'Không phải ra khỏi Việt Nam mới là biển lớn mà ngay trong sân nhà cũng là biển lớn'

là quan điểm được nữ doanh nhân Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát nhấn mạnh tại cuộc Hội thảo 'Doanh nghiệp Việt vươn ra biển lớn' vừa được Báo Thanh Niên tổ chức ngày 2/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Xây dựng thương hiệu ra thế giới - bài toán Tân Hiệp Phát luôn trăn trở

Doanh nghiệp Việt - cũng như hàng triệu triệu người Việt luôn nuôi dưỡng trong mình khát vọng vươn lên, khát vọng thể hiện mình - khi đã “đủ lông đủ cánh” trên thị trường trong nước, vẫn không tự bằng lòng, vẫn nuôi tâm thế “vươn ra biển lớn”, để cạnh tranh bình đẳng với các DN ngoại, để chứng tỏ vị thế trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, tạo dựng vị thế ấy như thế nào, làm cách nào để xây dựng thành công thương hiệu ra thế giới - đó đã, đang là nỗi trăn trở của hầu hết các DN Việt - trong đó có Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Tại cuộc Hội thảo “Doanh nghiệp Việt vươn ra biển lớn” - cuộc Hội thảo đã thu hút hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước, các hiệp hội, đại diện các Sở, ngành của TP.HCM, Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam - đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn – từ câu chuyện “Nói không với lời đề nghị 2,5 tỷ USD”, đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm về câu chuyện “hội nhập ra biển lớn” từ những trải nghiệm hết sức thực tế và đắt giá.

Theo Phó Tổng Giám đốc Trần Uyên Phương, câu chuyện này xảy ra từ năm 2012, khi Coca-Cola đến gõ cửa và đưa ra con số “khổng lồ” để mua cổ phần của THP. Mất gần 1 năm trời đàm phán, chia sẻ chủ trương phát triển công ty... nhưng cuối cùng, THP đã từ chối lời mời hợp tác trị giá 2,5 tỷ USD từ “ông lớn” này. Một lời đề nghị quá đỗi hấp dẫn với bất kỳ một doanh nghiệp Việt nào, vậy: “Vì sao Tân Hiệp Phát từ chối 2,5 tỷ USD từ đối tác nước ngoài?”.

Trước câu hỏi nhận được rất nhiều sự chờ đợi xen lẫn nghi hoặc của rất nhiều người, rất nhiều doanh nghiệp này, vị “nữ tướng” trẻ của Tân Hiệp Phát cho biế:t “Được sự tiếp cận của các công ty đa quốc gia là mơ ước của nhiều doanh nghiệp chứ không riêng gì Tân Hiệp Phát. Chúng tôi thấy có một khoảng cách rất xa, đặc biệt là tài chính, tham vọng. Họ đưa ra điều kiện không được ra sản phẩm mới, chỉ quản lý ở các khu vực là Việt Nam, Lào và Campchia trong khi chúng tôi mong muốn tiếp tục duy trì tầm nhìn và sứ mệnh của Tân Hiệp Phát, đồng thời đem thương hiệu quốc gia, thương hiệu Việt ra thế giới.

Cuối cùng chúng tôi quyết định từ chối lời đề nghị trị giá 2,5 tỷ đô. Điều này cũng được đề cập trong cuốn sách Competing with Giants với nội dung “Lý do tại sao đưa ra quyết định đã không quá khó nữa”.

“Từ chối không có nghĩa Tân Hiệp Phát đóng cửa với những lời đề nghị khác. Tân Hiệp Phát vẫn luôn chia sẻ luôn mong đợi những đối tác để trở thành công ty hàng đầu châu Á. Muốn làm điều đó, Tân Hiệp Phát cần có thêm rất nhiều sự chung tay nhưng thời điểm chưa phù hợp nên chúng tôi vẫn còn một mình với sứ mệnh “doanh nghiệp ra thế giới” - Phó Tổng Giám đốc Trần Uyên Phương lý giải thêm.

Thấu hiểu nhu cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng, đảm bảo chất lượng sản phẩm - những điều cần phải có để “tiến ra biển lớn”

Đồng nhất với nhiều ý kiến tại Hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn” cho rằng, để vươn ra thế giới hội nhập với các đối tác bên ngoài, doanh nghiệp Việt không chỉ cần đủ mạnh về năng lực, chuyên môn mà còn rất cần chữ tín đối với các đối tác nước ngoài. Một chữ tín thôi - nhưng để đạt được là điều hoàn toàn không dễ dàng, nhất là khi doanh nghiệp đang trong công cuộc chinh phục thị trường quốc tế, với các khách hàng quốc tế vốn nổi tiếng “sành điệu, trải nghiệm và khó tính”.

