Không như những giấc mơ, lao động Mỹ thăng trầm suốt một thế kỷ

Steven Greenhouse, đã phơi bày toàn cảnh đời sống quá khứ và hiện tại đầy biến động của những người lao động tại Mỹ trong cuốn 'Beaten Down, Worked Up'.

Là phóng viên về lao động của tờ Newyork Times trong hai thập kỷ, tác giả Greenhouse đã hoàn thành một nhiệm vụ gần như bất khả thi, xây dựng nên một cuốn sách về một thế kỷ diễn ra các phong trào công nhân và đưa ra những gợi ý nhân văn cho tương lai.

Mục tiêu “bất khả thi” của lao động Mỹ

Theo tác giả Greenhouse, vào đầu thập kỉ này, chưa đầy 7% người lao động trong khối tư nhân Mỹ tham gia vào các tổ chức công đoàn. Đồng thời, sự ủng hộ của lãnh đạo doanh nghiệp cho các tổ chức công đoàn cũng ở mức thấp nhất mọi thời đại. Các tập đoàn lớn thậm chí đã sử dụng nhiều chiến thuật bất hợp pháp để ngăn chặn sự lớn mạnh của công đoàn như cho các nhân viên mới tuyển dụng xem các nội dung chống công đoàn.

Trong bối cảnh như vậy, 40 nhân viên làm việc trong các cửa hàng thức ăn nhanh đã họp tại thành phố New York vào tháng 8/2012. Họ chia sẻ sự phẫn nộ về mức lương ít ỏi, một số người thậm chí vẫn giữ nguyên mức lương 7.25 USD/h sau 10 năm làm việc. Một nữ lao động đã nói về việc bị sa thải vì ăn một miếng gà. Sau khi một người đàn ông giơ hai cánh tay lên cho thấy những vết bỏng thì nhiều người khác cũng cho tất cả cùng thấy những vết sẹo khi làm việc tại các cửa hàng McDonald, Domino, Burger King hay KFC.

Tại cuộc họp thứ hai một tháng sau đó, 75 người lao động đã tham gia và thảo luận về những điều họ cần phải làm. Họ hướng đến một mục tiêu lớn, nhưng lại là mức tối thiểu để họ sống và làm việc với sự tôn trọng, là được trả 15 USD/h và có một liên minh công đoàn.

Phong trào "Fight for 15USD" lan rộng tại nhiều bang trên khắp nước Mỹ. Ảnh: Bloomberg/Getty.

Phong trào "Fight for 15USD" lan rộng tại nhiều bang trên khắp nước Mỹ. Ảnh: Bloomberg/Getty.

Với sự tham gia của một số tổ chức công đoàn và đông đảo người lao động, chiến dịch “Fight for 15USD” đã ra đời và kéo theo nhiều cuộc biểu tình trước các cửa hàng thức ăn nhanh trên khắp nước Mỹ. Trong khi các tập đoàn lớn đã bỏ tiền ra để vận động các nhà lập pháp rằng việc tăng lương sẽ khiến các doanh nghiệp nhỏ sụp đổ và dẫn đến thảm họa kinh tế thì chiến dịch này vẫn thắng lợi. Mức lương tối thiểu đã được tăng lên.

Cuộc nhóm họp năm 2012 và chiến dịch “Fight for 15USD” đáng lẽ đã không xảy ra. Đây cũng là một hình thức đòi quyền lợi mới mà các công đoàn lao động nhiều thập kỉ qua chưa làm. Cuốn sách của Greenhouse sẽ góp phần giải đáp câu hỏi về nguyên nhân thành công của phong trào này.

Cuốn sách có nhiều nội dung cao trào, trong đó các cuộc đình công xuyên suốt thế kỉ qua được đặc biệt chú ý. Trong những năm 1970, có gần 300 cuộc đình công lớn mỗi năm – có sự tham gia của ít nhất 1.000 công nhân Mỹ. Sau thời kì lãnh đạo của Tổng thống Reagan, con số đó đã giảm mạnh xuống dưới 60 cuộc. Từ năm 2008 - 2018, con số đình công trung bình tại Mỹ chỉ là 13.

Lịch sử đấu tranh đầy thăng trầm

Cuộc đình công “ngồi không” của công nhân nhà máy General Motors (GM) năm 1936- 1937 đã diễn ra dưới sự kêu gọi của Công đoàn ngành ôtô Mỹ (UAW), và sau đó buộc GM phải để công nhân tham gia tổ chức này. Hoạt động này sau đó lan rộng sang nhiều ngành khác, xây dựng được nội dung hoạt động mạnh mẽ.

Cuộc đình công "ngồi không" của công nhân GM đã giành được thắng lợi. Ảnh: National Geographic.

