Không phải do Mỹ, Trung Quốc sẽ bị 'sập bẫy' vì đâu?

Đến lúc nào đó, Trung Quốc sẽ bị sập bẫy do chính nền kinh tế nước này đi chệch khỏi quỹ đạo kinh tế thị trường.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang gây áp lực giảm giá không nhỏ lên đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.

Tính đến ngày 10/6, tỷ giá đồng Nhân dân tệ giao dịch tại thị trường Trung Quốc đại lục ngày 10/6 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, có lúc giảm còn 6,9352 tệ đổi 1 USD.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố rằng "một chút linh hoạt" trong tỷ giá Nhân dân tệ sẽ tốt cho nền kinh tế Trung Quốc.

Theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam, đây là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng để Nhân dân tệ suy yếu để bù đắp phần nào ảnh hưởng của thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc, bởi đồng nội tệ mất giá sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc cạnh tranh tốt hơn.

Tuy nhiên, sự kìm hãm giá Nhân dân tệ cũng có tác dụng ngược bởi theo vị chuyên gia, Trung Quốc xuất siêu nhiều thì cũng phải nhập khẩu, san đi bù lại cuối cùng cũng gần như nhau.

"Một thời gian dài Trung Quốc được lợi vì kiềm chế đồng tiền để có thặng dư thương mại. Nêu bây giờ Trung Quốc phá giá đồng tiền thì sẽ dẫn đến sự thay đổi trong quan hệ kinh tế của nước này.

Trung Quốc nói họ bị bắt nạt khi xảy ra cuộc chiến tranh thương mại nhưng thực ra không phải như vậy. Trung Quốc đã chơi một trò chơi trái với luật lệ chung và được hưởng lợi rất nhiều, giờ đã đến lúc phải trở lại bình thường, đó là yêu cầu của kinh tế thị trường", PGS.TS Lê Cao Đoàn nhận xét.

Chiến tranh thương mại gây áp lực giảm giá lên đồng NDT

Chiến tranh thương mại gây áp lực giảm giá lên đồng NDT

Ngoài đòn thuế quan trả đũa Mỹ, Trung Quốc cũng thực hiện quy chế hoán đổi tiền tệ với nhiều quốc gia trên thế giới, tăng cường tích trữ vàng... PGS.TS Lê Cao Đoàn coi đây là những tác động dây chuyền và là điều bình thường bởi Trung Quốc, dưới tác động của chiến tranh thương mại, phải điều chỉnh quan hệ với cái nước khác cho chặt chẽ hơn.

Hơn nữa, Mỹ và Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh tế toàn cầu, vì thế cuộc chiến tranh thương mại buộc mối quan hệ của các quốc gia khác trên thế giới với Mỹ và Trung Quốc cũng phải có sự thay đổi tương ứng để ổn định lại nền kinh tế, tránh suy thoái.

"Trung Quốc phải hạch toán lại các hoạt động đầu tư, thị trường, các điều kiện là cơ sở cho sự phát triển... trong cái thế đang tháo chạy, dưới tác động của Mỹ khiến họ không thể tiến hành được như cũ, với những phương thức cũ.

Cần lưu ý rằng cuộc chiến tranh này không đơn giản là cuộc chiến thương mại, nó tạo chuyển biến lớn trong các mối quan hệ kinh tế của Mỹ và Trung Quốc, làm cho hai nền kinh tế này phải thay đổi. Họ có đứng vững được không, có bị kìm hãm không, có thể chuyển biến kịp thời để ổn định lại, tạo ra sự phát triển tiếp tục không..., các nhà kinh tế phải đo lường được những chuyển động ấy xem nó đi đến đâu, gây ra điều gì", PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ.

Cũng theo vị chuyên gia, trong cuộc chiến tranh thương mại, chiêu trò của hai quốc gia Mỹ-Trung nhiều khi đi chệch khỏi các bài toán của kinh tế nói chung khiến bên được lợi chỗ này, bên thiệt hại chỗ khác mà không phải hai bên đều có lợi theo các quy tắc của nền kinh tế thị trường.

"Trung Quốc và Mỹ ở hai thể chế khác nhau, có nguyên tắc khác nhau và Trung Quốc không phải là nền kinh tế thị trường hoàn toàn.

Các nhà kinh tế của Mỹ có thể kiểm soát và hiểu hệ thống của mình nhưng họ lại chủ quan trước chiêu trò của Trung Quốc và nghĩ rằng nó không quan trọng hay tai hại gì đến Mỹ.

Ông Trump tuyên bố muốn làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại có thể coi là một biểu hiện cho thấy người Mỹ đã tỉnh ngộ dù đã muộn khi Trung Quốc đã trở thành con cọp đủ lông đủ cánh, vẫy vùng mạnh mẽ. Mỹ đã mất rất nhiều, không phải tiền mà là các nguồn lực quan trọng mà họ đã cố công sáng tạo ra và Trung Quốc được sử dụng miễn phí, trở nên mạnh mẽ nhờ nó.

Nhưng dù mạnh thế nào đi chăng nữa, Trung Quốc sẽ bị sập bẫy, không phải do Mỹ, không phải do cuộc chiến tranh thương mại này, mà do bản chất kinh tế Trung Quốc đã đi chệch khỏi quỹ đạo của kinh tế thị trường dẫn đến chỗ quốc gia này bị thâm thủng nặng nề.

Hơn nữa, đến một mức nào đó, các nền kinh tế khác cũng không thể nào chấp nhận một trò chơi đi chệch khỏi tiến trình chung như thế.

Khi hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới đụng độ, nếu là một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa tự nó sẽ khôi phục và phát triển lên nhanh chóng. Ngược lại, một nền kinh tế phi thị trường, nền kinh tế chỉ huy, của nhà nước sẽ phục hồi chậm hơn rất nhiều.

Kinh tế Mỹ đứng trên mảnh đất của thị trường và đôi chân của họ rất vững vàng", PGS.TS Lê Cao Đoàn phân tích.

Nhìn một cách tổng thể, vị chuyên gia cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ còn kéo dài và khiến cho sức sản xuất của thế giới bị thâm hụt bởi đây là hai nền kinh tế chiếm phần lớn sức sản xuất của thế giới.

Chính vì thế, nếu hai nền kinh tế lớn nói trên khôi phục càng nhanh thì càng tốt bởi khi quan hệ kinh tế ổn định, các quan hệ khác xung quanh như chính trị, ngoại giao... cũng trở nên tốt hơn, an ninh nền kinh tế toàn cầu trở nên ổn định hơn.

"Đối với các quốc gia nhỏ ở gần cuộc chiến này phải hết sức cẩn trọng bởi Trung Quốc đang di chuyển trong thế tháo chạy và phải thay đổi cách thức quan hệ sao cho có lợi cho họ, bù đắp lại thiệt hại do thương chiến gây ra. Nếu các quốc gia không vững vàng, chỉ thấy lợi trước mắt sẽ dễ bị sự biến đổi này làm cho rối loạn, không biết đường nào mà hành động", PGS.TS Lê Cao Đoàn cảnh báo.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/khong-phai-do-my-trung-quoc-se-bi-sap-bay-vi-dau-3381818/