Không phải thông báo website thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương từ 18/10

Trước đó, theo quy định tại Thông tư 47, các thương nhân, tổ chức, cá nhân phải thông báo website thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương.

Tại Thông tư 21/2018/TT-BCT ban hành ngày 20/8 của Bộ Công Thương đã sửa đổi nhiều quy định về quản lý thương mại điện tử tại Thông tư 47 ban hành năm 2014 và Thông tư 49 ban hành năm 2015. Trong đó bãi bỏ quy định các thương nhân, tổ chức, cá nhân phải thông báo website thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương.

Trước đó, theo quy định tại Thông tư 47, các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng (do chính thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình), phải cung cấp những thông tin sau:

- Tên thương nhân, tổ chức, cá nhân;

- Số đăng ký kinh doanh của thương nhân hoặc số quyết định thành lập của tổ chức hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân;

- Lĩnh vực kinh doanh, hoạt động;

- Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân;

- Các thông tin liên hệ.

Cũng tại Thông tư 21 này, đã bãi bỏ điều 21 của Thông tư 47. Thông tư 47 năm 2014 yêu cầu các đối tượng sau: Tổ chức xúc tiến thương mại hoặc hỗ trợ doanh nghiệp; Cơ quan truyền thông, hiệp hội ngành hàng hoặc tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Thương nhân có đăng ký kinh doanh ngành nghề dịch vụ thương mại điện tử và đã triển khai hoạt động cung cấp dịch vụ này phải đăng ký khi tiến hành hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử với Bộ Công Thương.

Hồ sơ đăng ký bao gồm:

1. Đơn đăng ký hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử (theo Mẫu TMĐT-2 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Bản sao được chứng thực Quyết định thành lập (đối với tổ chức), Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đối với thương nhân).

3. Đề án hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử bao gồm các nội dung tối thiểu sau:

a) Tên chính thức của chương trình đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử;

b) Mục đích hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử;

c) Giải trình kinh nghiệm, năng lực phù hợp với hoạt động đánh giá tín nhiệm;

d) Phạm vi đánh giá tín nhiệm phù hợp với phạm vi hoạt động của thương nhân, tổ chức;

đ) Thời gian và tần suất tiến hành hoạt động đánh giá tín nhiệm;

e) Đối tượng hoặc loại hình website thương mại điện tử sẽ được đánh giá tín nhiệm.

Việc bãi bỏ điều 8, điều 21 của Thông tư 47 cho thấy, một mặt Bộ Công Thương đã cầu thị lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện quy định, thủ tục hành chính nhằm cải cách thể chế toàn ngành một cách sâu, rộng. Mặt khác, Bộ đã chủ động rà soát, bãi bỏ nhiều quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện khơi dậy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển.

Trần Long

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/khong-phai-thong-bao-website-thuong-mai-dien-tu-ban-hang-voi-bo-cong-thuong-tu-18-10-2018093008542239p0c77.htm