Không tái khám sau điều trị, tế bào ung thư đã âm thầm tàn phá kinh khủng

Các bác sĩ của khoa ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, vừa phẫu thuật một ca 'siêu kinh điển', đó là đoạn chậu hoàn toàn của một bệnh nhân ung thư cổ tử cung tái phát.

Bệnh nhân L.T.B, sinh năm 1948, đã mổ ung thư cổ tử cung cách đây 5 năm. Bệnh nhân chỉ tái khám trong 2 năm đầu tiên vì không có triệu chứng gì nên 3 năm trở lại đây không tái khám, 1 tháng nay bệnh nhân đi tiểu máu đỏ tươi. Bệnh nhân đến bệnh viện nội soi bàng quang phát hiện khối bướu chồi sùi, sinh thiết cho kết quả tái phát ung thư cổ tử cung đã điều trị (Carcinom tế bào gai) nên chuyển sang bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Sau khi làm tất cả các xét nghiệm (MRI), phát hiện bướu tái phát diện cắt âm đạo kích thước 8*6cm, xâm lấn hết thành âm đạo tới môi bé, xâm lấn bàng quang, niệu đạo và trực tràng xâm lấn túi cùng và vách chậu 2 bên. Bệnh nhân được hội chẩn với các khoa nội và xạ trị đều cho là phẫu thuật là phương pháp tốt nhất.

Tuy nhiên đây là trường hợp phẫu thuật cực kỳ khó khăn vì ung thư không những tàn phá nhiều cơ quan mà còn giải quyết hậu quả của phẫu thuật để lại là đi tiêu, tiểu vĩnh viễn trên thành bụng. Bác sĩ đã nhiều lần giải thích nhưng bệnh nhân không đồng ý. Tuy nhiên vì tiêu tiểu ra máu, mất nhiều máu và đau đớn nên cuối cùng bệnh nhân cũng đồng ý phẫu thuật.

Hình ảnh khối u cắt từ bệnh nhân.

Hình ảnh khối u cắt từ bệnh nhân.

Sau 6h ca mổ thành công: cắt toàn bộ bọng đái, trực tràng thành 1 khối, mở đại tràng ngang (ruột già) ra thành bụng làm hậu môn vĩnh viễn. Cắt trọn tầng sinh môn bao gồm lỗ hậu môn và âm đạo may khép kín hoàn toàn, cắt hồi tràng tái tạo thành chỗ chứa nước tiểu như bàng quang và mở da thành lỗ tiểu vĩnh viễn trên thành bụng. Chính loại phẫu thuật này đã loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư trong ổ bụng, giúp cải thiện tiên lượng sống cho bệnh nhân trong một thời gian khá dài, tuy nhiên bệnh nhân phải chịu đi tiểu tiện và đại tiện bằng những ống trên thành bụng suốt đời.

BS Nguyễn Văn Tiến – trưởng khoa Ngoại 1, BV Ung bướu TP.HCM, cho biết trong trường hợp này nếu bệnh nhân chịu tái khám thường xuyên theo lịch thì chắc chắn sẽ phát hiện sớm và phẫu thuật sẽ không gây tàn phá khủng khiếp như thế này. Theo BS Tiến, ung thư cổ tử cung tái phát tuy không thường gặp lúc chẩn đoán ban đầu, ung thư cổ tử cung di căn có thể gặp trong 15%-61% ở 1-2 năm đầu sau khi chấm dứt điều trị. Trong phần lớn trường hợp, bệnh đã di căn sẽ không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, ở vài bệnh nhân tái phát vùng chậu tại chỗ hoặc di căn xa đơn độc, phẫu thuật có thể trị được.

Khi tái phát, triệu chứng tại chỗ tái phát thường là triệu chứng tại âm đạo (chảy dịch, xuất huyết, tiểu khó hay đau..). Thăm khám vùng chậu, khối hay cục ở vòm âm đạo, xâm lấn thành chậu có thể sờ thấy. Nếu tại âm đạo sẽ dễ sờ thấy hoặc chảy máu khi thăm khám.

Bệnh nhân biểu hiện không đặc hiệu hay không có triệu chứng như mệt mỏi, nôn ói, sụt cân… tuy nhiên vài triệu chứng liên quan đến nơi di căn ví dụ như đau mãn tính trong di căn xương, không giảm đau khi nghỉ ngơi. Việc điều trị ung thư cổ tử cung tái phát tùy vào từng trường hợp để bác sĩ chỉ định có thể phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Tuy nhiên, BS Tiến nhấn mạnh, bệnh nhân sau điều trị ung thư cần chú ý tái khám thường xuyên để bác sĩ theo dõi bệnh, tái phát của tế bào ung thư cũng như các bước tư vấn, điều trị kịp thời.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/khong-tai-kham-sau-dieu-tri-ung-thu-te-bao-ung-thu-da-am-tham-tan-pha-kinh-khung-253233.html