Không nên vội vàng kết luận chất lượng môi trường ở kho cháy Rạng Đông

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường chưa đưa ra bất kỳ kết quả quan trắc thủy ngân nào như thông báo 'an toàn' của UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội).

Không nên vội vàng kết luận chất lượng môi trường ở kho cháy Rạng Đông
Sau sự cố cháy kho công ty Rạng Đông, hiện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường chưa đưa ra bất kỳ kết quả quan trắc thủy ngân nào như thông báo "an toàn" của UBND quận Thanh Xuân.

Xe quan trắc môi trường kiểm tra ở nơi xảy ra sự cố.

Xe quan trắc môi trường kiểm tra ở nơi xảy ra sự cố.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn (Viện phó Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, người trực tiếp dẫn đoàn của Viện quan trắc khu vực đám cháy kho bóng đèn Rạng Đông) cho biết, ông "chưa có một văn bản nào" trả lời kết quả quan trắc môi trường sau vụ cháy tại số 87-89 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung.

Theo đơn vị này, trong sáng 30/8, đơn vị đã lấy mẫu vật phẩm đất, nước, không khí tại trung tâm vụ cháy, điểm cách vụ cháy 300m và 600m về xét nghiệm. Riêng về thủy ngân thì chưa thể có kết quả ngay vì cần phải phân tích cụ thể.

Như đã đưa, trước đó, UBND quận Thanh Xuân thông tin về kết quả kiểm tra nhanh môi trường sau vụ cháy.

Trong văn bản nêu rõ: "Thông tin ban đầu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế, các chỉ số như: Thủy ngân, chì, kim loại nặng được đo bằng máy test nhanh cho thấy các chỉ số đều trong ngưỡng cho phép, an toàn với người dân".

Trong khi đó, GS.TS khoa học Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cho rằng, thủy ngân rắn (amalgam) thực ra là thủy ngân và natri, khi ở nhiệt độ cao vẫn giải phóng thủy ngân.

"Với kết quả đo nhanh của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội không nên vội vàng kết luận. Phải thận trọng, phân tích cẩn thận chứ không thể ào ào. Amalgam cùng với nhựa PC, các phụ gia trong đó nung ở nhiệt độ hàng nghìn độ như vậy chưa thể nói là an toàn", GS Sung nhấn mạnh.

Ông Sung cho biết thêm, để kiểm tra mức độ tồn đọng thủy ngân, các chất độc trong môi trường, người làm phải lấy mẫu không khí, đất và nước ở nhiều điểm khác nhau, sau đó phân tích, chiết tách bằng các thiết bị hiện đại nhất, bằng phương pháp nhạy nhất. Số liệu cần làm các mẫu, số hóa lại và gửi cho các phòng thí nghiệm.

"Các thí nghiệm này phải được thực hiện bởi các phòng thí nghiệm khác nhau, có đối chứng chéo với nhau. Ít nhất phải vài ba phòng thí nghiệm đầu ngành phân tích về thủy ngân thực hiện", ông Sung cho hay.

Như Báo Điện tử VOV đã thông tin trước đó, vụ cháy khủng khiếp tại nhà kho Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông bùng phát lúc 18h5 ngày 28/8, kéo dài suốt đêm.

Thiệt hại ban đầu theo công ty này cho biết vào khoảng 150 tỷ đồng bao gồm sản phẩm đèn huỳnh quang là 480.000 chiếc, đèn tròn 2 triệu chiếc và bóng đèn HQ compact 1,6 triệu chiếc.

Ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình phát thông báo đến người dân về những biện pháp đề phòng và bảo vệ sức khỏe do tác động từ hậu quả của vụ cháy nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông. Một ngày sau đó, phường ra quyết định thu hồi thông báo với lý do "không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở"./.

Nguyễn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khong-nen-voi-vang-ket-luan-chat-luong-moi-truong-o-kho-chay-rang-dong-950625.vov