Đằng sau thành công đó, phong trào đình công Mỹ đã phải đối mặt với nhiều thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc” khi cảnh sát dùng hơi cay nhắm thẳng vào những người đình công, còn các công nhân thì dấn tới buộc cảnh sát phải rút lui. Và trong những tháng “ngồi không”, tinh thần của công nhân GM cũng hết sức bất ổn.

Theo tác giả Greenhouse, bài học lớn rút ra từ hoạt động của UAW là việc có một tầm nhìn sáng suốt và bản lĩnh của một số công nhân dẫn đầu, cùng với đó là bầu và bổ nhiệm những quan chức có thể tạo ra sự khác biệt lớn khi giải quyết các tranh chấp trong khối lao động tư nhân.

Đã có lúc Bộ trưởng Lao động Mỹ Frances Perkins hét lên qua điện thoại với người đứng đầu GM lúc đó: “Ông không xứng đáng được đưa vào danh sách những người đàn ông tử tế! Ông đã phản bội những người làm việc cho ông”. CEO GM Alfred Sloan đáp trả lại thẳng thừng: “Ông không thể nói chuyện như thế với tôi! Tài sản của tôi trị giá 70 triệu USD và tôi đã tự mình làm nên tất cả!”

Năm 1981, các nhân viên không lưu Mỹ tiếp tục tiến hành đình công yêu cầu tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Phong trào này đã thất bại khi Tổng thống Ronald Reagan sa thải tất cả họ. Tác giả Greenhouse đưa ra dẫn chứng về bối cảnh và những yếu tố diễn ra cuộc đình công, để từ đó độc giả có thể dành sự tôn trọng thích đáng cho phong trào này và những kịch bản để cuộc đình công có thể có một kết quả khác.

Hi vọng và con đường hướng tới tương lai

Greenhouse cũng dành một phần không nhỏ trong cuốn sách chỉ trích các công ty lớn và các ông chủ Phố Wall khi không hề tạo được sự kết nối giữa con người với con người trong môi trường làm việc. Tác giả cho rằng những ông chủ này còn tìm kiếm những chiến thuật mới để làm công nhân mất tinh thần đấu tranh và tước đi quyền lực cùng nhân phẩm của họ.

Cuốn sách của tác giả Greenhouse đã ra mắt ngày 6/8. Ảnh: Amazon.

Các công ty lớn đã mua lại nhiều phương tiện truyền thông để phục vụ cho hoạt động của họ. Năm 2017, Boeing chạy 485 quảng cáo trên truyền hình nhắm vào 3.000 công nhân khi những người này tìm cách thúc đẩy hoạt động công đoàn.

Trên lí thuyết, việc sa thải các thủ lĩnh phong trào công đoàn hay đe dọa nhân viên nếu họ tham gia vào các hoạt động công đoàn là bất hợp pháp. Nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy 1/3 các công ty sa thải những người ủng hộ công đoàn và các nhà tổ chức công đoàn cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ bị đuổi việc.

Tuy nhiên, bất chấp những mối đe dọa như vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự đoàn kết trong lực lượng lao động Mỹ đang gia tăng. Cuộc biểu tình của các giáo viên Mỹ đầu năm nay đã giành được những chiến thắng tưởng rằng là không thể, trong khi các nhân viên công nghệ đã nhận được những nhượng bộ lớn từ các công ty của họ. Công đoàn lao động ngày nay phát triển mạnh mẽ hơn bất kỳ năm nào trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.

Trong cuốn sách, Greenhouse cũng chia sẻ về điều mà gia đình đã dạy ông rằng: “Mọi công nhân, dù được trả lương thấp hay làm những công việc bị coi là hạ đẳng, đều xứng đáng được tôn trọng”. Và theo ông, để hướng tới điều này, bước đầu tiên quan trọng là bầu cử tài chính công khai. Luật lao động sẽ không thay đổi nếu không phá vỡ được sự kìm kẹp của những số tiền lớn trong chính trị.

Tác giả cũng đề nghị các nhà lãnh đạo công đoàn nên quan tâm tới việc đầu tư và tổ chức các hoạt động xây dựng sự đoàn kết giữa người lao động, đặc biệt là hỗ trợ những người không thể chi trả chi phí tham gia công đoàn. Cựu phóng viên tờ Newyork Times cũng cho rằng giới truyền thông nên quan tâm nhiều hơn tới câu chuyện về những người lao động, cả nam và nữ và đưa họ trở thành trung tâm trong môi trường thông tin.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/khong-nhu-nhung-giac-mo-lao-dong-my-thang-tram-suot-mot-the-ky-post997850.html