Không nổ súng vẫn được khen

CCB, thương binh Đặng Sỹ Ngọc kể chuyện chiến đấu: Năm 1964, Sư đoàn 324 bước vào giai đoạn trực tiếp đánh Mỹ. Đến năm 1966, tôi được nhập ngũ bổ sung cho Đại đội 2, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 90 của sư đoàn 324, có nhiệm vụ thay phiên chốt giữ ở huyện Gio Linh (Quảng Trị), tập trung nhiều nhất là địa bàn xã Gio An.

Tác giả bài viết.

Gần xã Gio An về phía Tây có đồn Cồn Tiên (còn gọi là Cồn Thiên, Cồn Trời) do thực dân Pháp xây dựng. Từ vị trí đồn có thể quan sát phía Bắc, Đông Bắc và dọc sông Bến Hải rất rõ. Khi Pháp bị thất bại ở Đông Dương, quân Mỹ - Ngụy tiếp tục sử dụng đồn làm nơi đồn trú và củng cố, xây dựng thêm nhiều hỏa điểm, vọng gác. Đồn Cồn Tiên càng trở nên kiên cố, lại có sự hỗ trợ từ các đồn bốt ở phía trong như Dốc Miếu, Quán Ngang, Đông Hà, Ái Tử và sự chi viện đắc lực của không quân, hải quân. Bởi vậy chúng rất chủ quan, cứ tưởng như là bất khả xâm phạm.

Xã Gio An có trung đội dân quân hoạt động tích cực, luôn chủ động và hợp đồng chặt chẽ với bộ đội đánh địch. Quân địch mỗi lần từ trong đồn ra bị ta giật mìn, bắn tỉa... làm cho chúng nhiều phen kinh hồn bạt vía. Càng bị thua đau, chúng càng lồng lộn đánh phá. Các cao điểm 56, 82, khu vực nhà thờ Gia Bình, nhà thờ Công Chính, các trục đường 74, 75 đều bị chúng càn quét, phá phách.

Cuối năm 1966, tôi được đánh trận đầu tiên của đời mình tại khu vực Gio An, sau đó thì liên tục tháng nào cũng được nổ súng. Mỗi trận đánh là một kỷ niệm không thể nào quên, nhưng có lần tôi... không nổ súng vẫn được cấp trên... khen ngợi. Đó là giữa tháng 11 năm 1967, khi cả đơn vị vừa vượt sông Bến Hải, đang chiếm lĩnh địa bàn, củng cố công sự chưa xong thì trời sáng. Cán bộ đại đội giao cho tôi trèo lên một cây to, đã bị bom cắt giữa thân nhưng vẫn còn một số cảnh lá sum sê. Áo quần tôi được khâu thêm những dây vải mềm cách nhau từng gang tay để buộc lá ngụy trang hợp màu. Cách mặt đất chừng 5m, tôi ngồi im giữa chạc ba, có nhiệm vụ quan sát. Nếu thấy địch đi từ đồn ra thì báo ngay cho chỉ huy để tổ chức bộ đội đón đánh. Đã chừng 3 tiếng đồng hồ mà không thấy binh lính địch, chỉ thấy khắp nơi, đủ hướng xa gần những cột khói đen, trắng bùng lên. Sau đó là những tiếng nổ đùng đoàng từ phía địch. Pháo lớn của ta từ phía Bắc sông Bến Hải cũng hùng dũng rót trả vào các cứ điểm đồn bốt của địch. Đạn bay qua đầu chúng tôi nghe rõ cả tiếng gió rít. Đến khoảng 10 giờ, trời Quảng Trị vẫn trong xanh, một chiếc máy bay L-19 của địch bay đi bay lại tuần tra dọc tuyến hàng rào điện tử McNamara. Hình như đã phát hiện ra tôi, chiếc máy bay nâng độ cao rồi bay vòng tròn trên cái cây tôi ngồi. Tôi thấy rõ hai tên phi công trước sau cách tôi khoảng 500m. Tôi xin chỉ huy cho tôi bắn bằng súng AK. Đồng chí chỉ huy Nguyễn Nhung (quê ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) không đồng ý vì phải tiếp tục giữ bí mật cho cả đơn vị đang ở trong làng.

Bỗng chiếc máy bay phụt một vòng khỏi trắng theo dường bay quanh thân cây tôi ngồi, bán kính khoảng 10m. Tôi vội tụt xuống đất, chui ngay vào chiếc hầm có sẵn dưới gốc cây. Lập tức, pháo địch bắn tới tấp, 10 phút sau có thêm máy bay phản lực và cánh quạt đến tiếp tục ném bom. Thân cây tôi vừa ngồi biến mất, hầm bị sập. Tôi vẫn mang khẩu AK, vẫn tỉnh táo dùng tay bới đất leo lớn rồi chạy một mạch ra một đồi trọc gần đó. Đến giữa đồi thì tôi bị choáng, ngất đi. Khi đồng đội đến khiêng tôi vào một cái hầm cho uống nước, tiêm thuốc, tôi tỉnh lại, đưa tay lớn sờ thấy mồm, mũi, tai, mắt đều có máu do sức ép của bom, đạn pháo, nhưng may mắn không có mảnh đạn nào dính vào người. Chính trị viên Nguyễn Văn Hợi đến bắt tay tôi, thăm hỏi rồi đồng chí khen tôi nhanh trí đánh lạc hướng dịch, bảo toàn cho đơn vị phía trong làng được bình an. Y sĩ Phạm Tỉnh, quê ở Ninh Bình viết giấy chuyển tôi ra Bắc điều trị nhưng tôi thấy cơ thể đã trở lại bình thường, nên xin ở lại cùng với anh em tiếp tục chiến đấu....

Trái tim người lính

Đặng Sỹ Ngọc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/khong-no-sung-van-duoc-khen-a15295.html