Với những doanh nghiệp nước giải khát như Tân Hiệp Phát - địa hạt mà trên thị trường thế giới đã chứng kiến rất nhiều “ông lớn khổng lồ”, sở hữu thương hiệu lâu đời, danh tiếng điều này càng nan giải. Bởi vậy, làm sao xây dựng được uy tín, xây dựng được thương hiệu từ Việt Nam, từ đó xây dựng thương hiệu ra thế giới là một trong những bài toán mà Tân Hiệp Phát luôn trăn trở.

Bản lĩnh, sự trải nghiệm dạn dày trên thương trường của ông chủ Tập đoàn - doanh nhân Trần Quí Thanh, sự thông minh, năng động của “thế hệ lãnh đạo thứ 2”, tiêu biểu là Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích… đã giúp Tân Hiệp Phát sớm tìm ra cho mình một hướng đi. “Đâu là cốt lõi để đem thương hiệu Việt ra thế giới? Đầu tiên và trên hết chúng tôi vẫn nghĩ đến chất lượng, chất lượng bao gồm mùi vị, chất lượng sản phẩm” - Phó Tổng Giám đốc Trần Uyên Phương chia sẻ về hướng đi ấy.

Doanh nhân Trần Uyên Phương không ngần ngại chia sẻ bí quyết để Tân Hiệp Phát đứng vững trên thị trường nội địa và đưa sản phẩm vươn xa ra quốc tế. Đó là xác định, chất lượng sản phẩm là quan trọng hàng đầu, tiêu chuẩn chất lượng được Tập đoàn đặt ra rất cao. Từ cách đây 10 năm, Tân Hiệp Phát đã tiếp cận và nghĩ đến việc đầu tư mua 10 dây chuyền công nghệ Aseptic trị giá 300 triệu USD của Tập đoàn GEA. Với 10 dây chuyền công nghệ này, chúng tôi mong muốn đem đến chất lượng vượt trội cho ngành nước giải khát Việt Nam, không cần đến chất bảo quản nhưng sản phẩm vẫn giữ được 12 tháng. Đây là yếu tố cốt lõi khiến sản phẩm của Tập đoàn tự tin khi đi đến quốc gia nào cũng sẽ đạt tiêu chuẩn họ đề ra, dù đó có là thị trường khó tính như EU hay Mỹ. “Chúng tôi quan niệm, làm thế nào để sản phẩm tốt nhất ngay cả sản phẩm đầu tiên làm ra chứ không chỉ chờ vào thị trường nào đó thì mới nâng cấp chất lượng. Muốn cạnh tranh và vượt lên những “người khổng lồ” quốc tế, công nghệ và chất lượng sản phẩm của bạn phải cao hơn so với họ”.

Những sản phẩm của Tân Hiệp Phát ngay khi ra thị trường đã được người tiêu dùng nồng nhiệt đón nhận bởi đi trúng mong muốn của người tiêu dùng toàn cầu - hướng về các sản phẩm tự nhiên organic, những sản phẩm có lợi cho sức khỏe. “Để có những sản phẩm như ngày hôm nay, những bài học trải qua rất là nhiều và chúng tôi muốn chia sẻ đến các doanh nghiệp khác, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành muốn xây dựng thương hiệu vì đó là một cuộc chơi khá tốn kém, phải nói là một canh bạc đặt ra mà không biết thu lại được bao nhiêu.

Với khát vọng, mong muốn, cũng như chúng tôi nhìn thấy nhu cầu hiện nay đang có, vậy làm sao để các DN vươn xa hơn? Một trong những điều chúng ta nhấn mạnh “biển lớn” không chỉ ra khỏi biên giới, mà hiện nay chúng ta gặp rất nhiều sự cạnh tranh. Nên không phải ra khỏi Việt Nam mới là biển lớn mà ngay trong sân nhà cũng là biển lớn. Rất nhiều nhà đầu tư, DN có kinh nghiệm sừng sỏ muốn vào VN nên các DN trong nước cần phải cải tiến, hoàn thiện mình để có thể tiếp tục tồn tại trên thị trường” - những điều mà Trần Uyên Phương - “nữ tướng” trẻ của Tân Hiệp Phát nhấn mạnh tại Hội thảo - có lẽ là điều mà các DN Việt cần lưu tâm.

Hồng Sâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khong-phai-ra-khoi-viet-nam-moi-la-bien-lon-ma-ngay-trong-san-nha-cung-la-bien-lon-post59606.html