Không quân chiến lược Mỹ suy giảm sức mạnh?

Theo Aviationist, việc Mỹ cho một loạt oanh tạc cơ B-1B Lancer nghỉ hưu đang khiến lực lượng Không quân chiến lược Mỹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mạnh.

Không quân Mỹ quyết định cho ngừng hoạt động các máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B Lancer.

Ở giai đoạn đầu, họ sẽ loại biên gần một phần ba số máy bay hiện có. Lầu Năm Góc dự kiến sẽ thay thế chúng bằng dòng máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới B-21 Raider, nhưng những chiếc máy bay này vẫn còn lâu mới được sản xuất hàng loạt.

Máy bay B-1B Lancer.

Máy bay B-1B Lancer.

Không quân Mỹ có tổng cộng 62 máy bay ném bom B-1B Lancer. Đến cuối năm 2021, dự kiến sẽ có tới 17 máy bay B-1B sẽ được Mỹ cho ngừng hoạt động.

Chiếc Lancer đầu tiên đã cất cánh từ Căn cứ Không quân Ellsworth ở Nam Dakota bay đến Nghĩa địa máy bay ở căn cứ quân sự Davis-Monthan, bang Arizona.

Hàng nghìn máy bay chiến đấu và máy bay ném bom đã ngừng hoạt động đang nằm rỉ sét ở nghĩa địa này. Nếu cần thiết, một số máy bay có thể được đưa trở lại hoạt động, một số thiết bị nằm đó chờ bán sắt vụn hoặc tháo dỡ những bộ phận nào còn sử dụng được.

Lầu Năm Góc lưu ý, các hoạt động hỗ trợ liên tục cho máy bay ném bom B-1 Lancer trong 20 năm qua đã làm hỏng cấu trúc khung thân do khai thác quá mức, các máy bay này đã được sử dụng tích cực trong các chiến dịch quân sự, đã thực hiện hàng nghìn lần xuất kích, chủ yếu là ở Trung Đông, mà những chiếc Lancer không phù hợp với các điều kiện khí hậu ở đó.

Theo ước tính của chỉ huy, việc bảo dưỡng những chiếc máy bay già cỗi nhất cần từ 10 đến 30 triệu USD. Sau khi loại biên một số chiếc máy bay, Không quân Mỹ sẽ chuyển hướng các nguồn lực được giải phóng cho 45 máy bay chiến lược còn lại. Chiếc B-1 cuối cùng sẽ ngừng hoạt động vào năm 2036.

Các vấn đề với tình trạng kỹ thuật của máy bay Lancer đã xuất hiện từ lâu. Vào năm 2019, Tướng không quân John Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ đã báo cáo với Thượng viện rằng, chỉ 6 oanh tạc cơ B-1B sẵn sàng chiến đấu! Do có nhiều trục trặc, Lầu Năm Góc đã đình chỉ các chuyến bay của tất cả các máy bay ném bom loại này.

Mặc dù vậy, B-1B hiện vẫn được coi là máy bay rất quan trọng. Phạm vi triển khai các máy bay này ngày càng mở rộng. Ví dụ, mới đây Lầu Năm Góc đã chuyển một phi đội Lancer đến Na Uy để một lần nữa phô trương sức mạnh và khả năng sẵn sàng chống lại Nga ở phía Bắc.

Mỹ đang cố gắng bằng mọi cách để kéo dài tuổi thọ của những máy bay chiến lược siêu thanh này.

Nếu không có chúng, Mỹ không có cách nào để đưa bom và tên lửa đến các khu vực xung đột - tình hình với các máy bay hạng nặng khác cũng không khá hơn là bao.

Hiện nay loại máy bay ném bom chính của Không quân Mỹ vẫn là B-52, loại máy bay cất cánh lần đầu vào năm 1952. Trong số 744 chiếc được chế tạo từ trước tới nay, hiện chỉ còn 76 chiếc B-52H được nâng cấp vẫn còn được sử dụng.

Chúng không còn khả năng vượt qua hệ thống phòng không hiện đại, tuy nhiên chúng vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng cho đến năm 2040 và được trang bị các loại tên lửa tầm xa và bom định hướng.

Trong khi đó, với số oanh tạc cơ B-1B Lancer còn lại cũng không còn được trang bị vũ khí hạt nhân như khi mới ra đời. Như vậy, máy bay ném bom tàng hình B-2 là loại vũ khí duy nhất có thể xâm nhập và đánh bom tầm xa mà Mỹ đang có.

