Không ngừng đổi mới, sáng tạo để đạt hiệu quả cao

Ngày làm việc cuối cùng của Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, chiều nay (1/11) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổng kết làm rõ một số vấn đề mà các thành viên Chính phủ trả lời trước đó, đồng thời trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Toàn cảnh ngày làm việc cuối cùng của Phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 1/11

Phát triển nhưng không ai bị bỏ lại phía sau

Mở đầu bài phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự tín nhiệm của các vị Đại biểu Quốc hội dành cho Thủ tướng cũng như các thành viên Chính phủ và nhấn mạnh Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có chung ý nghĩa thôi thúc Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước.

Sau khi điểm qua những thành tựu đã đạt được trong năm 2018 cũng như chặng đường hơn 30 năm đổi mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Để bảo vệ các thành quả đã có và đạt được trọn vẹn những mục tiêu phát triển, theo Thủ tướng là cả một chặng đường đầy khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng đổi mới, cải cách, luôn kiên định với lý tưởng, phải nỗ lực, quyết tâm trong nhiều giai đoạn, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ kế tiếp. Bởi vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm. Và đặc biệt quan trọng hơn, tạo quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt mọi chủ trương đường lối của Đảng. “Khi chúng ta còn nghèo thì nhu cầu có thể chỉ là “ăn no mặc ấm” nhưng xã hội khá giả hơn, nhu cầu của chúng ta không chỉ là “ăn ngon mặc đẹp”, mà còn là không gian phát triển ngày càng rộng mở hơn, hội nhập hơn với xu thế tiến bộ toàn cầu. Do đó, không có thước đo tăng trưởng nào có thể lượng hóa được mọi nhu cầu này của người dân”- Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng cho rằng, từ phát triển kinh tế đến phát triển bền vững, rồi phát triển bao trùm không đơn thuần là sự thay đổi tên gọi mà ẩn sau đó là những nội hàm khác nhau, thể hiện quá trình đổi mới tư duy và nhận thức của chúng ta về những gì được xem là mục đích và ý nghĩa sau cùng của sự phát triển, của các giá trị tiến bộ và văn minh của nhân loại. Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, điều này cho thấy các hộ gia đình vẫn đang leo cao hơn trên nấc thang kinh tế sau khi thoát nghèo. Đây là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Nhiệm vụ của chúng ta là phải kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên chứ không phải bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng nhấn mạnh điều quan trọng của phát triển là không để ai ở lại phía sau (ảnh P.H)

Trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mọi thành viên Chính phủ và toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn hệ thống hành chính nhà nước phải thấm nhuần, quán triệt đầy đủ tinh thần này; cụ thể hơn là thực hiện nghiêm quy định số 08-QĐ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lễ nhậm chức: Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, càng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Tôi đề nghị tất cả chúng ta hãy cùng nhau tập trung sức lực, làm thật tốt những nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2018 cũng như thời gian còn lại của nhiệm kỳ này”.

Cái gì chưa hợp lý thì sửa

Gần cuối phiên chất vấn, trước các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Còn hơn một năm nữa sẽ bước sang một thập niên mới. Đây là mốc thời gian quan trọng trên con đường hiện thực hóa khát vọng mãnh liệt của các bậc tiền nhân cũng như của 100 triệu đồng bào ta, cả trong và ngoài nước, về một Việt Nam độc lập, tự cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Tương lai phụ thuộc vào quyết tâm và hành động của chúng ta ngày hôm nay.

“Hơn lúc nào hết, chúng ta cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực. Đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh (tôi xin nêu một ví dụ: chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định...”- Thủ tướng cho hay.

Cuối cùng Thủ tướng kêu gọi: Tất cả chúng ta, toàn bộ hệ thống chính trị, cần chia sẻ trách nhiệm khơi thông mọi điều kiện, giải phóng nguồn lực và tiềm năng cho sự phát triển của các thành phần kinh tế.Trong đó, có vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân. Làm được như vậy, chúng ta sẽ tạo ra được những không gian mới, động lực tăng trưởng mới trong các lĩnh vực quan trọng của thế kỷ XXI…

Khắc phục hạn chế để tạo bước đột phá

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên chất vấn

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Tôi đề nghị các bộ ngành nghiên cứu tiếp thu nghiên túc những ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân nhân dân gửi tới các kỳ họp. Thực hiện các giải pháp có hiệu quả đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những tồn tại hạn chế được nêu đối với từng lĩnh vực để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau. Phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ tạo đà cho đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong những năm tới.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã có 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, 82 lượt đại biểu tham gia tranh luận tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Tổng Thanh tra Chính phủ... đã tham gia trực tiếp trả lời.

L.Hà- Th. Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khong-ngung-doi-moi-sang-tao-de-dat-hieu-qua-cao-82265.html