Không nên cho trẻ nhiễm HIV vừa bú mẹ, vừa ăn sữa ngoài

Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ nhiễm HIV có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển và tăng sức đề kháng, làm chậm quá trình chuyển sang AIDS.

Trẻ nhiễm HIV cần được nuôi dưỡng bằng các thức ăn tươi, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, không dùng các thức ăn sống hoặc lưu trữ trong tủ lạnh, thức ăn tái, rau sống… Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Tuy nhiên, mẹ nhiễm HIV cho con bú có thể làm lây HIV cho con qua sữa mẹ, vì vậy có thể lựa chọn theo hai cách là cho ăn sữa ngoài hoặc bú mẹ.

Nếu đủ điều kiện, nên cho trẻ ăn các loại sữa khác để tránh cho trẻ không bị lây truyền HIV qua sữa mẹ, nhưng nhược điểm là trẻ dễ bị nhiễm khuẩn nếu pha sữa không đúng công thức, không vệ sinh. Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, có các yếu tố chống nhiễm khuẩn giúp trẻ phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn và không mất tiền, nhưng nhược điểm là nguồn lây HIV từ mẹ sang con.

Tốt nhất không nên cho trẻ có mẹ nhiễm HIV bú song song với sữa công thức

Tốt nhất không nên cho trẻ có mẹ nhiễm HIV bú song song với sữa công thức

Khi đã chọn cách cho trẻ bú mẹ, cần cho bú mẹ hoàn toàn, tuyệt đối không bú song song với sữa công thức, không cho trẻ ăn, uống bất cứ thức ăn, nước uống nào khác kể cả nước lọc. Cho bú đúng cách, tránh để viêm nhiễm và xây xát đầu vú. Cần phải phát hiện và điều trị sớm viêm loét, tưa miệng ở trẻ.

Có thể diệt HIV bằng cách vắt sữa mẹ bằng tay hoặc dùng bơm, đun sôi rồi làm nguội ngay bằng cách ngâm cốc sữa vào nước lạnh. Chỉ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong một vài tháng đầu vì thời gian bú mẹ càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng cao. Sau khi cai sữa, cho trẻ ăn sữa khác thay thế.

Đối với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, thực phẩm cho trẻ cần đủ 4 nhóm. Nấu bột hay cháo cần có thịt, cá, tôm, cua, đậu phụ, trứng hoặc lạc, vừng; rau, củ, quả như rau ngót, rau dền, rau muống, bí ngô. Thêm 1 - 2 thìa mỡ hay dầu ăn. Quả chín đặc biệt tốt cho trẻ nhiễm HIV.

Trên 2 tuổi, trẻ ăn 3 bữa chính cùng gia đình, mỗi bữa từ 1-2 bát, ưu tiên thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu và rau xanh. Giữa các bữa ăn chính cần cho trẻ ăn thêm 2 bữa phụ là sữa, bánh, quả chín.Bữa ăn phải chế biến đảm bảo vệ sinh và đủ 4 nhóm: chất bột, chất đạm từ các loại thịt, đậu đỗ, chất béo, vitamin, chất khoáng và chất xơ. Ngoài ra, cần cho trẻ uống mỗi ngày từ 6-8 cốc nước (200ml/cốc) gồm nước đun sôi, nước rau và nước quả.

Một nghiên cứu ở khu vực châu Phi so sánh tỷ lệ tử vong giữa nhóm trẻ nhiễm HIV từ mẹ và trẻ không nhiễm HIV cho thấy: Nếu không điều trị kháng virus HIV, sau một năm đầu đời, tỷ lệ tử vong trên nhóm nhiễm từ mẹ khoảng 35,2% so với nhóm trẻ lành là 4,9%. Tính đến thời điểm 2 tuổi, tỷ lệ tử vong ở trẻ nhiễm là 52,5% so với 7,5% ở trẻ lành. Tỷ lệ tử vong phụ thuộc vào từng khu vực địa lý, điều kiện kinh tế xã hội và đặc biệt liên quan đến tình trạng mồ côi của trẻ.

Hiện nay bằng các can thiệp sớm trên trẻ như chẩn đoán sớm nhờ xét nghiệm PCR, điều trị ARV sớm cho mọi trẻ dưới 2 tuổi (theo khuyến cáo mới là dưới 5 tuổi), tỷ lệ bệnh và tử vong đã cải thiện rõ rệt. Có nhiều trẻ nhiễm từ mẹ đã sống đến tuổi trưởng thành.

Bởi vậy, ngoài việc điều trị bằng thuốc, bố mẹ và người thân cũng nên tâm sự với trẻ về căn bệnh theo cách phù hợp nhất với tuổi của con, để bé không phải quá sợ hãi khi nói đến căn bệnh mà mình mắc phải. Sự hỗ trợ về mặt xã hội, tài chính và tình cảm cho cả gia đình rất quan trọng, đặc biệt là ở các vùng còn khó khăn. Trẻ nhiễm HIV/AIDS vẫn sẽ được đi học. Song song đó, các chương trình nâng cao nhận thức và giáo dục cần phá vỡ sự kỳ thị xung quanh căn bệnh HIV để trẻ sẽ có cơ hội kết bạn và có cuộc sống bình thường thoải mái như những đứa trẻ khác.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/khong-nen-cho-tre-nhiem-hiv-vua-bu-me-vua-an-sua-ngoai-d164621.html