Không nên quá kỳ vọng vào tài nguyên đất hiếm

(HNM) - Đây là khẳng định của PGS-TS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam tại hội thảo "Tài nguyên khoáng sản và phát triển bền vững ở Việt Nam" được tổ chức gần đây.

Theo đó, đất hiếm ở nước ta đã được phát hiện tại một số địa điểm như: Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Yên Phú (Yên Bái) và dọc bờ biển miền Trung. Dự báo, trữ lượng tài nguyên đất hiếm (TNĐH) ở nước ta là khoảng 1 triệu tấn, được xếp vào những nước có tiềm năng lớn trong lĩnh vực này. Hằng năm, Việt Nam mới khai thác quy mô nhỏ TNĐH để xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Có nhiều đối tác như Ba Lan, Séc, Đức, Pháp... đã có dự định hợp tác với Việt Nam để khai thác đất hiếm. Đặc biệt, khi Trung Quốc định ngừng xuất khẩu đất hiếm vào năm 2012, Nhật Bản càng chú ý đến đất hiếm ở Việt Nam. "Tuy nhiên, trong tổng số trữ lượng TNĐH toàn cầu là 99 triệu tấn, sản lượng khai thác hằng năm là khoảng 125.000 tấn. Nếu tính cả nhu cầu tăng hằng năm là 5% thì thế giới vẫn còn có thể khai thác đất hiếm đến gần 1.000 năm nữa. Điều này cho thấy không nên đánh giá quá cao và hy vọng nhiều vào nguồn TNĐH của Việt Nam sẽ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của đất nước" - ông Vinh nhấn mạnh. Theo các nhà khoa học, đất hiếm là vật liệu quan trọng trong phát triển các ngành công nghệ cao như: công nghệ thực phẩm, xúc tác lọc hóa dầu, tên lửa, radar, công nghiệp hạt nhân. Hiện Trung Quốc là nước khai thác nhiều đất hiếm nhất, với sản lượng 120.000 tấn/năm, chiếm 97% tổng sản lượng của thế giới.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/kinh_te/333285/khong-nen-qua-ky-vong-vao-tai-nguyen-dat-hiem.htm/