Không quân Nga tiếp tục sử dụng 'chiến thuật Surovikin' ở Ukraine

Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga đã tăng cường sử dụng bom lượn có điều khiển và tên lửa tấn công khắp lãnh thổ Ukraine bằng 'chiến thuật Surovikin'.

Vào ngày 26/9 trên kênh Telegram Fighterbomber cá nhân, phi công quân sự Nga đã nghỉ hưu Ilya Tumanov đã viết: “Gần đây, Không quân Nga tăng cường sử dụng bom lượn với các mô-đun hiệu chỉnh (UMPC) ở tất cả các cỡ trên khắp chiến trường Ukraine”.

Phi công Tumanov cho biết, việc lực lượng không quân Nga tăng cường sử dụng bom lượn có điều khiển là do một số yếu tố. Đầu tiên là việc triển khai sản xuất hàng loạt UMPC; đây là một thiết bị được chế tạo tương đối đơn giản so với trình độ công nghệ của Nga.

Hiện nay, việc sử dụng bom lượn có điều khiển ở trên khắp các chiến trường của Không quân Nga được tiến hành thường xuyên; thậm chí thiết bị mô-đun UMPC cho bom hàng không nặng 1.500 kg, cũng đã được Nga bắt đầu sử dụng trên thực chiến.

Phi công Tumanov cũng giải thích việc hạn chế sử dụng bom lượn có điều khiển của Không quân Nga trong thời gian vừa qua, là do chỉ có máy bay tiêm kích bom Su-34 và máy bay chiến đấu Su-35 mới sử dụng được loại bom này.

Trong thời gian sắp tới, các loại máy bay có thể mang bom của Không quân Nga như tiêm kích bom như Su-24M và cường kích mặt đất Su-25M2 cũng có thể sử dụng được bom lượn có điều khiển. Việc thay đổi tọa độ mục tiêu ngay trong chuyến bay cũng được thực hiện dễ dàng, thay vì chỉ nạp tọa độ mục tiêu trước chuyến bay như trước.

Ngoài ra chiến thuật sử dụng bom lượn có điều khiển của Không quân Nga cũng dần hoàn thiện. Việc huấn luyện phi công sử dụng bom lượn có điều khiển cũng dễ dàng hơn so với việc thả bom thường; phi công Tumanov cho biết thêm.

Phi công Tumanov miêu tả, để có thể thả bom thường chính xác trúng mục tiêu, thì phi công phải thực hiện động tác bổ nhào trên đầu khu vực mục tiêu ở độ cao từ 250-500 m, với tốc độ máy bay là 1 nghìn km/h, điều khiển máy bay bám theo địa hình rồi nhằm mục tiêu cắt bom.

Phi công Tumanov giải thích, việc thả bom thường bằng phương pháp bay thấp như vậy mới bảo đảm độ chính xác và không quân Nga hiện nay chỉ có khoảng một chục phi hành đoàn và chỉ một số phi công Nga có thể làm được điều này vào ban đêm.

Tuy nhiên trong điều kiện phòng không tầm thấp rất mạnh của Ukraine, việc bay thấp cắt bom thường là hành động rất nguy hiểm. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều máy bay chiến đấu của Không quân Nga bị tên lửa phòng không mang vác vai (MANPAD) của Ukraine bắn rơi.

Khi những quả bom thường được trang bị bộ cánh lượn và mô-đun hiệu chỉnh UMPC, thì ngay cả những phi công vừa mới tốt nghiệp ra trường cũng có thể sử dụng bom để tấn công mục tiêu một cách chính xác, vì việc cần làm nhất của phi công là nạp tọa độ vào bom và bay đến khu vực quy định, lấy độ cao và thả bom; đó chắc chắn là công việc dễ dàng với mọi phi công.

Phi công Tumanov cũng chỉ ra rằng, các nhân viên kỹ thuật mặt đất tại các sân bay quân sự của Nga cũng đã thành thạo trong việc làm chủ loại vũ khí này và giờ đây việc lắp mô-đun UMPC vào bom và làm công tác kiểm tra, thường mất ít thời gian hơn nhiều so với trước đây.

