Không phải việc ngày một ngày hai

(HNM) - Để chỉnh trang bộ mặt Thủ đô trước ngưỡng cửa Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và từng bước đưa hoạt động quảng cáo (QC) vào nền nếp, UBND TP Hà Nội vừa ban hành "Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn" thay thế thẻ quy chế cũ. Liệu quy chế mới có là "cây gậy thần" dẹp loạn QC?

Ảnh: Thái Linh Nhiều điểm mới Bức tranh QC trên địa bàn Thủ đô lâu nay khá "nham nhở". Nguyên nhân thì có nhiều và một trong số đó, theo các nhà quản lý, là do chưa có sự phân công trách nhiệm quản lý rõ ràng; quy định cũ chưa bao quát hoạt động QC, do chưa có quy hoạch thống nhất. Quy chế QC mới ban hành có nhiều nội dung được đánh giá là khoa học và có tính khả thi. Chẳng hạn, lâu nay, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn thường đưa nội dung QC lên biển hiệu - vốn không cần phải xin phép - thì nay, quy chế mới có điều khoản quy định rõ: trên biển hiệu chỉ được thể hiện tên gọi, để mọi người biết cửa hàng đó bán gì; những biển hiệu có nội dung QC sẽ buộc phải tháo dỡ. Cũng theo quy chế mới, diện tích bề mặt QC tấm lớn ngoài khu vực vành đai III, được quy định thống nhất là 120m2 (cao 8m x dài 15m). Quy chế cũ cấm QC trên nóc nhà, nhưng theo quy chế mới thì cá nhân, tổ chức có thể thực hiện QC bằng biển đèn neon uốn chữ, nhưng không được QC bằng các hình thức khác - có thể che lấp nóc - mái nhà. Những khu vực hạn chế QC, trước đây chỉ được nêu chung chung thì nay đã có sự quy định rõ ràng hơn: chỉ được thực hiện biển QC có diện tích 20m2, hình thức đẹp, hiện đại... Có khả thi? Dĩ nhiên, bộ mặt đường phố Hà Nội, xét trên phương diện QC không thể có sự thay đổi ngay sau khi quy chế mới có hiệu lực. Điều đó lý giải tại sao dọc các tuyến phố lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Tôn Đức Thắng, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng... nhiều biển QC có kích thước lớn hơn quy định vẫn tồn tại trước cửa những ngôi nhà có mặt tiền nhỏ hơn 10m. Nằm trong danh sách các phố cấm QC, nhưng ngày 9-9 nhiều biển QC của các ngân hàng, các hãng điện thoại di động lớn vẫn phủ kín mặt tiền các tòa nhà trên đường Điện Biên Phủ. Trên tuyến phố Tôn Đức Thắng (đoạn đối diện Văn Miếu - Quốc Tử Giám), một tấm biển QC lớn có diện tích hàng chục mét vuông, màu đen, phủ kín cả mặt tiền một tòa nhà; bên cạnh đó là một cửa hàng kinh doanh ga, bếp ga với ba tấm QC bọc trọn ba mặt tòa nhà. Trên địa bàn thành phố, số biển hiệu có nội dung QC - trái quy định mới nhưng chưa được dỡ bỏ - thì nhiều không đếm xuể. Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, quy định về kích thước cũng như nội dung biển hiệu tại các văn bản đã ban hành trước đây chưa cụ thể và điều đó có thể là kẽ hở để các tổ chức, cá nhân thực hiện QC lộn xộn, gây mất mỹ quan đô thị. Ông Hòa cũng cho hay, trong tháng 9 này, các cơ quan chức năng sẽ kiên quyết tháo dỡ các biển QC, biển hiệu vi phạm quy định và tiến hành xử phạt nghiêm. Giải quyết vấn đề QC theo quy định mới không dễ thực hiện trong ngày một ngày hai. Theo nhận xét của Thanh tra Sở VH-TT&DL Hà Nội, doanh nghiệp QC có "trăm mưu ngàn kế" lách luật. Điển hình như hồi đầu tháng 3-2009, Thanh tra Sở đã phát hiện một công ty QC (có trụ sở tại đường Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội) giả mạo giấy phép để thực hiện hoạt động QC. Một "chiêu" khác của các doanh nghiệp là đăng ký trụ sở tại một địa điểm, sau mỗi lần dựng biển QC sai - trái phép lại âm thầm chuyển trụ sở hoặc thành lập doanh nghiệp mới và thay người làm chủ… Để quy chế QC mới đi vào đời sống, tạo hiệu quả sớm, cũng không phải là việc đơn giản, bởi ngay hệ thống văn bản pháp quy cũng chưa theo kịp diễn biến của hoạt động QC. Bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL Hà Nội) phân tích: Theo quy định tại Nghị định 56/CP, một số hành vi sai phạm trong hoạt động QC chỉ bị xử phạt hành chính mà không bị thu hồi giấy phép. Chính điều đó đã khiến nhiều doanh nghiệp QC "nhờn luật", còn cơ quan quản lý thì bó tay. Cụ thể trên địa bàn Phú Xuyên, cơ quan chức năng phát hiện có 5/47 biển QC tấm lớn được dựng lên bên cạnh đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đã hết thời hạn cho phép, hoặc sai phép, nhưng từ tháng 6 đến nay, UBND huyện không thể "sờ gáy" được đơn vị nào, bởi chính quyền huyện chỉ được xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu chủ doanh nghiệp "hợp tác" tháo dỡ. Chưa hết, số biển hiệu, bảng QC vi phạm quy định cần phải tháo dỡ trên địa bàn thành phố hiện nay là rất lớn, trong khi đội ngũ cán bộ, thanh tra văn hóa mỏng. Vì thế, để quy chế mới đi vào cuộc sống, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải có lộ trình tuyên truyền, thuyết phục; có chế tài đối với các chủ kinh doanh, doanh nghiệp QC, để họ tự điều chỉnh, sửa chữa biển, bảng QC trước khi cưỡng chế và xử phạt; đồng thời xác định rõ quyền hạn gắn với trách nhiệm cho các cấp quản lý. Chấn chỉnh hoạt động QC để tô điểm cho bộ mặt Thủ đô trước ngưỡng cửa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thật không dễ dàng, bởi sự lộn xộn kéo dài quá lâu. Nhưng sự xuất hiện của quy chế mới với những điều khoản chi tiết, có sức bao quát hơn quy định cũ và nhất là có sự quan tâm của lãnh đạo và các cơ quan quản lý của TP Hà Nội đối với vấn đề này, hy vọng việc thực hiện quy chế sẽ kết quả. Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/43/219871/