Không nên 'ném đá' tất cả các lễ hội mới

Cho dù sau khi tham dự Lễ hội hoa hồng Bulgaria và Bạn bè với tâm trạng thất vọng nhưng theo TS Nguyễn Thị Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam không nên 'ném đá' tất cả những lễ hội mới.

Bởi vì, các lễ hội tổ chức mới gần đây ở Việt Nam được dựa trên việc tiếp nhận những lễ hội đã được tổ chức thành công, có sức lan tỏa với cộng đồng bản địa cũng như du khách quốc tế ở nhiều quốc gia khác nhau. Để hiện thực hóa thành công trong tình hình thực tiễn của Việt Nam là một việc không hề đơn giản. Trên thực tế, chúng ta đã tổ chức thành công không ít lễ hội mới, trong đó có một số lễ hội đã để lại dấu ấn tốt đẹp, từng bước thể hiện được bản sắc văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đó chính là những nỗ lực đáng trân trọng trên hành trình xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia trong quá trình hội nhập thông qua sức hấp dẫn, thu hút, lan tỏa của các lễ hội văn hóa.
Văn hóa "made in Vietnam" trong lễ hội du nhập
Sau những lùm xùm hoa giả, hoa thật ở Lễ hội hoa hồng Bulgaria và Bạn bè, và trước đó là lễ hội hoa Tử Đằng..., nhiều người cho rằng, Việt Nam đã rất giàu bản sắc văn hóa cùng hơn 8.000 lễ hội truyền thống, chính vì vậy nên đóng cửa với các lễ hội mới du nhập từ nước ngoài. Chị nhận định như thế nào về vấn đề này?
Tôi cho rằng, hầu hết những lễ hội mới gần đây được tổ chức ở Việt Nam, đã được tổ chức thành công ở các nước bản địa. Những lễ hội này góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia, tạo nên sức hấp dẫn, thu hút và lan tỏa văn hóa của quốc gia đó ra thế giới. Ví dụ lễ hội hoa Anh đào của Nhật Bản, lễ hội pháo hoa ở Sydney của Australia luôn là những sự kiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng cư dân bản địa, cũng như du khách quốc tế. Chúng ta học hỏi cái hay, cái đẹp của các lễ hội đã tổ chức thành công của một số quốc gia đưa vào Việt Nam là phù hợp với xu thế chung toàn cầu hóa văn hóa và hội nhập quốc tế.
Phải khẳng định trong quá trình học hỏi, tiếp nhận và đưa vào thực tiễn, chúng ta đã tổ chức thành công nhiều lễ hội. Chúng ta đã học hỏi kinh nghiệm quốc tế, phát huy thế mạnh của địa phương để tổ chức thành công lễ hội pháo hoa Đà Nẵng. Qua nhiều năm, lễ hội pháo hoa Đà Nẵng đã trở thành thương hiệu thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo cư dân địa phương, du khách trong và ngoài nước đến với thành phố này. Bên cạnh đó còn kể đến Lễ hội hoa Đà Lạt, Lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ TP Hồ Chí Minh, Lễ hội Sách ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh...
Thành công của các lễ hội này là do sự chủ động và bài bản của các nhà tổ chức, là thái độ tôn trọng cái hay, cái đẹp của các lễ hội mang yếu tố nước ngoài mà họ học hỏi mô hình, cách làm, là mong muốn cống hiến cho cộng đồng những lễ hội có tính hội nhập. Tôi tin rằng, với cách làm này, các lễ hội sẽ dần dần tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa tính hấp dẫn (từ lễ hội của các nước bản địa) với các yếu tố thể hiện bản sắc riêng của Việt Nam. Cá nhân tôi và một số người bạn nước ngoài rất thích Lễ hội Áo dài ở khu di sản như Hoàng thành Thăng Long, hoặc Lễ hội Áo dài 2016 mang tên "Áo dài của chúng ta" được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Cụ thể như trong không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phu nhân đại sứ các nước, cùng nhiều người mẫu chuyên nghiệp, nghệ sĩ nổi tiếng và những người khuyết tật trình diễn các mẫu áo dài tuyệt đẹp được thiết kế công