Không phải chất bán dẫn, đây mới là cuộc đua toàn cầu nóng nhất hiện nay

Thế giới đang chạy đua nhằm thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc, quốc gia đi đầu về các khoáng sản quan trọng. Australia đang ở một vị trí khởi đầu thuận lợi nhờ nguồn đất hiếm dồi dào, nhưng liệu Canberra có thể theo kịp Bắc Kinh?

Nhu cầu của thế giới đối với đất hiếm và các khoáng sản quan trọng gia tăng đang tạo nên một cuộc chạy đua giữa các quốc gia về khai thác khoáng sản. (Nguồn: AFP)

Cuộc đua nóng lên từng ngày

Có một điểm chung trong những động thái gần đây của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tỷ phú ngành khai mỏ giàu nhất Australia, Andrew Forrest. Tất cả những bước đi của họ đều nhằm thúc đẩy cuộc đua đang diễn ra gay gắt trên toàn cầu để tiếp cận các loại khoáng sản quan trọng, có vai trò quyết định đến tương lai tiến trình trung hòa carbon và các công nghệ tiên tiến khác.

Tổng thống Widodo muốn tiếp cận nguồn cung lithium của Australia để bổ sung cho nguồn nickel, với kỳ vọng biến Indonesia thành nhà sản xuất pin xe điện lớn mạnh và có tiềm năng để phát triển một ngành công nghiệp ô tô mới.

Trong khi đó, thông báo bất ngờ của chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế xuất khẩu gallium và germanium từ ngày 1/8 tới là một bằng chứng rõ ràng khác cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng khai thác thế mạnh của mình trong cung cấp các khoáng sản quan trọng để phục vụ các mục đích chiến lược.

Với việc công ty của mình tiếp quản thành công Mincor Resources, một lần nữa tỷ phú Forrest cho thấy quyết tâm trong việc nắm bắt một cơ hội mới rất lớn trong lĩnh vực khai khoáng là khai thác nickel thay vì quặng sắt. Ông muốn phát triển các mỏ nickel sunfua của Mincor và dự kiến triển khai các công đoạn tinh chế tiếp theo ở Australia nhằm phục vụ thị trường xe điện vốn đang bùng nổ.

Con đường của Australia ít được định hình rõ hơn dù chính phủ có những lời hoa mỹ và tăng cường đầu tư vào các dự án khai khoáng, chế biến khoáng sản quan trọng (thường có sự hợp tác với các đối tác nước ngoài).

Australia đang là nhà sản xuất lithium lớn nhất, nhà sản xuất cobalt lớn thứ ba và nhà sản xuất đất hiếm lớn thứ tư thế giới. "Giấc mơ" của Canberra cần lớn hơn và rộng mở hơn rất nhiều.

Trung Quốc - quốc gia "chi phối cuộc chơi"

Cuộc đua giữa các quốc gia về khoáng sản quan trọng đang tăng tốc mạnh mẽ. Mặc dù Australia được thiên nhiên ưu đãi với trữ lượng khoáng sản quan trọng dồi dào, nhưng đây không phải là yếu tố đảm bảo rằng chính phủ Công đảng hoặc chính phủ kế nhiệm có thể phát triển các ngành công nghiệp mới ở quy mô lớn.

Chiến lược khoáng sản quan trọng do Bộ trưởng Tài nguyên Madeleine King công bố hồi tháng trước đã mô tả về tiềm năng nhiều hơn là trình bày một cách chi tiết về các bước đi thực tế.

Ngược lại, ở Trung Quốc, chính phủ nước này tập trung tuyệt đối vào chiến lược trong hơn 3 thập niên qua. Vào những năm 1990, Trung Quốc đã nhận ra rằng họ nên tập trung nỗ lực để giành ưu thế trong tăng trưởng và thúc đẩy nguồn cung phục vụ ngành công nghiệp khoáng sản quan trọng, từ công đoạn khai thác cho đến chế biến và sản xuất, một ngành công nghiệp có giá trị thấp lúc bấy giờ.

Khi thế giới nhận ra một cách muộn màng, cách tiếp cận "theo đuổi một mục đích duy nhất" này của Trung Quốc đã khiến họ trở thành quốc gia nắm giữ chủ yếu các nguồn cung khoáng sản quan trọng, kim loại và các nguyên liệu sản xuất nam châm, những nguyên liệu đóng vai trò nền tảng cho các ngành công nghiệp tương lai.

Lithium được xem là “vàng trắng” của tương lai. (Nguồn: Getty)

Trung Quốc sản xuất hơn 80% lượng đất hiếm (đã tách các nguyên tố) trên toàn cầu. Australia chiếm 53% sản lượng lithium trên toàn cầu vào năm 2022 và đã xuất khẩu 96% số đó sang nền kinh tế số 2 thế giới.

