đề này để kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu cụ thể với các bộ, cơ quan liên quan nhằm ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp”-Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng thông tin về diễn biến các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Ngày 4/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 824 phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Trong đó yêu cầu nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động XNK, đầu tư nước ngoài, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Cùng ngày, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương, VCCI báo cáo Thủ tướng về tình hình cấp C/O, Bộ Tài chính báo cáo về tình hình kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa XNK trong 6 tháng năm 2019. Thủ tướng cũng yêu cầu Tổ công tác tìm hiểu về tình hình gian lận xuất xứ, Tổ công tác đã làm việc với các hiệp hội DN, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan về vấn đề này.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống gian lận xuất xứ. Hiện dự thảo này đang được lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan.

Theo báo cáo của VCCI, công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O đã được VCCI đảm bảo duy trì 18 tổ cấp ở các tỉnh, thành phố phục vụ cho gần 9.000 doanh nghiệp. 9 tháng đầu năm 2019, tổng số lượng cấp C/O của VCCI là 472.742 bộ, tăng 2,36% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu cấp 2 loại C/O mẫu A và mẫu B chiếm 96,56%. Tuy nhiên, lượng C/O này dự báo có dấu hiệu sụt giảm khi các doanh nghiệp yêu cầu được cấp C/O ưu đãi theo hiệp định FTA và theo cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của Liên minh châu Âu.

Theo đánh giá của các bộ ngành tham gia, trước tình trạng làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các nước sang Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đã khiến cho nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng về uy tín và có nguy cơ bị áp thuế cao.

Theo VCCI, số liệu cấp C/O không phản ánh đầy đủ tình hình XK thực tế của DN do nhiều lô hàng XK không đề nghị cấp C/O. Chẳng hạn, 9 tháng đầu năm 2019, số lượng doanh nghiệp được cấp C/O cho hàng hóa sang Hoa Kỳ tăng khoảng 17,9% so với cả năm 2018, nhưng trị giá xuất khẩu của các hồ sơ cấp C/O mẫu B chỉ chiếm khoảng 15,5% so với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Cụ thể, VCCI cấp C/O cho 2.396 doanh nghiệp với trị giá xuất khẩu 6,9 tỷ USD, so với tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ là 44,6 tỷ USD theo số liệu của cơ quan Hải quan.

Để phòng chống gian lận, VCCI đã tiến hành phân loại và lập danh mục các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ để tăng cường kiểm tra chặt chẽ. Cùng với đó, 9 tháng đầu năm, các tổ cấp C/O của VCCI đã kiểm tra 262 cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu, gấp 5 lần so với năm 2018. Qua đó, từ chối cấp C/O cho 30 sản phẩm vì quy trình sản xuất không vượt qua công đoạn gia công, chế biến đơn giản.

Tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, VCCI đã báo cáo cụ thể về việc triển khai các giải pháp nhằm chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, nhận thức được vai trò quan trọng của việc kiểm tra, kiểm soát gian lận xuất xứ tại cửa khẩu cũng như điều tra, xác minh sau thông quan các lô hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nghi vấn về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động số 1662/QĐ-BTC ngày 23/8/2019 thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp quản lý nhà nước về chống gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại; đồng thời quyết liệt chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu đưa ra các giải pháp cụ thể để chống lại vấn nạn về giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Bộ Tài chính -Tổng cục Hải quan đã có những giải pháp chủ động, cụ thể và hiệu quả như sửa đổi các văn bản pháp quy liên quan đến xuất xứ hàng hóa như: Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 5/9/2019 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2018/TT-BTC; sửa Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh lực hải quan theo hướng nâng cao chế tài xử phạt các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa; ban hành các văn bản chỉ đạo, chỉ thị cục hải quan các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường kiểm tra giám sát việc khai báo xuất xứ trên tờ khai hải quan và việc ghi nhãn hàng hóa xuất nhập khẩu.

Sau khi nghe ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và VCCI về các vướng mắc, bất cập, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận xuất xứ, mà trước hết là do hành lang pháp lý chưa theo kịp diễn biến thực tế. Cùng với đó, phải xem xét vấn đề thực thi, bởi trên thực tế vẫn còn có những sơ hở. Một nguyên nhân khác là chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe các vi phạm.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, cơ quan trước hết xem xét lại các quy định của pháp luật, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm lưu thông tại thị trường trong nước, cố gắng hoàn thành các thông tư, nghị định liên quan trong năm 2019.

“Cùng với đó, xem xét kết nối hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu giữa Bộ Công Thương, VCCI và ngành Hải quan. Đầu tháng 12 tới, thủ tục cấp C/O sẽ được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị.

Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan khuyến cáo các hiệp hội tăng cường tham gia giám sát, bảo vệ các doanh nghiệp chân chính, phản ánh các hành vi gian lận. "Tuy nhiên, các cơ quan cấp C/O phải xác định rõ trách nhiệm, chứ không thể nói là đã làm đúng cả. Chúng ta xác định tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng có cơ chế kiểm soát không để xảy ra khả năng lợi dụng để gian lận xuất xứ"- Bộ trưởng nhấn mạnh.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/khong-loai-tru-bat-ke-truong-hop-nao-co-nghi-van-gian-lan-xuat-xu-115348.html