Vốn là loại phi cơ đắt tiền, Không quân Mỹ chỉ có 20 chiếc và đã từng bị tổn thất khi một phi cơ B-2 bị rơi trong một tai nạn gần đảo Guam. Lực lượng này chỉ có thể điều động một số lượng giới hạn B-2 và việc mất một phi cơ cũng sẽ giảm khả năng chiến đấu một cách đáng kể.

Theo Cục Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), chỉ có 16 chiếc B-2 được coi là đủ khả năng tham chiến. Trong số này, khoảng 9 chiếc có thể sẵn sàng được điều động. Con số này còn tiếp tục giảm khi tính cả những chiếc được sử dụng cho mục đích huấn luyện, và thực tế một sĩ quan cấp cao của Không quân Mỹ cho biết số máy bay B-2 thực sự có thể sử dụng chỉ có 6 chiếc. Số còn lại đều được lưu kho để bảo dưỡng.

Mặc dù Không quân Mỹ tiếp tục đầu tư thêm tiền mặt để nâng cấp B-2 và giúp nó có thể tiếp tục hoạt động cho đến năm 2058, công nghệ có trên máy bay này đã bắt đầu có tuổi. Công nghệ tàng hình đã có những bước tiến dài kể từ khi B-2 được thiết kế vào cuối thập niên 1970. Hơn nữa, nhiều thiết bị trên máy bay ngày càng trở nên lỗi thời trong suốt chiều dài hoạt động của máy bay này, trong đó có cả hệ thống động cơ.

Cựu Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng Norton Schwartz phát biểu rằng B-2 đang dần mất khả năng thâm nhập vào vùng không phận của đối phương. "Công nghệ mà các loại máy bay này đang có thực tế đã có những năm 1980. Một thực tế hiển nhiên đó là B-2 đang mất dần khả năng sống sót trên chiến trường", tướng Mỹ thừa nhận.

Tiếp theo những quan ngại của Mỹ về thực trạng máy bay B-2, giới chuyên gia Nga đã tiến hành phân tích cả về mặt số lượng và chất lượng của những chiếc B-2 cùng với những kịch bản sử dụng loại máy bay này cho các nhiệm vụ khác nhau. Đầu tiên, giới chuyên gia Nga đã xem xét tới lịch sử ứng dụng các loại máy bay tầm xa trong xung đột hạt nhân truyền thống để xem chúng được sử dụng như thế nào và hiện đã có những thay đổi ra sao.

Trước khi Liên Xô tan rã, B-2 được người Mỹ chế tạo nhằm mục đích tiêu diệt các mục tiêu cố định với tọa độ xác định từ trước. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô chế tạo và triển khai các tổ hợp tên lửa Topol vào năm 1985, chương trình B-2 đã được Mỹ điều chỉnh để trở thành "thợ đốn gỗ" đối với các tổ hợp Topol.

Về mặt ý tưởng, Mỹ dự kiến sẽ triển khai trên quỹ đạo một cụm vệ tinh kiểu KH-11 và KH-12 với khả năng phát hiện các mục tiêu kích thước nhỏ sát với thời gian thực. Cụm vệ tinh này được sử dụng để trinh sát phục vụ cho hoạt động của B-2 trên lãnh thổ Nga. Cụm vệ tinh sẽ tìm kiếm và chuyển tọa độ các mục tiêu về theo thời gian thực.

Người Mỹ cho rằng việc tiêu diệt các tổ hợp Topol sẽ bảo đảm an toàn cho họ trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án này sau đó đã làm nảy sinh nhiều vấn đề. Ngay trong năm 1980, các đánh giá phân tích về triển vọng phát triển phòng không của Liên Xô đã cho thấy khả năng các máy bay của Mỹ sẽ bị phát hiện và tiêu diệt bởi các hệ thống tên lửa phòng không và máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31.

Chính vì thế, người Mỹ đã phải bảo đảm cho B-2 khả năng thực hiện các chuyến bay thấp kéo dài. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ đã tiến hành điều chỉnh kịch bản sử dụng B-2. Theo đó, số lượng B-2 cũng được giảm đi so với kế hoạch ban đầu. Chính vì thế, việc thực hiện đòn tấn công vào Topol đã mất đi ý nghĩa bởi khi một số lượng Topol nào đó bị tiêu diệt (không phải toàn bộ) chắc chắn sẽ kích hoạt số còn lại.