Trong khi đó, quốc gia Đông Bắc Á này cũng chiếm hơn 70% thị phần trong lĩnh vực chế biến và sản xuất các khoáng sản quan trọng khác như antimon, bismuth và vonfram.

Đối với phương Tây, việc sẵn sàng chấp nhận trình độ và sự chi phối ngày càng lớn của Bắc Kinh dường như hợp lý về mặt thương mại.

Các công ty khai thác lithium của Australia chỉ là một số trong những người được hưởng lợi, với giá trị xuất khẩu tăng lên 19 tỷ AUD (12,6 tỷ USD) vào năm 2022, gấp 4 lần so với năm 2021. Tuy nhiên, chiến lược tổng thể của các quốc gia phương Tây hiện đang có vẻ ngày càng rủi ro hơn, xét về mặt kinh tế và địa chiến lược ở phạm vi rộng.

Đó là lý do tại sao các nước phương Tây, trong đó có cả Australia, đang gấp rút phát triển nguồn lực về con người, kỹ năng và công nghệ để thay thế nhưng vẫn còn kém xa Trung Quốc. Các quốc gia này vẫn dễ bị tổn thương trước bất kỳ gián đoạn nào về nguồn cung của Bắc Kinh hoặc các quốc gia khác thay thế, những đối thủ có thể bị Trung Quốc tạm thời gây áp lực lên thị trường nhằm ngăn cản sự cạnh tranh.

Mối lo ngại lớn

Tuyên bố gần đây của Bắc Kinh trong việc bất ngờ hạn chế xuất khẩu 2 loại khoáng sản và kim loại quan trọng (ít người từng nghe tới) đã ngay lập tức làm dấy lên những lo ngại lớn và những lo ngại này đang lan rộng trên toàn cầu.

Cả gallium, germanium và các sản phẩm phụ của chúng đều không được giao dịch với số lượng lớn, nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn tốc độ cao, cùng với khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực quốc phòng, thiết bị liên lạc vô tuyến và xe điện.

Động thái của Trung Quốc được nhiều người coi là dấu hiệu cảnh báo tiếp theo nhằm vào Mỹ trong khi Washington nỗ lực kiềm chế Bắc Kinh tiếp cận các thiết bị sản xuất chip tiên tiến có vai trò thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét áp dụng các biện pháp hạn chế hơn nữa đối với việc cung cấp các vi mạch điện tử cho Trung Quốc và kêu gọi các đồng minh của mình áp dụng cách tiếp cận tương tự.

Động thái trên dường như không có gì là ngẫu nhiên khi thông báo của Bắc Kinh được đưa ra ngay trước chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.

Chính phủ Australia chắc chắn không có ý định cạnh tranh với kế hoạch đầu tư hàng trăm tỷ USD mà chính quyền của ông Biden tung ra để khuyến khích đầu tư trong nước mạnh hơn vào năng lượng tái tạo, bao gồm đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu phục vụ quá trình chế biến khoáng sản quan trọng và tinh chế đất hiếm.

Cam kết của Canberra đối với khoản cho vay trị giá 500 triệu AUD thông qua Quỹ Cơ sở hạ tầng Bắc Australia hầu như không có tác động đến các dự án mới quy mô lớn của Washington.

Thay vào đó, chính phủ Công đảng Australia hy vọng mối quan hệ chặt chẽ giữa nước này với Mỹ, được củng cố thông qua liên minh ba bên AUKUS, sẽ tạo điều kiện để Canberra được ưu tiên trở thành đối tác cung cấp cho thị trường nội địa của Mỹ như đã cam kết. Điều này cũng sẽ kích hoạt mức độ đầu tư lớn hơn của Washington vào các dự án ở quốc gia châu Đại Dương.

Chính phủ liên bang Australia đang "lập lờ" trong việc thể hiện liệu nước này có áp đặt những hạn chế đầu tư mới của Trung Quốc vào lĩnh vực khoáng sản quan trọng hay không, nhưng Canberra đã áp đặt các biện pháp ngừng cho phép doanh nghiệp từ quốc gia châu Á đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, chính phủ bang Tây Australia, một bang phát triển giàu có nhờ tài nguyên thiên nhiên, đang tự tin với một làn sóng chế biến và sản xuất khoáng sản quan trọng mới. Bang này vẫn đang rất hoan nghênh các hoạt động đầu tư từ Trung Quốc và quan hệ hợp tác với nước này để tạo ra sự bùng nổ mới.

(theo Financial Review)

Lê Đạt

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khong-phai-chat-ban-dan-day-moi-la-cuoc-dua-toan-cau-nong-nhat-hien-nay-234153.html