'Không nên tăng ngay kịch trần 4.000 đồng/lít thuế môi trường với xăng'

Lấy sức ép cạnh tranh là động lực phát triển; 'Không nên tăng ngay kịch trần 4.000 đồng/lít thuế môi trường với xăng'; 'Đối phó với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cần chính sách tỷ giá mềm dẻo'... là một số phát ngôn ấn tượng của các chính khách, chuyên gia được BizLIVE ghi nhận trong tuần qua.

Ảnh minh họa.

Lấy sức ép cạnh tranh là động lực phát triển

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra giữa 2 siêu cường kinh tế. Đây không chỉ là cuộc chiến cạnh tranh thương mại đơn thuần, bởi Mỹ không chỉ gây cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà còn chủ động áp dụng nhiều chính sách về thuế và rào cản thương mại với cả các đồng minh của mình.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, mặc dù chưa bị cuốn vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nhưng là nước đang tham gia tích cực vào việc hình thành và phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam chắc chắn không tránh khỏi chịu những tác động nhất định.

Riêng các doanh nghiệp phải chủ động nâng cao sức cạnh tranh để không chỉ giữ chỗ đứng tại thị trường nội địa mà còn tăng cường khả năng thâm nhập thị trường của các nước đối tác.

(Xem tiếp)

“Không nên tăng ngay kịch trần 4.000 đồng/lít thuế môi trường với xăng”

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến 6 tháng đầu năm 2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nhiều khả năng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua việc tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng, có hiệu lực từ 1/10.

Theo Thứ trưởng Hải, Bộ Công Thương sẽ đề nghị Chính phủ trước hết không nên tăng kịch khung từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng ngay. Nếu tăng phải có lộ trình hết sức cụ thể chứ không thể tăng một lúc 1.000 đồng mỗi lít để không ảnh hưởng đến chỉ tiêu CPI, GDP theo kế hoạch năm 2018.

Ông Hải cho biết thêm, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, vừa qua liên Bộ Công Thương - Tài chính đã liên tục phải sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để giữ giá mặt hàng này trước sức tăng của thế giới. Đây cũng là đầu vào của các mặt hàng khác trong sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, nếu tăng sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống người dân.

(Xem tiếp)

“Đối phó với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cần chính sách tỷ giá mềm dẻo”

Nêu quan điểm tại tọa đàm công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2018 diễn ra chiều 11/7, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc thời gian vừa qua yếu đi có 2 kịch bản.

Kịch bản thứ nhất do Trung Quốc cố tình hạ giá đồng Nhân dân tệ thì đồng tiền Trung Quốc yếu đi và phải mua vào USD ở thị trường Trung Quốc, dự trữ phải tăng nhưng bằng chứng dự trữ lại giảm.

Kịch bản thứ 2, nhà đầu tư ở Trung Quốc lo ngại sớm muộn đồng Nhân dân tệ mất giá, suy yếu trong tương lai nên rút vốn, năm ngoái con số này là 800 tỷ USD rút ra và đồng Nhân dân tệ suy yếu. “Từ nỗi lo sợ họ thực hiện rút vốn khỏi Trung Quốc và làm đồng Nhân dân tệ suy giảm thật, Trung Quốc không muốn nhà đầu tư hoảng loạn, họ phải đẩy USD ra ngoài và giảm dự trữ, dự trữ ngoại hối Trung Quốc giảm xuống mặc dù chưa nhiều”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, Việt Nam nên theo đuổi chính sách tỷ giá mềm dẻo, giảm giá đồng Việt Nam so với USD nhưng không giảm mạnh bằng Nhân dân tệ.

(Xem tiếp)

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ: Điều gì chờ đợi Việt Nam?

Mỹ và Trung Quốc đã chính thức bước vào “cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế”, nhiều dự báo cũng cho thấy kinh tế toàn cầu đều bị ảnh hưởng và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Theo TS. Lê Đănh Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động tiêu cực kinh tế thế giới và trong đó có kinh tế Việt Nam. Trước hết, nó sẽ phá vỡ những quy tắc đã được tôn trọng từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), quy tắc gì được thiết lập và sẽ như thế nào thì môi trường thương mại thế giới cũng trở nên rất mong manh và không được vững vàng như trước kia.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ Trung cũng có những mặt lợi cho kinh tế Việt Nam như dòng đầu tư có thể tăng lên để tránh việc đánh thuế cao của 2 nước trừng phạt nhau.

(Xem tiếp)

TUẤN VIỆT

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/khong-nen-tang-ngay-kich-tran-4000-donglit-thue-moi-truong-voi-xang-3459808.html