Không nể nang, né tránh

Thông thường, dịp cuối năm, việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên được tiến hành nhằm kiểm điểm, đánh giá một cách tổng quan, cụ thể những mặt mạnh, mặt yếu, những kết quả đạt được sau một năm làm việc, phấn đấu của tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên đồng thời nhận diện, chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, tìm rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục, trên cơ sở đó tôn vinh thành tích, danh hiệu thi đua, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên. Không những thế, việc kiểm điểm, đánh giá còn là một khâu quan trọng, làm căn cứ để thực hiện các nội dung về công tác cán bộ. Với ý nghĩa đó, nhìn tổng thể, công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên được các chi, đảng bộ tiến hành nghiêm túc, khách quan, đúng quy trình, hướng dẫn, tạo niềm tin, khích lệ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, chất lượng của tổ chức đảng, đảng viên.

Dù vậy, khách quan mà nói, không phải là không còn tình trạng đáng phê bình, nhắc nhở, chấn chỉnh trong thực hiện nhiệm vụ này. Đó là, có những chi, đảng bộ, việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên chưa đảm bảo các tiêu chí, yêu cầu đề ra, thậm chí còn diễn ra theo kiểu “đến hẹn lại lên”, qua loa, hình thức, nặng về cảm tính, cào bằng, không thực chất. Minh họa cho điều này, xin đơn cử một ví dụ. Ở đảng bộ nọ, việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên diễn ra khá suôn sẻ, chóng vánh. Sau phần quán triệt, yêu cầu đậm chất “đao to, búa lớn” của đồng chí Bí thư Đảng ủy thì khi bước vào kiểm điểm, đánh giá, các đảng viên nhìn nhau như... thăm dò, hiểu ý (?!). Và rồi, chẳng ai bảo ai nhưng hàng loạt ưu điểm, thành tích của tập thể, người đứng đầu được nêu lên rõ ràng, cụ thể, trái lại những khuyết điểm, tồn tại, hạn chế chỉ được đề cập một cách chung chung, mơ hồ, mờ nhạt, “chẳng chết ai”, việc xếp loại, tôn vinh danh hiệu thi đua cũng nhanh chóng đi đến hồi kết theo phương châm “đẹp lòng bác, hạp lòng em”, “anh, tôi cùng phấn khởi” (!).

Do vậy, không để xảy ra tình trạng này, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên phải tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên... Phải đảm bảo tuân thủ quy trình, khách quan, trung thực, tránh sơ sài, qua loa, hình thức; quá trình kiểm điểm phải thực hiện nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị, trên tinh thần xây dựng, việc đánh giá, xếp loại chất lượng phải thực chất, không chạy theo thành tích. Tránh tuyệt đối hai khuynh hướng hoặc là “mượn” kiểm điểm, đánh giá để khen nhau, nịnh nhau, không dám nói thẳng, nói thật, cốt làm đẹp lòng cấp trên, dẫn đến tình trạng ba phải, “dĩ hòa vi quý”, không giúp được cho đồng chí mình nhận diện ra những sai phạm (nếu có) để kịp thời khắc phục, sửa chữa hoặc là cực đoan, lợi dụng kiểm điểm để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau, xúc phạm uy tín, danh dự của đồng chí, đồng nghiệp mình.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò nêu gương, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong thực hiện kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên, không nể nang, né tránh, loại bỏ tâm lý ngại va chạm, chung chung, vòng vo trong góp ý, mạnh dạn, thẳng thắn, thấy sai phải đấu tranh, thấy đúng phải bảo vệ, công tâm, khách quan, vì lợi ích chung, vì sự trưởng thành, tiến bộ của đồng chí, đồng nghiệp mình. Các cấp ủy, tổ chức đảng khi tiến hành phải chú ý lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể; gắn đánh giá, xếp loại chất lượng của cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng chi, đảng bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, chất lượng của mỗi tổ chức đảng, đảng viên.

Hoàng Anh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xay-dung-dang/khong-ne-nang-ne-tranh/202925.htm