'Không quyết liệt, không đồng bộ, không tạo áp lực từ trên xuống thì không ai muốn cải cách'

Sáng ngày 17/8/2018, Văn phòng Chính phủ đã công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI 2018), dựa trên nền tảng phân tích những thành tựu cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ trong những năm qua và xác định dư địa cải cách cho tám nhóm thủ tục hành chính quan trọng cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương: Nhìn nhận hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính Cải cách hành chính với mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính Bộ Công Thương: Triển khai chấm điểm chỉ số cải cách hành chính Doanh nghiệp ghi nhận nỗ lực cải cách hành chính của Bộ Công Thương

Nhận diện chi phí tuân thủ 8 nhóm thủ tục

APCI 2018 được xây dựng, nhằm đánh giá chi phí tuân thủ của doanh nghiệp để thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) tại các cơ quan quản lý nhà nước, qua đó xác định những nhóm TTHC đã và đang là gánh nặng về chi phí của doanh nghiệp. APCI 2018 có thể được sử dụng như một trong những thước đo về hiệu quả của những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính ở cấp trung ương (cấp ban hành chính sách) và làm cơ sở để thực hiện cải cách TTHC ở cấp địa phương (cấp thực thi), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo

APCI 2018 gồm hai chỉ số thành phần, phản ánh hai loại chi phí chủ yếu mà doanh nghiệp sẽ phải chi trả khi thực hiện TTHC. Đó là: chi phí thời gian (thông qua đo lường về thời gian vật chất cần thiết của mỗi doanh nghiệp kể từ khi bắt đầu tìm hiểu về TTHC cho đến khi hoàn tất việc thực hiện TTHC theo quy định hiện hành) và chi phí trực tiếp mà doanh nghiệp phải chi trả bằng tiền trong suốt quá trình thực hiện TTHC để nhận được kết quả.

Báo cáo đánh giá chi phí tuân thủ TTHC của việc thực hiện “chuỗi” những TTHC trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gồm: Khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh; đầu tư; đất đai; xây dựng; môi trường; thuế; hải quan. Khảo sát được đánh giá trên phạm vi toàn quốc với 480.702 đơn vị thông tin, 20.397 mẫu thực hiện TTHC cùng phản hồi của trên 3.000 doanh nghiệp.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - giới thiệu kết quả khảo sát

Kết quả khảo sát cho thấy, nhóm TTHC thuế có chi phí tuân thủ thấp nhất là 73,75 nghìn đồng. Trong đó, thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục trong nhóm thủ tục này chỉ là 2,9 giờ làm việc. Xếp thứ hai là nhóm TTHC khởi sự kinh doanh/đăng ký kinh doanh với chi phí tuân thủ là 720,7 nghìn đồng trong khi thời gian thực hiện là 10,5 giờ làm việc của doanh nghiệp. Xếp thứ ba là nhóm TTHC có chi phí tuân thủ là 3,5 triệu đồng và thời gian là 12,1 giờ. Xếp thứ tư là nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đai với chi phí 4,9 triệu đồng va số giờ là 84,9. Xếp thứ năm là nhóm TTHC liên quan đến giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh với chi phí 5,2 triệu đồng và số giờ cần làm là 80,8 giờ. Xếp thứ sáu là nhóm TTHC liên quan đến đầu tư với chi phí là 7,9 triệu đồng và số giờ thực hiện là 125,4 giờ. Xếp thứ bảy là nhóm TTHC liên quan đến môi trường với chi phí là 46,8 triệu đồng và số giờ thực hiện là 218,4 giờ. Xếp cuối cùng là nhóm TTHC liên quan đến xây dựng với chi phí tuân thủ là 64,1 triệu đồng. Dù về chi phí thời gian, nhóm thủ tục này không nằm ở mức cao nhất (108,9 giờ làm việc) nhưng chi phí trực tiếp cao vượt trội đã làm nhóm thủ tục này trở nên “đắt đỏ” nhất trong bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018.

Theo ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - các chỉ số về chi phí trên bao gồm cả những chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải bỏ ra. “Khảo sát cho thấy các bước tiếp cận tìm hiểu hồ sơ, chuẩn bị hồ sơ rồi chỉnh sửa hồ sơ cũng như tìm hiểu thông tin chiếm hơn 55% thời gian của doanh nghiệp. Điều này cho thấy cho thấy các dư địa cải cách TTHC còn rất lớn” - ông Ngô Hải Phan nhìn nhận.

APCI 2018 chỉ ra rằng, chi phí thực hiện cùng một thủ tục có sự khác biệt giữa các địa phương. Ví dụ, về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình trên cả nước. Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc.

Đại diện Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa phát biểu tại lễ công bố Ảnh: Báo điện tử chính phú

Cần có quyết tâm cụ thể trong cải cách

Mặc dù Việt Nam hiện đã có nhiều chỉ số liên quan đến cải cách môi trường kinh doanh, song việc ra đời Chỉ số APCI được xem là sự bổ sung cho các chỉ số hiện có đánh giá về môi trường kinh doanh, quản trị hành chính công của Việt Nam và là cơ sở dữ liệu ban đầu cho đánh giá hiệu quả nỗ lực cải cách theo từng nhóm TTHC và vùng miền.

Chỉ số APCI 2018 cho thấy, để giải quyết gốc rễ vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, việc cải cách thể chế ở cấp trung ương là hết sức cần thiết, trong khi chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc đưa chính sách và quy định pháp luật vào thực tế. Việc áp dụng phương thức chính phủ điện tử thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ hành chính công đã có những tác động tích cực. Điều này thể hiện rõ ở việc 3 nhóm TTHC có chi phí tuân thủ thấp - cũng chính là ba nhóm ứng dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức cao.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố Chỉ số APCI 2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến thực hiện báo cáo này và yêu cầu công bố công khai các kết quả. Chỉ số APCI được xây dựng hướng tới việc tạo dựng môi trường kinh doanh thực chất, hướng tới nền quản trị thông minh. “Không quyết liệt, không đồng bộ, không tạo áp lực từ trên xuống thì không ai muốn cải cách. Do đó có va chạm cũng phải chấp nhận” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng hy vọng, Chỉ số APCI 2019 sẽ nêu được nhiều vấn đề hơn. Theo đó, sẽ thực hiện so sánh mức độ cải cách mà các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện trong các năm trước, nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương xem xét, đo lường được mức độ cải cách của ngành mình, địa phương mình và xác định những vấn đề cần tiếp tục cải cách. Chỉ số APCI những năm sau cũng sẽ tạo động lực giữa các địa phương trong việc cải cách thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khong-quyet-liet-khong-dong-bo-khong-tao-ap-luc-tu-tren-xuong-thi-khong-ai-muon-cai-cach-107480.html