Ngoài ra, sự cải tiến không ngừng của mô-đun UMPC dưới dạng nâng cấp phần mềm, bổ sung khả năng nhập tọa độ mục tiêu trên không bất kỳ lúc nào; khiến các phương pháp tấn công của Không quân Nga ngày càng linh hoạt hơn.

Một chiếc Su-34 của Không quân Nga trong một lần xuất kích, có thể mang được 8 quả bom loại 500 kg (FOB-500); với sự hoàn thiện về kỹ thuật và chiến thuật, số bom trong một lần xuất kích của một chiếc Su-34, chắc chắn sẽ tăng thêm tính hiệu quả của lực lượng Không quân Nga.

Trong khi đó, để trả đũa các cuộc tấn công bằng tên lửa vào bán đảo Crimea, lực lượng hàng không vũ trụ Nga tiếp tục “chiến thuật của Surovikin”. Ngày 21/9, đòn tấn công được đánh giá là mạnh nhất trong thời gian qua, đã giáng vào cơ sở hạ tầng quân sự Ukraine.

Tờ CNN của Mỹ đưa tin, một làn sóng không kích mới đã bắt đầu, tương tự như đợt không kích vào mùa đông năm ngoái. Hơn nữa, khả năng đánh chặn của lực lượng phòng không Ukraine đã suy giảm; mặc dù trong thời gian qua, họ đã nhận được một số lượng lớn các hệ thống phòng không từ khắp nơi trên thế giới.

Sau những làn sóng tấn công tên lửa lớn của Không quân Nga, 5 khu vực phía Tây, miền Trung và miền Đông Ukraine đã bị mất điện. Theo nhà điều hành mạng Ukrenergo, cuộc tấn công ngày 21/9 là cuộc tấn công đầu tiên sau sáu tháng, mục tiêu bao gồm cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine.

Trong cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV tự sát của Nga, kéo dài từ ngày 10/10/2022 đến ngày 9/3/2023, các loại tên lửa Kinzhal, Kalibr, Kh-22, Kh-55, Kh-101, tên lửa phòng không S-300 chuyển sang tấn công mặt đất cũng như UAV tự sát Geran-2… đã ồ ạt tấn công toàn bộ lãnh thổ Ukraine; nhất là hệ thống năng lượng điện.

Chuyên gia quân sự Patrick Bolder từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague trong một cuộc phỏng vấn với trang BNR Nieuwsradio của Hà Lan cho biết: “Chúng tôi tin rằng người Nga có thể hành động chính xác đến từng chi tiết”. Đây là nhận xét của Bolder về cuộc tấn công của tên lửa Nga, đã phá hủy hai cảng trên sông Danube là Ismail và Reni.

Tuy nhiên phi công Tumanov cũng cảnh báo, việc sử dụng bom lượn có điều khiển và tên lửa của lực lượng Không quân Vũ trụ Nga tại chiến trường Ukraine có thể sớm kết thúc và về số 0. Ngày mà phương Tây sẽ tìm ra cách ngăn chặn các tín hiệu điều chỉnh từ các vệ tinh.

Nhưng hiện giờ Ukraine vẫn chưa thể ngăn chặn tín hiệu vệ tinh và bom lượn UMPC, tên lửa và UAV Geran-2 của Nga sẽ tiếp tục bay chính xác trong một thời gian nữa. Nhưng ngay từ bây giờ, theo phi công Tumanov, Nga phải tính xem Không quân Nga sẽ chiến đấu như thế nào khi Ukraine làm chủ công nghệ gây nhiễu tín hiệu vệ tinh.

Nga cần dành thời gian này để “chỉnh đốn” lại lực lượng pháo binh vốn đã rất mệt mỏi sau hơn 500 ngày chiến đấu và nghiên cứu các hệ thống định vị tự động cũng như vũ khí tấn công giá rẻ, nhỏ gọn và nhẹ; phi công Tumanov kết luận.

Tiến Minh (theo CNN, Svpressa)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/khong-quan-nga-tiep-tuc-su-dung-chien-thuat-surovikin-o-ukraine-1905119.html