Không nên 'gò' quy mô hãng bay theo năng lực của Cục Hàng không Việt Nam

Đây là quan điểm của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM tại cuộc tọa đàm xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không do VCCI tổ chức vào chiều nay.

Bamboo Airways hiện là hãng bay thứ 5 tại Việt Nam có giấy phép bay vận chuyển hành khách, bên cạnh Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO.

Bamboo Airways hiện là hãng bay thứ 5 tại Việt Nam có giấy phép bay vận chuyển hành khách, bên cạnh Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO.

“Tư duy này là khó có thể chấp nhận được bởi nó kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Cung bày tỏ ý kiến liên quan đến việc Cục Hàng không Việt Nam lấy lý do năng lực quản lý sắp tới hạn để chưa xem xét đề nghị mở rộng đội tàu bay từ 10 chiếc lên 30 chiếc của Bamboo Airways.

Ông Cung cho rằng, thay vì phải tìm cách giải quyết vấn đề thì các cơ quan quản lý lại không cho phép doanh nghiệp phát triển, trong khi đây là nhu cầu chính đáng, cần khích lệ. Đây là một rào cản bên cạnh nút thắt hạ tầng cần gỡ bỏ để thị trường hàng không có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội phát triển, mang lại sự tiện ích cho người dân.

Viện trưởng CIEM đánh giá, quá trình gia nhập thị trường của các hãng hàng không vẫn rất khó khăn, thậm chí phi lý, vì vậy các cơ quan quản lý cần tạo ra một hành lang pháp lý vừa đủ rộng, vừa minh bạch để các doanh nghiệp có thể bình đẳng cạnh tranh. Bởi trong thời gian vừa qua điều hay nhất của thị trường vận tải hàng không Việt Nam thời gian qua là cạnh tranh.

"Cạnh tranh trên thị trường hàng không ở đây không chỉ giữa các hãng hàng không mà cạnh tranh giữa kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân.Sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không sẽ mang lại lợi ích lớn cho khách hàng, giúp nhiều người dân có cơ hội đi máy bay giá rẻ" – Tiến sỹ Cung nhấn mạnh và cho rằng, trong thời kỳ mở cửa, Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng đường lối, chính sách, còn lại làm sao tạo môi trường Nhà nước và tư nhân bình đẳng với nhau.

Ông Cung đặt vấn đề, nền kinh tế có 3 đột phá: Đột phá về thể chế, đột phá về nguồn nhân lực và đột phá về kết cấu hạ tầng. Ba đột phá này đang hiện thân rất rõ nét ở ngành hàng không nhưng nó cũng chính là điểm nghẽn với ngành. Nhưng nếu chúng ta không quy được trách nhiệm mà cứ nói chung chung thì không giải quyết được gì?

Chia sẻ về những khó khăn, “điểm nghẽn” của doanh nghiệp, ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways nhắc lại lời Thủ tướng Chính phủ trong Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019 là “tạo bình đẳng”. Đồng thời, ông Thắng nhấn mạnh doanh nghiệp cũng chỉ mong muốn được bình đẳng.

"Bamboo Airways đã trải qua quá trình hình thành có lẽ kéo dài nhất từ trước đến nay. Theo đó, để thành lập, chúng tôi phải theo cả Luật Đầu tư 2014 và theo Nghị định 92 của Thủ tướng về ngành hàng không, như vậy số lượng thủ tục là gấp đôi. Đó là sự khác biệt hoàn toàn trong quá trình hình thành. Từ 10 máy bay ban đầu, chúng tôi muốn nâng số máy bay lên lại phải “chạy một vòng” từ Thủ tướng, Bộ GTVT, Cục hàng không làm thủ tục điều chỉnh như từ đầu" - ông Thắng dẫn chứng và cho rằng, đây là rào cản với doanh nghiệp. "Do đó, doanh nghiệp mong muốn sự bình đẳng thống nhất thể chế với các doanh nghiệp”, ông Thắng đề xuất.

Liên quan đến việc bị Cục Hàng không Việt Nam “gây khó dễ” khi điều chỉnh giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và mở rộng đội tàu bay do lượng máy bay của các hãng hàng không sắp vượt khả năng quản lý, ông Đặng Tất Thắng chia sẻ trong lịch sử "chưa từng có trường hợp doanh nghiệp bị từ chối phát triển vì vượt quá khả năng quản lý của cơ quan chức năng".

Ông Thắng cũng hy vọng với sự phát triển của ngành hàng không, Cục Hàng không Việt Nam sẽ có sự cải thiện, cả về khả năng quản lý và nhân sự để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trước đó, phản hồi về kế hoạch nâng số lượng máy bay trong đội bay lên 40 chiếc của Bamboo Airways, Cục Hàng không nhận định đây là vấn đề cần xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhu cầu thị trường, phù hợp của hạ tầng cảng hàng không cũng như năng lực Bamboo Airways và thực tiễn việc đảm bảo giám sát an toàn hàng không của Cục Hàng không.

Cục Hàng không cho hay với nguồn lực hiện tại, đơn vị chỉ đảm bảo quản lý được đến 256 máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam (bao gồm cả các máy bay trực thăng và máy bay hàng không chung).

Kế hoạch khai thác 40 tàu bay của Bamboo Airways vào năm 2019 và kế hoạch nhận máy bay của các hãng hàng không Việt Nam đến thời điểm 31/12 là 277 chiếc, tăng 61 chiếc so với hiện tại và vượt quá 21 máy bay so với năng lực giám sát của cơ quan này.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, vận tải hàng không đang tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu, trong đó tăng trưởng mạnh nhất là các nước đang phát triển. Việt Nam nằm trong những quốc gia có ngành hàng không tăng trưởng nhanh nhất khu vực nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức như quá tải về hạ tầng sân bay bến đỗ, an ninh trên các chuyến bay trong đó sự gia nhập của các hãng hàng không quy mô mới có thể tạo ra sự cạnh tranh “phi quy luật” từ đó đặt ra nhiều thách thức.

“Việt Nam là thành viên của cộng đồng kinh tế chung ASEAN, các quốc gia trong khu vực sẽ trở thành thị trường chung, hàng hóa vận chuyển tự do và hội nhập toàn cầu. Đây là cơ hội cho một bầu trời mở. Nhưng thử thách của Việt Nam là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ vận tải hàng không và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh và cho rằng dư địa của ngành hàng không Việt Nam còn rất lớn, cần nhìn nhận rõ vị trí, vai trò trong nền kinh tế để thúc đẩy ngành không phát triển mạnh mẽ, bền vững, đóng góp ngày càng lớn cho kinh tế của đất nước và trở thành động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển.

Trước kỳ vọng về một ngành hàng không minh bạch, năng động, hiệu quả, Chủ tịch VCCI mong nhận được thêm nhiều kiến nghị để "xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không" với các vấn đề về thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực cho ngành hàng không. Công thức xã hội hóa, đối tác công tư sẽ là chìa khóa “cất cánh” hàng không nước nhà.

“Việt Nam đang có 5 hãng hàng không như 5 ngón tay trên cùng một bàn tay, như 5 cánh của ngôi sao vàng. Vì thế cần phải đoàn kết để cùng phát triển, vươn ra quốc tế đưa ngành hàng không trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước”, ông Lộc mong muốn.

Bảo Như

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khong-nen-go-quy-mo-hang-bay-theo-nang-luc-cua-cuc-hang-khong-viet-nam-d100404.html