Không quản được thì cấm?

Thực sự đáng tiếc, nếu Hà Nội và các ngành chức năng, không thể tìm ra một giải pháp hữu hiệu để phố cà phê đường tàu có thể trở thành một điểm đến.

Ảnh minh họa/INT

Sáng 15/9 vừa rồi, lực lượng chức năng phường Hàng Bông (Hoàn Kiếm) đã dựng rào chắn lối vào đoạn đường sắt từ đường Trần Phú đến Phùng Hưng, khép lại địa danh mà dân du lịch gọi là phố cà phê đường tàu ở Hà Nội.

Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, trong số 15 cơ sở kinh doanh cà phê đường tàu, 11 điểm đã phải tạm đóng cửa do không đảm bảo đúng quy định và giấy phép kinh doanh. 100% cơ sở vi phạm giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Lực lượng chức năng, trực từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm mỗi ngày, sẽ tuyên truyền, nhắc nhở người dân và du khách tạm thời không vào khu vực này trong thời gian đợi giải pháp giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải.

Đây không phải là lần đầu tiên, phố cà phê đường tàu được nhắc đến. Từ năm 2018, các cơ sở kinh doanh cà phê đã xuất hiện tại khu vực này và trở thành điểm check-in thu hút không chỉ giới trẻ mà còn đông đảo du khách nước ngoài.

Đoạn phố bám theo đường tàu dài chừng 2km này làm nhiều người so sánh với “chợ đường tầu” Maeklong ở Thái Lan. Khu vực chợ này đã có tuổi đời hơn 100 năm và được nhiều tạp chí du lịch nước ngoài gọi là “khu chợ nguy hiểm nhất thế giới”. Tuy nhiên, du khách đặc biệt thích lui tới bởi muốn chứng kiến tận mắt nhịp sống, buôn bán của người bản địa.

Trước nguy cơ mất an toàn, tháng 10/2019, Hà Nội đã yêu cầu xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt, ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt.

Hoạt động ở đoạn phố này lắng xuống do bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, cùng với đà phục hồi của đời sống kinh tế - xã hội, phố cà phê đường tàu lại “hồi sinh”, mạnh mẽ đến mức Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải đưa ra kiến nghị “xóa sổ” mô hình kinh doanh này.

Tranh luận lập tức bùng lên giữa bên ủng hộ quyết định của chính quyền sở tại và bên kia, tất nhiên là không đồng tình.

Bên thì cho rằng Hà Nội không thiếu gì cảnh đẹp, không nhất thiết phải có cà phê đường tàu mà an toàn vẫn phải là yếu tố quan trọng nhất.

Bên kia lại bảo, tới thời điểm này, cà phê đường tàu vẫn an toàn, chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào vì các chủ quán đều có ý thức nhắc nhở, cảnh báo khách mỗi khi có đoàn tàu chạy qua. Lợi ích mà cà phê đường tàu mang lại là rất lớn: Người dân có thu nhập, du khách có chỗ check-in trải nghiệm, chưa kể còn kích thích sự tò mò khám phá về các tuyến du lịch bằng tàu hỏa…vv và vv…

Một luồng ý kiến khác, bàng quan hơn, theo kiểu: Có gì lạ đâu? Không quản được thì cấm ấy mà!

Bài toán cân bằng giữa du lịch và phát triển sẽ luôn là thách thức cho giới chức ở khắp mọi nơi. Sẽ thực sự đáng tiếc, nếu Hà Nội và các ngành chức năng, không thể tìm ra một giải pháp hữu hiệu để phố cà phê đường tàu có thể trở thành một điểm đến lung linh hơn nữa trong lòng giới du khách trong nước và quốc tế. Bởi nói thế thôi, chứ Hà Nội, tìm được những nơi mang lại cảm giác gần gũi pha chút hồi hộp, kích thích như thế, đâu phải dễ!

Vĩnh An

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khong-quan-duoc-thi-cam-post608379.html