Không quân Syria tổn thất nặng nề, tính mua chiến cơ hạng nhẹ của Trung Quốc

Từ một quốc gia có lực lượng không quân đứng tốp đầu trong khu vực, không quân Syria đã chịu nhiều tổn thất nặng nề do cuộc nội chiến và đến thời điểm hiện tại, không quân Syria chỉ còn là cái bóng của chính họ.

Vào ngày 27/2 vừa qua, Không quân Syria đã xuất kích 4 máy bay, trong số máy bay chiến đấu ít ỏi còn lại của họ, để tiến hành một cuộc không kích vào một căn cứ đóng quân của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Idlib trên lãnh thổ Syria.

Cuộc không kích của quân đội Syria đã không gặp bất kỳ sự ngăn cản của lực lượng phòng không nào của Thổ Nhĩ Kỳ; chỉ với những máy bay chiến đấu MiG-21, sử dụng rốc két và bom thông thường, nhưng đã làm 33 binh sĩ thiệt mạng, hơn 30 người khác bị thương, phá hủy nhiều vũ khí; trận tiến công đã gây sốc cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành trả đũa, bắn rơi 4 máy bay chiến đấu của Quân đội Syria. Hiện nay không quân Syria vẫn còn một số máy bay cường kích bom Su-22 tại sân bay Dumel; nhưng do thiếu phụ tùng thay thế, các máy bay chiến đấu này đã không thể cất cánh.

Để khôi phục khả năng chiến đấu của lực lượng Không quân, Quân đội Syria đã bắt đầu tìm mua máy bay chiến đấu hạng nhẹ; do mục tiêu của không quân Syria là quân khủng bố và quân nổi dậy, do vậy chỉ cần máy bay chiến đấu hạng nhẹ vẫn đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Theo tin tức từ Đài phát thanh Damascus của Syria, do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận miệng với nhau; trước mắt, Nga sẽ giữ thái độ trung lập về vấn đề Idlib và sẽ không bán vũ khí có tính năng tiến công và phòng thủ tầm xa như máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không cho Syria.

Hiện 2 đối thủ chính của Syria đó là Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đều được trang bị máy bay chiến đấu F-16 tiên tiến và ngân sách quân sự của Syria tương đối hạn chế, nên họ đã quyết định tìm mua máy bay chiến đấu hạng nhẹ có thể cạnh tranh với F-16.

Hiện tại, loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ mà Syria cần không phải là hiếm, có rất nhiều loại để lựa chọn như máy bay chiến đấu LCA của Ấn Độ hoặc FA-50 của Hàn Quốc, nhưng hai loại máy bay chiến đấu này đều sử dụng động cơ của Mỹ, nên Syria không thể mua được.

Máy bay chiến đấu JF-17 liên doanh giữa Trung Quốc và Pakistan không được trang bị bất kỳ thiết bị nào của Mỹ và việc mua máy bay chiến đấu này của Syria sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Pakistan với tư cách là một trong những bên đầu tư phát triển JF-17, đương nhiên có quyền từ chối bán loại máy bay này cho Syria.

Lý do Pakistan ngăn cản không bán máy bay JF-17 cho Syria đó là do Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ khăng khít, có thể được mô tả là "sự phụ thuộc".

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên công khai ủng hộ Pakistan về vấn đề Kashmir và đã giúp Pakistan nâng cấp hơn 40 máy bay chiến đấu F-16 với giá cực thấp. Pakistan cũng đã đặt mua 36 trực thăng vũ trang T-129 ATAK, 4 tàu khu trục từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được coi là một trong những đơn hàng xuất khẩu thiết bị quốc phòng lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài máy bay chiến đấu JF-17, còn một loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ mà không quân Syria có thể lựa chọn đó là Guizhou JL-9, được thiết kế dựa trên nguyên mẫu JJ-7 (bản sửa đổi từ tiêm kích huấn luyện MiG-21U của Không quân Liên Xô).

JL-9 được thiết kế và sản xuất bởi Tổng Công ty Công nghiệp máy bay Quý Châu (GAIC). Ưu điểm của JL-9 là được trang bị động cơ phản lực tương đối khỏe, cho phép đạt tốc độ siêu âm; đi kèm với khả năng thao diễn khá linh hoạt và thiết bị điện tử hàng không tiên tiến, vì vậy khi cần thiết nó hoàn toàn đủ khả năng đảm nhiệm vai trò của một chiếc chiến đấu cơ đích thực.

Hiện tại, Không quân Sudan đã được trang bị máy bay chiến đấu này, với sự cấm vận như hiện nay và việc Trung Quốc vũ khí ít kèm điều kiện chính trị, thì JL-9 là loại máy bay chiến đấu mà không quân Syria có thể được trang bị.

Video Nga tăng cường bộ ba không quân chiến lược tầm xa tại Syria - Nguồn: VTC14

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/khong-quan-syria-ton-that-nang-ne-tinh-mua-chien-co-hang-nhe-cua-trung-quoc-1348946.html