Không nên kỳ vọng vào cuộc gặp với ông Trump, hội nghị G-20 là nơi ông Putin gặp 'nguy hiểm'?

Hội nghị G-20 sẽ không phải nơi Tổng thống Putin có thể kỳ vọng tái lập quan hệ với Mỹ. Lẽ ra, nhà lãnh đạo này nên cử người khác tham dự, Scott Rickard, nhà cựu phân tích tình báo của không quân Mỹ, nói với Sputnik

Cuộc gặp Trump-Putin đã bị hủy bỏ phút chót sau quá nhiều áp lực dành cho Tổng thống Mỹ.

Như giữa "muôn trùng vây"?

Moscow đã phản đối việc Tổng thống Donald Trump hủy bỏ cuộc họp của ông với Tổng thống Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức vào cuối tuần trước tại Buenos Aries.

Scott Rickard, nhà cựu phân tích tình báo của không quân Mỹ, nói với Sputnik rằng, hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina đã chứng minh là một sự kiện căng thẳng liên quan đến tình hình địa chính trị hiện nay:

"Putin đã thực sự thể hiện một lập trường tốt, ông ấy đang cố gắng để thúc đẩy hòa bình ở một số khu vực trên hành tinh nhưng tôi cảm thấy rằng đây không phải là một nơi an toàn để Putin đến. Argentina có truyền thống rất gần gũi với các hoạt động của Anh và Mỹ trên quan điểm tình báo, vì vậy có rất nhiều các điệp viên tình báo chống Nga ở Argentina và chắc chắn tình hình sẽ nguy hiểm hơn nhiều khi ông Putin đến Nam Mỹ".

Rickard cũng nhấn mạnh rằng đây không phải là thời điểm dễ dàng để Moscow cố gắng thử và tìm cách hợp tác với phương Tây:

"Tôi thực sự tin rằng đây là một thời điểm rất khó khăn để Nga tham gia hợp tác với những quốc gia trên trong bất kỳ vấn đề quốc tế nào. Mỹ chỉ muốn vớ lấy một tình huống cụ thể xoay quanh cách phản ứng với các biện pháp an ninh ở eo biển Kerch mà Nga thể hiện".

Nhà phân tích chính trị Mỹ cho biết, ông tin rằng nhà lãnh đạo Nga nên bỏ qua những nỗ lực ở hội nghị thượng đỉnh: "Tôi nghĩ Putin lẽ ra nên cử ai đó có thể đại diện cho mình và tiếp tục làm những điều khác tốt hơn thay thế, bởi vì G20 không làm việc thay mặt cho bất kỳ loại quốc gia nào giống như khối BRICS".

Hội nghị thượng đỉnh G20 cũng diễn ra giữa bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ trình bày một dự luật ngăn cản việc mở rộng Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) với Nga.

Ông Rickard lưu ý rằng Mỹ đã "vượt trước" trong cuộc đối đầu với Nga và không chỉ là mới đây: “Rõ ràng, họ đã di chuyển các lực lượng hạt nhân chiến thuật vào trong phạm vi của Nga. Chắc chắn đã có những khu vực mà họ vi phạm các thỏa thuận trước đây”.

Đầu tháng 11, một chiếc máy bay trinh sát của hải quân Mỹ đã bị chặn lại bởi một máy bay chiến đấu của Nga trên Biển Đen và chuyên gia Rickard lưu ý rằng việc Mỹ thực hiện các nhiệm vụ như vậy là một sự kiện nghiêm trọng:

"Nếu bạn nhìn vào các hoạt động trinh sát gần đây từ vịnh Souda (Hy Lạp), người Mỹ hiện đang thực hiện các chuyến bay trinh sát có người lái từ vịnh Souda đến Biển Đen. Đây không phải là một sự kiện nhỏ, đây là một sự kiện lớn khi bạn xem xét thực tế là rất nhiều máy bay trinh sát và thông tin vệ tinh được trao cho các nhân viên tác chiến điện tử để tiến hành chiến lược quản lý chiến trường", Rickard kết luận.

Ông Trump hủy bỏ cuộc gặp vì sức ép?

Vụ va chạm giữa Nga và Ukraine sẽ là điều khiến quan hệ Nga-Mỹ khó tái lập.

Edward Lozansky, người sáng lập đại học Mỹ tại Moscow (AUM) nói với Sputnik rằng, mặc dù sự khiêu khích ở eo biển Kerch của Ukraine không thể so sánh với lý do giả mạo của Mỹ để xâm lược Iraq trong quá khứ, nhưng hậu quả lâu dài có thể là tương tự.

"Trong một bầu không khí quá nóng như vậy thì bất kỳ sự cố không quan trọng nào cũng có thể dẫn đến xung đột quân sự toàn cầu, ông Trump đã cho thấy sự yếu đuối mà bản thân ông và tất cả chúng ta có thể hối hận sau này", Lozansky cảnh báo.

Việc hủy bỏ cuộc họp của ông Trump với ông Putin là một chiến thắng cho kẻ thù của cả hai, nhưng là mất mát cho an ninh của Mỹ, Nga và nhân loại, Lozansky nói thêm.

Giáo sư David Schultz từ đại học Hamline đồng ý rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine gần đây khiến cho ông Trump gặp khó về chính trị để tiến hành cuộc gặp với ông Putin.

Schultz giải thích: “Đối với nhiều người, đặc biệt là ở Mỹ và có lẽ là các đồng minh khác, một cuộc họp như vậy sẽ biểu thị rằng Mỹ chấp thuận hành động này của Nga”.

Tổng thống Trump bị áp lực phải thực hiện một số hành động đối ngoại phù hợp với nhu cầu chính trị trong nước Mỹ và nhóm bảo thủ không thích ông Putin ở Washington, Schultz chỉ ra.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khong-nen-ky-vong-vao-cuoc-gap-voi-ong-trump-hoi-nghi-g-20-la-noi-ong-putin-gap-nguy-hiem-a413168.html