Không phải xa quê, công nhân Đắk Nông vẫn có việc làm ổn định

Không phải xa quê để tìm việc, nhiều người lao động tại Đắk Nông có việc làm ngay tại Khu Công nghiệp Tâm Thắng (Đắk Nông), với thu nhập ổn định, môi trường hiện đại. Nhiều công nhân có thu nhập lên đến 15 triệu đồng/tháng.

Hết cảnh ly hương đi làm thuê

Công ty Cổ phần bao bì Đại Lục, Khu Công nghiệp Tâm Thắng hiện có gần 600 công nhân đang làm việc tại các phân xưởng, 80% người lao động là người dân tỉnh Đắk Nông.

4 năm kể từ ngày đi vào hoạt động, Công ty Cổ phần bao bì Đại Lục không chỉ đóng góp cho ngân sách địa phương mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người, thay đổi cơ cấu lao động nông thôn và xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

Chị H’Nghim Gia, bon U3, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút gắn bó với phân xưởng may từ những ngày công ty mới được thành lập. Từ một người chỉ biết làm nương rẫy, chị H’Nghim Gia đã được học nghề, thành thạo với máy may và có thu nhập ổn định khoảng 9-10 triệu đồng mỗi tháng.

Sau 4 năm, từ một nông dân, chị H’Nghim Gia đã thành thạo với nghề may công nghiệp

Chị H’Nghim Gia chia sẻ: “Không chỉ có tôi vào đây làm công nhân, ở thị trấn Ea T’ling có rất nhiều người làm công nhân ở công ty. Mỗi ngày chúng tôi làm việc 8 tiếng, được công ty hỗ trợ bữa ăn trưa. Làm việc trong môi trường hiện đại, chế độ đãi ngộ phù hợp, sức khỏe của tôi cũng tốt hơn rất nhiều so với thời gian làm việc tự do trước đây”.

Ngoài người lao động của huyện Cư Jút, hiện nay Công ty Cổ phần bao bì Đại Lục có nhiều lao động đến từ huyện Đắk Mil, Krông Nô làm việc. Bên cạnh chế độ lương, thưởng như quy định của pháp luật, công ty có những chính sách đãi ngộ, khuyến khích người lao động tay nghề cao và năng suất vượt trội. “Hiện nay mức thu nhập dao động của công nhân là từ 7-13 triệu đồng/tháng. Thậm chí, có nhiều trường hợp đạt được mức thu nhập từ 14-15 triệu đồng/tháng. So với công việc nương rẫy hoặc làm thuê thời vụ, đây có thể coi là mức thu nhập cao đối với lao động phổ thông”, ông Nguyễn Mạnh Kha, Giám đốc Công ty Cổ phần bao bì Đại Lục thông tin.

Anh Đỗ Công Hưng, (thứ 2 từ trái qua) có công việc, thu nhập ổn định ngay tại quê nhà khi chọn làm việc tại Công ty Cổ phần Fine Robusta Việt Nam, Khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jút

Công ty Cổ phần Fine Robusta Việt Nam, Khu Công nghiệp Tâm Thắng hiện có các lao động là người địa phương làm việc. Là đơn vị chế biến cà phê với dây chuyền sản xuất hiện đại, người lao động của công ty phần lớn đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn và tay nghề cao. Anh Đỗ Công Hưng, xã Nam Dong, huyện Cư Jút chia sẻ: “Trước đây tôi làm việc cho một nhà máy đường tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk), sau khi biết Công ty Cổ phần Fine Robusta Việt Nam tuyển dụng kỹ sư công nghệ, tôi đã xin vào đây làm việc. Công việc phù hợp với chuyên môn, thu nhập đáp ứng nhu cầu nên chúng tôi rất yên tâm gắn bó với công việc, công ty”.

Rộng đường cho người lao động

Tại buổi làm việc mới đây với đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, các doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Tâm Thắng chia sẻ mong muốn giải quyết được thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. “Chúng tôi đã làm việc với các địa phương để thông báo rộng rãi nhu cầu tuyển dụng công nhân, thế nhưng kết quả không đạt như kỳ vọng. Nhiều người lao động không nắm được thông tin tuyển dụng hoặc người lao động còn e dè khi chuyển đổi môi trường làm việc, từ nông nghiệp sang công nghiệp”, Giám đốc Công ty Cổ phần bao bì Đại Lục Nguyễn Mạnh Kha nêu thực trạng hiện nay.

Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, động viên công nhân tại Khu Công nghiệp Tâm Thắng

Để thu hút người lao động, hiện nay các doanh nghiệp đang triển khai chính sách tuyển dụng những lao động chưa có tay nghề hoặc từ 40 tuổi trở xuống. Lao động sẽ được đào tạo nghề hoàn toàn miễn phí và được hỗ trợ tiền sản lượng trong thời gian đầu vào làm việc.

Ông Dương Việt Hùng, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Fine Robusta Việt Nam thông tin, dự kiến trong năm 2024, Công ty sẽ đưa vào vận hành hệ thống xát ướt và nhà máy chế biến sâu cà phê nên có nhu cầu tuyển dụng thêm người lao động. Trong quá trình làm việc, người lao động có thể tham gia các lớp đào tạo nghề nhằm nâng cao trình độ, cải thiện thu nhập. “Ngoài sản xuất, chế biến cà phê, công ty còn liên kết với các hiệp hội cà phê đặc sản và Viện Nghiên cứu cà phê thế giới CQI để đào tạo người lao động. Đây sẽ là nguồn lao động có trình độ chuyên môn, không chỉ phục vụ cho việc phát triển của công ty mà sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành hàng cà phê của tỉnh Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung”, ông Dương Việt Hùng cho biết thêm.

Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận người lao động tỉnh Đắk Nông vào làm việc

Trước những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị, trong thời gian tới, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND huyện Cư Jút tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để đưa thông tin tuyển dụng tới gần hơn với người lao động. Từ nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề theo địa chỉ việc làm, từ đó từng bước thay đổi cơ cấu lao động và giảm nghèo hiệu quả. “Bên cạnh công tác chăm lo tốt đời sống cho cán bộ, nhân viên, người lao động, các doanh nghiệp cũng cần có chính sách khuyến khích người lao động trực tiếp tham gia vào công tác tuyển dụng. Chính những công nhân đang làm việc tại nhà máy sẽ là minh chứng cụ thể về thu nhập và đời sống, góp phần thu hút lao động ngoài xã hội vào công ty làm việc”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông gợi ý về công tác tuyển dụng nhân sự.

Thanh Hằng

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/khong-phai-xa-que-cong-nhan-dak-nong-van-co-viec-lam-on-dinh-200497.html