Không nên chủ quan với tật khúc xạ học đường

Tật khúc xạ bao gồm cận thị, viễn thị, loạn thị đang có xu hướng gia tăng trong môi trường học đường. Trong số đó, bệnh cận thị chiếm tỉ lệ cao nhất. Những học sinh mắc tật khúc xạ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập, sinh hoạt.

Cán bộ Trung tâm Y tế thành phố khám sàng lọc các bệnh về mắt cho học sinh trường Tiểu học Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang).

Theo thông tin từ Sở Y tế, hiện nay, các bệnh về mắt, chủ yếu là tật khúc xạ học đường là nhóm bệnh có số lượng học sinh mắc nhiều xếp thứ ba chỉ sau bệnh răng miệng và suy dinh dưỡng, phổ biến ở học sinh cấp 2, cấp 3 và phần lớn ở khu vực thành thị.

Qua kết quả kiểm tra sức khỏe đầu năm, Trường THCS Phan Thiết (TP. Tuyên Quang) có đến gần 400/1.120 học sinh mắc tật khúc xạ. Thầy giáo Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Hiệu trưởng trường THCS Phan Thiết cho biết, hàng năm trường đều có đợt kiểm tra khám mắt định kỳ cho học sinh. Khi có nghi ngờ học sinh mắc bệnh về mắt, nhà trường sẽ thông báo cho gia đình để đưa các em đi khám ở tuyến chuyên môn cao hơn.

Đầu năm học mới là thời điểm mà các phụ huynh đưa trẻ đến các cơ sở y tế, dịch vụ kính mắt để kiểm tra thị lực, điều trị các tật khúc xạ cho trẻ đông nhất. Đưa con đi khám mắt tại Phòng khám mắt Eye-TEC, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang), chị Phạm Thị Linh Điệp, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) cho biết: "Con tôi phát hiện bị cận thị được hơn 2 năm nay. Nghỉ hè, con thường xem ti vi, điện thoại nhiều nên đến đầu năm học mới, lo con bị tăng độ, tôi lại đưa con đi kiểm tra lại thị lực, cắt kính mới để con đảm bảo việc học ở trường".

Không riêng thành phố, thời gian qua, kết quả các đợt khám tầm soát tại những trường học ở nông thôn, các bác sĩ đã phát hiện ra rất nhiều trường hợp bị các dị tật khúc xạ như: cận thị, loạn thị…

Vào năm học mới được vài tuần, em Nguyễn Gia Nhi, học sinh trường Tiểu học Na Hang xuất hiện triệu chứng nhìn bảng không rõ. Anh Nguyễn Văn Hạnh đã đưa con đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để kiểm tra, kết quả mắt trái cận 2,5 D (đi-ốp), mắt phải cận 1,75 D. Anh Hạnh cho biết, ở nhà, anh kiểm soát rất kỹ thời gian con xem ti vi và sử dụng máy vi tính.

Anh cũng đã đến lớp để xem vị trí ngồi của con và nhận thấy chỗ ngồi của bé nhìn bảng khá dễ dàng. "Đưa con đi khám thì phát hiện bé đã cận khá nặng. Bác sĩ giải thích bên cạnh việc ngồi học sai tư thế, trẻ ở trong nhà nhiều và không tiếp cận với ánh sáng tự nhiên cũng là nguyên nhân gây tật khúc xạ. Như vậy, con nhà mình bị cận là do đọc truyện nhiều trong không gian không đủ ánh sáng", anh Hạnh nói.

Trẻ cần đi khám mắt định kỳ 6 tháng 1 lần để kịp thời điều trị.

Bác sĩ Đặng Ngọc Hoàng, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Các tật khúc xạ tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng như: bong võng mạc, thoái hoádịch kính, hóa lỏng dịch kính, bệnh lý glocom… Để chủ động phòng cận thị cho trẻ ở lứa tuổi học đường, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc xây dựng góc học tập cho trẻ đúng tiêu chuẩn, đủ ánh sáng.

Đồng thời, xây dựng cho trẻ thói quen ngồi học đúng tư thế, không nằm khi học bài, xem ti vi hay điện thoại. Không nên đọc sách trong bóng tối hoặc ngồi trước máy vi tính, ti vi quá nhiều. Lưu ý là cứ sau 1 giờ học tập cần cho mắt nghỉ ngơi từ 5 đến 10 phút bằng cách nhắm mắt hoặc nhìn về phía xa. Ngoài ra bổ sung dinh dưỡng hợp lý cũng sẽ hạn chế việc tăng mức độ cận thị, viễn thị, loạn thị, giúp đôi mắt khỏe hơn.

Ngoài yếu tố di truyền, bẩm sinh thì phần lớn, nguyên nhân gây ra các tật khúc xạ đều đến từ sự tác động của môi trường, thời gian làm việc khiến chức năng của mắt bị quá tải như: nhìn gần liên tục mà không để mắt nghỉ ngơi hợp lý, học tập và làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng. Đối với trẻ em ở lứa tuổi học đường thì nguyên nhân gây ra tật khúc xạ chính là quá trình học tập, vui chơi thiếu khoa học, đọc và viết không đúng khoảng cách quy định và ở môi trường ánh sáng không đảm bảo, cùng đó là đọc truyện, xem ti vi, chơi game quá nhiều khiến cho thị lực của mắt giảm dần, dẫn đến cận thị, loạn thị, viễn thị.

Để giúp trẻ phòng, chống tật khúc xạ học đường, hằng năm ngành Giáo dục và Đào tạo và ngành Y tế đã phối hợp tổ chức khám sàng lọc tại các trường học nhằm phát hiện sớm việc gây suy giảm thị lực và các vấn đề bất thường về mắt. Đồng thời ngành Giáo dục cũng chỉ đạo các nhà trường phối hợp bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên, nhân viên y tế trường học những kiến thức cơ bản về một số bệnh, tật về mắt thường gặp ở trẻ em, học sinh để tư vấn cho phụ huynh, học sinh có biện pháp điều trị kịp thời. Trong đó, chú trọng giáo dục, tuyên truyền về các bệnh thường gặp ở mắt, các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị và hướng dẫn học sinh các kỹ năng chăm sóc, bảo vệ mắt.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/khong-nen-chu-quan-voi-tat-khuc-xa-hoc-duong-182040.html