Không nên bỏ quy định thời hạn công khai kết luận thanh tra

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, nên quy định sau khi ký kết luận trong thời hạn 10 hoặc 15 ngày phải công khai để tránh sự can thiệp, tác động làm thay đổi kết luận thanh tra sau khi đã được ký.

Thanh tra Sở, khi nào được thành lập?

Ngày 7/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường băn khoăn khi dự thảo luật đã bỏ quy định Đoàn thanh tra phải có thanh tra viên. Theo ông, nếu Đoàn thanh tra mà không cần thanh tra viên thì chế định thanh tra viên sẽ vô nghĩa.

“Mặc dù dự thảo có quy định thành viên đoàn thanh tra phải có phẩm chất đạo đức và chuyên môn tốt, tuy nhiên đây là những quy định chung, không mang tính chính quy, bài bản như đối với thanh tra viên”, ông Cường cho hay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: PV

Cùng với đó, ông Cường cũng băn khoăn khi dự thảo luật đã bỏ quy định về thời hạn công khai, đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định như trước khi công khai kết luận thanh tra thì có thể sửa đổi, bổ sung. Theo ông, điều này có thể đem lại thuận lợi cho cơ quan tiến hành thanh tra nhưng không phù hợp với chủ trương công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, chính xác của hoạt động thanh tra.

Ông Cường đề nghị, trước khi ban hành kết luận thanh tra nên quy định rõ sau khi ký kết luận trong thời hạn nhất định 10 ngày hoặc 15 ngày (nếu cần thiết kéo dài) thì phải công khai. “Quy định như vậy sẽ tránh được sự can thiệp, tác động làm thay đổi kết luận thanh tra sau khi đã được ký”, ông Cường cho hay.

Trong khi đó, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho rằng, thẩm quyền thành lập Thanh tra Sở theo quy định trong dự thảo Luật chưa rõ ràng. Để đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị quy định nguyên tắc khi Chính phủ quyết định các Sở được tổ chức thanh tra cần tính đến đặc điểm của từng địa phương, đặc biệt là với các địa phương có quy mô, diện tích, dân số lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không nên đánh đồng các đơn vị với nhau khi có sự khác biệt về quy mô dân số, diện tích.

“Tổng Thanh tra có những thẩm quyền quan trọng nhưng trong dự thảo không quy định. Ví dụ như, Tổng Thanh tra có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật;đề nghị Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Tổng Thanh tra; hay thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo bộ máy đơn vị của Thanh tra Chính phủ…”.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường

Ngăn chặn “bè phái”, “cánh hẩu”

Cùng ngày, Hội nghị thảo luận về Luật Thực hiện dân chủ cơ sở. Đồng tình thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn song ĐBQH Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) không đồng tình lập Ban Thanh tra nhân dân tại cơ quan Nhà nước.

Theo đại biểu, cán bộ công chức, viên chức được bầu tham gia Ban Thanh tra nhân dân là những người đang thi hành nhiệm vụ tại đơn vị. “Sinh mệnh chính trị của họ đang nằm trong tay thủ trưởng cơ quan thì không giám sát được”, bà Luyến nói và cho rằng, Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan Nhà nước “không thực chất, khó làm”.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, ở cấp xã phường, rất cần Ban Thanh tra nhân dân, nhưng phải có hình thức tổ chức, cơ chế hoạt động sao cho thực chất và hiệu quả. Do vậy, cần có quy định để tránh “bè phái”, “cánh hẩu”, đưa họ hàng, người thân vào Ban thanh tra nhân dân. Liên quan đến công khai thông tin về đất đai tại địa phương, theo ông Trí, cần có quy định để việc công khai được rõ ràng.

“Nếu công khai không rõ ràng dễ trở thành môi trường màu mỡ để nhũng nhiễu, tiêu cực, tham ô, tham nhũng phát triển”, ông Trí cho hay.

Thành Nam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khong-nen-bo-quy-dinh-thoi-han-cong-khai-ket-luan-thanh-tra-post1467833.tpo