phu dựa trên cảm hứng 19 loại hoa tiêu biểu của Việt Nam. Lễ hội đã tạo nên một bản sắc Việt Nam đầy hấp dẫn, lôi cuốn và có sức lan tỏa quốc tế. Những gì diễn ra tại lễ hội, dù mức độ khác nhau đều đã chạm đến tình yêu cái đẹp và thể hiện một cách sâu sắc, tinh tế thông điệp "áo dài của chúng ta" với cộng đồng quốc tế. Điều đó cho phép chúng ta nhìn nhận rõ hơn về việc đã có không gian, đã có những lễ hội mới "made in Vietnam". Đấy là một phần tất yếu của quá trình tiếp nhận, tiếp biến bản địa hóa và chủ động hội nhập quốc tế của văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những lễ hội mới tổ chức thành công, đặc biệt với một số lễ hội rất đáng tôn vinh, trân trọng vì đã thể hiện được bản sắc Việt Nam thì vẫn còn đó không ít lễ hội mới để lại không ít "sạn" và Lễ hội hoa hồng Bulgari và bạn bè là một ví dụ. Dù đã cố gắng đặt mình vào vị trí của nhà tổ chức và những khó khăn mà họ có thể gặp phải khi đứng ra tổ chức trên thực tế, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác bị tổn thương khi đến tham dự Lễ hội này. Bởi vì, tôi không chỉ là người thích hoa, yêu hoa, trồng hoa, mà đối với tôi và thế hệ 6x, 7x hay 8x trở về trước, Bulgaria là một miền ký ức đẹp. Vào thời điểm trước và sau Đổi mới (1986), chúng tôi không tiếp cận với nhiều loài hoa như hoa phăng, hoa anh đào, kể cả nước hoa cũng không có nước hoa Pháp mà chỉ biết đến những sản phẩm văn hóa từ các nước xã hội chủ nghĩa. Hình ảnh hoa hồng Bulgaria, hay mùi nước hoa hương vị hoa hồng là một phần ký ức vô cùng đẹp đẽ trong chúng tôi. Chính vì vậy, ngay khi biết đến tên của Lễ hội, tìm hiểu các thông tin quảng bá Lễ hội chúng tôi nhận thấy đây là một ý tưởng hay giàu tính nhân văn và rất phù hợp với dịp kỷ niện 68 năm quan hệ Việt Nam - Bulgaria. Chúng tôi đã đến vì một tình cảm với hoa hồng, với nước bạn và tình hữu nghị. Nhưng, thực tế, chúng tôi đã ra về với một cảm giác hoàn toàn khác.
Tôi không biết BTC có bao giờ nghĩ đến cảm giác của những người đã phải sắp xếp công việc đến với Lễ hội hoa hồng với biết bao kỳ vọng nhưng hành trang trở về của họ là bức xúc, chưng hửng, thậm chí còn cảm thấy bị xúc phạm. Dù có rất nhiều lý do được đưa ra để lý giải vấn đề này, nhưng tôi vẫn khẳng định ý tưởng lễ hội này là hay nhưng cái nhìn thấy rõ nhất là tổ chức rất cẩu thả và chưa thể hiện được sự tôn trọng với những cam kết đưa ra trước cộng đồng.
Phải chăng những thất bại trong khâu tổ chức của Lễ hội hoa hồng Bulgaria, khiến lòng tin của người Việt về những lễ hội mới đang được du nhập bị giảm đi ít nhiều?
Không thể vì một vài lễ hội chưa thành công mà chúng ta "ném đá" toàn bộ các lễ hội mới. Xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua đó xây dựng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam chắc chắn phải dựa trên sự giao lưu hợp tác văn hóa với thế giới. Việc đưa các lễ hội đẹp vào đời sống văn hóa Việt Nam là một trong những sự lựa chọn phù hợp trong quá trình hội nhập. Một thành phố muốn hấp dẫn thu hút chính người dân của mình và du khách trong, ngoài nước thì ngoài những lễ hội truyền thống vẫn cần phải có những lễ hội mới phù hợp với nhu cầu thời đại.
Muốn làm được điều này, trước hết những người làm lễ hội mới cần phải có thái độ trân trọng những sản phẩm văn hóa mà họ muốn thông qua lễ hội mang lại cho cộng đồng. Đồng thời, phải có cách quản lý thật sự chuyên nghiệp để thể hiện sự trân trọng với cộng đồng. Có như vậy, mới xây dựng được niềm tin với cộng đồng và lễ hội mới đem đến những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

