Không nên áp đặt con

Nhiều bậc cha mẹ than rằng càng la rầy con càng không nghe lời, thậm chí dùng đòn roi cũng không hiệu quả.

Xét ở khía cạnh tâm lý, khi xảy ra tình trạng này, cả cha mẹ, con cái đều chịu thiệt. Cha mẹ buồn rầu vì không biết làm cách nào cho con nghe lời. Còn con cái, khi bị la mắng càng trở nên cô lập, thất vọng về mặt cảm xúc. Và khi đó, các em sẽ so sánh mình với bạn bè đồng trang lứa, các em sẽ tự ti, mặc cảm.

“Đối với trẻ đang trong độ tuổi đi học thì dễ nhận thấy việc la rầy quá mức của cha mẹ sẽ dẫn đến tình trạng học hành sa sút, không tin vào cha mẹ. Có lỗi lầm gì cũng không muốn nói, hoặc không dám chia sẻ với cha mẹ và cố che giấu hoặc nói dối. Việc này nếu tiếp tục sẽ trở thành thói quen và rất dễ dẫn đến tình trạng hư hỏng ở trẻ về sau”, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng (TP.HCM) cho biết.

Một vấn đề khác, nhiều chuyên gia tâm lý khẳng định, một đứa trẻ hư hỏng không phải lỗi hoàn toàn do nhà trường hay xã hội mà nguyên nhân chính là cách giáo dục của cha mẹ. Và đứa trẻ như một tờ giấy trắng, cách hành xử của cha mẹ là những nét vẽ vào cuộc đời các em.

Không những thế, hiện nay, không ít bậc cha mẹ khi mắc sai lầm thì tìm cách biện minh bẻ cong điều sai thành đúng mà không dám thừa nhận sự thật trước mặt con cái. Theo thạc sĩ Mỹ Linh, chính sự tự nhận lỗi của cha mẹ sẽ giúp trẻ có sự sao chép về sau, nếu trẻ mắc sai phạm. Và ngược lại, nếu biện bạch cho hành động sai, thì sau này con cũng sẽ bắt chước.

Theo các chuyên gia tâm lý, thay vì áp đặt con mình phải làm việc này việc kia như một mệnh lệnh thì nên gợi ý cho trẻ. Ví dụ như: ngủ dậy, con biết mình phải làm gì rồi chứ? Hơn là ngủ dậy con phải đánh răng, thay đồ, con phải làm vệ sinh. Thay vì la mắng, cha mẹ cũng nên có những lời khen dành cho con mình, như: “Con làm rất tốt điều đó, con làm vậy rất hay”… Nhưng cha mẹ đừng nên lạm dụng lời khen, tránh chuyện lớn nhỏ gì cũng khen. Vì việc này khiến cho lời khen cha mẹ bị bão hòa, con cái sẽ thấy lời khen trở nên bình thường và không có giá trị.

Minh Luân

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111117/khong-nen-ap-dat-con.aspx