Do đó, người Mỹ không thể tấn công hạt nhân một chiều, ngay cả trong trường hợp họ đã tiêu diệt được các tên lửa cố định và các tên lửa khác thuộc bộ ba hạt nhân của Nga. Trong khi đó, Mỹ hiện chỉ có 2 vệ tinh KH-11 trên quỹ đạo. Số lượng vệ tinh như vậy không đủ để Mỹ bao quát dù chỉ là 1/60 lãnh thổ Nga, nơi triển khai các tổ hợp tên lửa Topol theo hiệp ước START 1. Một khi căng thẳng leo thang, lẽ tự nhiên là người Nga sẽ mở rộng các khu vực bố trí tên lửa.

Trước đây, việc Mỹ sử dụng B-2 trong cuộc chiến Nam Tư cũng đã bộc lộ những vấn đề về xác định mục tiêu. Thời gian để B-2 xử lý và phản ứng đối với các thông tin về mục tiêu là quá lâu. Khi B-2 bay đến khu vực mục tiêu đã định sau khi xử lý dữ liệu thì các mục tiêu đã kịp di chuyển. Việc xác định mục tiêu của B-2 cũng thường xuyên gặp sai sót.

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, B-2 sẽ được sử dụng chủ yếu để tiêu diệt các mục tiêu cố định. Loại máy bay này không có khả năng thực hiện các nhiệm vụ khác do khả năng bảo đảm yếu từ các vệ tinh trên quỹ đạo và do bản thân B-2 có số lượng ít. Không những thế, ý kiến cho rằng B-2 có thể bay tự do trong khu vực phòng không của Nga là hoàn toàn vô căn cứ.

Thực tế việc ứng dụng B-2 cho thấy đi cùng loại máy bay tàng hình này là rất nhiều các loại máy bay khác như Е-3, Е-8, ЕА-6В và F-15. Chính vì vậy, tính năng tàng hình là vô tác dụng.

Người Mỹ cũng đã từng coi B-2 là máy bay tấn công (khác với ném bom). Đó là vào những năm 2000, Mỹ có tính tới khả năng sử dụng B-2 để tiêu diệt các cụm xe tăng của đối phương. Theo tính toán, mỗi lần cất cánh, B-2 có khả năng tiêu diệt tới 350 xe tăng của đối phương bằng bom có điều khiển SDB.

Tuy nhiên, việc sử dụng B-2 cho nhiệm vụ này rất nguy hiểm khi nó có thể trở thành mục tiêu của tiêm kích và các hệ thống tên lửa phòng không. Cái giá của một chiếc B-2 bị bắn hạ sẽ đắt hơn toàn bộ số xe tăng mà nó tiêu diệt được, kể cả loại tăng hiện đại nhất là T-90.

Các chuyên gia Nga cũng đặt ra các trường hợp khi B-2 được sử dụng kết hợp với các loại máy bay khác mà Mỹ hiện có như B-52, F-22 hay B-1B. Trong trường hợp B-2 được sử dụng kết hợp với B-1B, B-2 sẽ khoan thủng hệ thống phòng không bằng tên lửa AMG-88. Sau đó, B-1B sẽ tiêu diệt các mục tiêu chính bằng các loại bom đạn phi hạt nhân (không phải bom hạt nhân).

Nếu kết hợp B-2 với B-52 thì người Mỹ sẽ gặp nhiều rắc rối với B-52 bởi "cựu binh" này không có nhiều chế độ hoạt động. Còn nếu sử dụng B-2 kết hợp với F-22, người Mỹ lại gặp rắc rối do tầm bay hạn chế của F-22. Để khắc phục vấn đề này, Mỹ có thể sử dụng các máy bay tiếp liệu cho F-22, song khi đó chúng có thể trở thành bia tập bắn cho hệ thống phòng không.

Dù với phương án nào thì việc sử dụng một số lượng lớn các máy bay hộ tống và bảo đảm khi tác chiến sẽ khiến cho B-2 chỉ tương đương với một chiếc máy bay ném bom cổ điển. Không quân Mỹ từ chối mua thêm B-2 dù được giảm giá là minh chứng cho thấy cuối cùng họ đã nhận ra kết quả không như tính toán.

Với các hệ thống phòng không của Nga thì ngay cả với S-300 hiện nay, các máy bay tàng hình của Mỹ cũng không thể vượt qua, chứ chưa nói tới S-400 và các hệ thống khác.

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/khong-quan-chien-luoc-my-suy-giam-suc-manh-3428619/