Sau mỗi thất bại của lễ hội, người ta thường đổ lỗi cho người dự hội. Có hay chăng tâm lý sính ngoại của người Việt khiến nhiều lễ hội mới bị méo mó?
Nếu bạn tham gia lễ hội, bạn có thể thấy, một số người dân thiếu ý thức văn minh như giẫm lên cỏ, ngồi lên chậu hoa để chụp ảnh, chạm vào hoa (mặc dù ban tổ chức đã có những quy định rõ ràng)... Đó là những điều chúng ta luôn nói về một số giới hạn trong thái độ ứng xử của một bộ phận người dân với lễ hội. Nhưng nếu đổ lỗi cho tâm lý sính ngoại ở đây theo tôi là không đúng. Hiện nay, sính ngoại là hiện tượng có thể xảy ra khi nhắc đến xu hướng sính các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ.
Cá nhân tôi cho rằng, không có tâm lý sính Bulgaria nếu muốn đổ lỗi cho người tham dự lễ hội này. Có một phần không nhỏ người đến với Lễ hội hoa hồng Bulgaria và Bạn bè vì muốn tìm về ký ức của một thời chưa xa. Trong số đó có không ít người từng học, sống và làm việc tại Bulgaria. Họ yêu mến, gắn bó với hoa hồng Bulgaria và bạn bè như chính thông điệp của lễ hội này. Giới trẻ họ mua vé vào lễ hội có thể vì có rất nhiều sự kiện được nêu ra trong chương trình của ban tổ chức hấp dẫn, sinh động, thu hút.
Những người đang yêu không có lý do gì để từ chối lễ hội này nếu họ thích một không gian như cổ tích tình yêu (dựa trên những gì họ được quảng cáo). Tất nhiên, những người yêu hoa, trồng hoa, kinh doanh hoa cũng có nhu cầu tham gia lễ hội. Nếu bạn là người yêu hoa, đã trồng hoa, đã kinh doanh hoa, hay muốn kinh doanh về hoa tôi tin chắc, người ta không bao giờ đối xử với hoa và người yêu hoa giống như những gì mà chúng ta đã chứng kiến trong lễ hội vừa qua.
Kinh doanh lễ hội, tại sao không!
Nhiều người quan niệm rằng đã là lễ hội - một sản phẩm văn hóa thì không được kinh doanh, nên là một sự kiện mang tính phục vụ cộng đồng để tất cả người dân cùng thụ hưởng. Chị có đồng tình với quan điểm trên?
Có những lễ hội mang tính phục vụ cộng đồng nhưng cũng có lễ hội cần bán vé để sàng lọc đối tượng họ quan tâm. Người ta chỉ bỏ tiền ra mua những sản phẩm mình thật sự có nhu cầu. Đối với đơn vị tổ chức tìm được lợi nhuận từ lễ hôịmà vẫn đảm bảo tính nhân văn, trách nhiệm cộng đồng sẽ càng có có động lực để làm lễ hội. Ví dụ như Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa ở Hoàng thành Thăng Long tại sao lại quy tụ rất nhiều người nước ngoài đang ở Việt Nam, hoặc những người Việt Nam bỏ tiền ra mua vé mặc dù giá vé không rẻ. Bởi vì người mua vé đến vì nhu cầu thưởng thức chương trình âm nhạc đẳng cấp quốc tế, chất lượng, nhất là ở đó có sự giao lưu bằng âm nhạc giữa các nghệ sĩ trong nước với nghệ sĩ quốc tế, giữa nghệ sĩ với khán giả. Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa là một sân chơi đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam. Sự thành công của Lễ hội Âm nhạc này là những nỗ lực không ngừng của những con người đã cống hiến hết mình vì cộng đồng.
Theo tôi, muốn thành công đối với việc tổ chức lễ hội cần đặt lợi ích cộng đồng và lợi ích kinh doanh ngang bằng nhau, thậm chí trách nhiệm với cộng đồng, với các giá trị nhân văn là tiêu chí hàng đầu. Đây là điều chắc chắn BTC Lễ hội hoa hồng Bulgaria và bạn bè chưa làm được.
Có nghĩa theo quan điểm của chị chúng ta mở cửa với các lễ hội mới nhưng không nên ồ ạt và cần chọn lọc?
Hiện nay điều kiện của Việt Nam có hạn, ý thức một bộ phận người tham gia lễ hội còn hạn chế, việc tổ chức lễ hội mới chưa có nhiều điều kiện cần và đủ, vì vậy rất khó thành công nếu chúng ta thiếu sự chủ động chọn lọc, nghiêm túc trong khâu tổ chức.
Ngoài ra, việc lựa chọn các tổ chức thực hiện lễ hội cũng cần phải được thực hiện nghiêm túc. Tôi tin ở Việt Nam giờ không thiếu doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh chuyên nghiệp và có tấm lòng với văn hóa để lựa chọn được nhà tổ chức đáng tin cậy. Một lễ hội được chuẩn bị tốt trong khâu tổ chức, sau khi diễn ra có thể còn nhiều hạn chế, nhưng nếu xuất phát từ sự chuyên nghiệp, mong muốn tạo ra sản phẩm, dịch vụ văn hóa tốt chắc chắn sẽ có sức hấp dẫn và thu hút được người đến với lễ hội mới và là con đường để bản sắc văn hóa Việt Nam hội nhập quốc tế.

Xin cảm ơn chị!

Linh Anh (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khong-nen-nem-da-tat-ca-cac-le-hoi-moi-282558.html