Không quy định 'cứng' thời hiệu tố cáo: Tránh xung đột pháp luật

Để bảo đảm tính đồng bộ, tránh xung đột pháp luật, trong dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) mới nhất đang được lấy ý kiến, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Thanh tra Chính phủ - cơ quan soạn thảo thống nhất đề nghị không quy định thời hiệu tố cáo…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: TN

Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm xác định thời hiệu

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, bản chất của tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật, giúp cơ quan Nhà nước phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật và khắc phục hậu quả (nếu có) để khôi phục, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

“Không thể buộc từng cá nhân phải xác định xem có còn thời hiệu hay không trước khi quyết định thực hiện quyền tố cáo. Việc cân nhắc, đánh giá về tính chất, mức độ nghiêm trọng, chế tài xử lý đối với hành vi bị tố cáo phải là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước”, ông Định nói.

Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng không quy định về thời hiệu tố giác, tin báo tội phạm nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia tích cực vào đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật.

Do đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Luật Tố cáo không nên quy định về thời hiệu tố cáo, mà chỉ nên quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền không thụ lý đối với tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm.

Tại kỳ họp 4 vừa qua, dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) trình ra Quốc hội vẫn đề xuất phương án quy định thời hiệu tố cáo.

Theo đó, thời hiệu tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là 5 năm, thời hiệu tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực quản lý Nhà nước là 3 năm kể từ ngày có hành vi vi phạm. Tố cáo được thực hiện sau thời hiệu nói trên thì cơ quan có thẩm quyền không xem xét, thụ lý, giải quyết.

Tuy nhiên, qua thảo luận và kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến đề nghị không nên quy định thời hiệu tố cáo trong dự thảo Luật. Ý kiến khác lại đề nghị có quy định thời hiệu tố cáo trong Luật này, nhưng cần làm rõ cơ sở để xác định thời hiệu là 3 năm hay 5 năm hoặc cần kéo dài hơn thời hiệu này để ngăn ngừa nguy cơ bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm.

Với tinh thần đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Thanh tra Chính phủ thống nhất đề nghị, bỏ quy định về thời hiệu tố cáo tại dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vừa qua; đồng thời bổ sung vào dự thảo luật quy định về điều kiện thụ lý theo hướng: hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo phải còn thời hiệu xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời hiệu xử lý: Hành chính khác, dân sự khác, hình sự khác

Bày tỏ quan điểm đồng tình, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong nhiều trường hợp, người tố cáo không thể xác định được tính chất hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi nhóm nào, có còn thời hiệu hay không.

“Luật chuyên ngành đã quy định thời hiệu xử lý các hành vi vi phạm pháp luật rồi từ Luật Cán bộ, công chức, Luật Xử lý vi phạm hành chính đến Luật Hình sự, Luật Dân sự… Nếu quy định thời hiệu tố cáo trong Luật Tố cáo nữa sẽ tạo ra xung đột pháp luật”, bà Ngân nêu.

Thời hiệu xử lý đối với mỗi loại hành vi vi phạm pháp luật đều đã được pháp luật quy định và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tố cáo.

Như Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức đã quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, trừ một số trường hợp vi phạm hành chính trong các lĩnh vực như kế toán, thuế, phí, lệ phí thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng cũng cho rằng, nếu chúng ta quy định thời hiệu để công dân báo với Nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật này, vi phạm pháp luật kia sẽ dẫn đến mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.

“Không nên quy định thời hiệu tố cáo. Khi người dân tố cáo, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Nhà nước xem xét hành vi đó có còn thời hiệu để truy cứu trách nhiệm pháp lý nữa hay không. Hành chính khác, dân sự khác, hình sự khác, khi ấy cơ quan sẽ trả lời, thông báo cho người dân biết. Chứ người dân làm sao biết thời hiệu của cái này hay cái kia để căn cứ vào thời hiệu để tố cáo hay không tố cáo”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/khong-quy-dinh-cung-thoi-hieu-to-cao-tranh-xung-dot-phap-luat_t114c1160n130960