Không phải ung thư, đây mới là căn bệnh đáng sợ nhất

Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng máu cung cấp cho một phần não bị gián đoạn hoặc giảm nặng khiến cho vùng não đó bị thiếu oxy và dinh dưỡng.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Theo các chuyên gia về đột quỵ, mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết. Nếu vùng tế bào não bị tổn thương nặng hoặc lan rộng, đột quỵ có thể đưa đến tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề về rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác,…Mỗi năm cả nước có khoảng 200 nghìn người bị tử vong do đột quỵ gần gấp đôi bệnh nhân tử vong do ung thư.

Thời gian gần đây liên tiếp các ca đột quỵ não đặc biệt về mùa đông nguy cơ tăng cơn đột quỵ càng nhiều.

Nhiều trường hợp trẻ mới ngoài 20 tuổi đã mắc đột quỵ não. Điều này hết sức đáng tiếc. TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trước đây đột quỵ não thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhưng ngày nay có khoảng 25% ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi.

Đột quỵ ở người trẻ đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động: Tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Đặc biệt đối với những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng “béo phì văn phòng”..

Theo TS Tuấn Anh có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não nhưng đột quỵ thường gặp ở những người bị đái tháo đường (nguy cơ gấp 4 lần so với người bình thường), tăng huyết áp (nguy cơ gấp 3 lần so với người bình thường), bệnh tim mạch (gấp 6 lần), rối loạn mỡ máu, những người béo phì, ít vận động, hút nhiều thuốc lá, lạm dụng rượu, chất gây nghiện như heroin, amphetamin,…

Lối sống công nghiệp đang là nguyên nhân gây ra đột quỵ não hiện nay. Đột quỵ não có hai dạng chảy máu não và tắc mạch máu não trong đó 80 – 85 % người bệnh bị tắc mạch máu não và chỉ 15 % đột quỵ do chảy máu não nhưng chảy máu não lại nguy hiểm hơn rất nhiều nhất là những người trẻ bị chảy máu não.

Tốt nhất phòng bệnh bằng cách không lạm dụng bia rượu. Không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích, chế độ ăn uống điều độ, hợp vệ sinh, cân đối các chất, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ, tập luyện thể dục hàng ngày, tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài.

Các triệu chứng đột quỵ thường bắt đầu đột ngột, bao gồm các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:
- Khó đi lại: Do mất cân bằng, yếu ớt hoặc chóng mặt.
- Khó giao tiếp: Người bệnh có thể không hiểu những gì người khác đang nói hoặc ngược lại - mất khả năng phát âm.
- Tê hoặc yếu ở một bên của cơ thể hoặc một bên mặt
- Mất phối hợp ở một bên của cơ thể: Yếu tay chân làm người bị đột quỵ không thể thực hiện một hành động thông thường hàng ngày vẫn làm được.
- Rối loạn thị lực: Có thể bao gồm giảm hoặc mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt.
- Đau đầu dữ dội: Nếu đau đầu xuất hiện đột ngột, nặng hoặc có liên quan đến ói mửa hoặc giảm ý thức thì có thể nghĩ tới đột quỵ.
- Co giật: Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến nhất của các cơn co giật đột nhiên xuất hiện ở người trên 50 tuổi không có tiền sử co giật trước đó.

Khánh Ngọc

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/khong-phai-ung-thu-day-moi-la-can-benh-dang-so-nhat-post323738.info