Không phải trả nợ thay cho chồng nếu tiền vay không vì mục đích gia đình

Bạn đọc hỏi: Tôi và chồng đã sống ly thân cách đây 2 năm, cuộc sống không liên quan tới nhau. Cuối năm 2019, chồng tôi vay nợ của người quen gần 500 triệu đồng và không trả được... Mới đây, người cho chồng tôi vay tiền khởi kiện ra tòa yêu cầu tôi phải cùng chồng trả nợ số tiền trên. Xin luật sư tư vấn giúp, tôi có phải trả khoản nợ chồng tôi đã vay mượn riêng không? Huỳnh Thu Thảo (Gia Lai)

 Luật sư Đặng Văn Sơn - VPLS Đặng Sơn và Cộng sự. Địa chỉ: Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội

Luật sư Đặng Văn Sơn - VPLS Đặng Sơn và Cộng sự. Địa chỉ: Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội

Luật sư trả lời: Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định, vợ chồng sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới trong các trường hợp: Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1, Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các Điều 24, 25 và 26 của Luật hôn nhân và gia đình 2014. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Cụ thể, Điều 24 - Luật Hôn nhân và gia đình quy định về căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng là: Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. Tiếp đến, vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Và vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.

Những khoản nợ riêng phát sinh không vì nhu cầu gia đình thì vợ (chồng) không có nghĩa vụ liên đới phải trả nợ (Ảnh minh họa)

Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định về quyền, nghĩa vụ của vợ chồng trong giao dịch dân sự. Theo đó, vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên. Ngoài ra, vợ chồng còn có các nghĩa vụ chung về tài sản. Đó là nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung…

Cũng theo quy định tại khoản 1, Điều 33 - Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản do một bên tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung nhưng không có quy định nào là cứ vay trong thời kỳ hôn nhân là nợ chung. Do vậy, những khoản nợ sẽ là nợ riêng của vợ hoặc chồng nếu thuộc những trường hợp: phát sinh trước thời kỳ hôn nhân; phát sinh từ trường hợp chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng; phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình và nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng. Ngược lại những khoản nợ sẽ là nợ chung của vợ, chồng nếu thuộc các trường hợp: phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; Một bên thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình và giao dịch của vợ hoặc chồng trong trường hợp là đại diện hợp pháp của bên kia…

Từ những phân tích trên, nếu bạn có đầy đủ căn cứ chứng minh khoản nợ gần 500 triệu đồng là của riêng chồng bạn thì bạn sẽ không có nghĩa vụ liên đới phải trả nợ.

ANTĐ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khong-phai-tra-no-thay-cho-chong-neu-tien-vay-khong-vi-muc-dich-gia-dinh-post449477.antd