Không thành công, chưa hẳn thất bại

Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều xác nhận tên lửa được Triều Tiên phóng đưa vệ tinh quân sự lên quỹ đạo đã rơi xuống biển do trục trặc kỹ thuật.

Vụ phóng thử nghiệm vệ tinh do thám của Triều Tiên hôm 18/12/2022. Ảnh: KCNA

Vụ phóng thử nghiệm vệ tinh do thám của Triều Tiên hôm 18/12/2022. Ảnh: KCNA

Đối với Triều Tiên, đây là lần thứ 6 kể từ năm 1998, Triều Tiên phóng tên lửa đẩy đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Bốn lần trong số ấy, tên lửa đều bị rơi như lần vừa rồi. Chỉ có hai lần Triều Tiên đưa được vệ tinh lên quỹ đạo. Đối với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, việc Triều Tiên phóng tên lửa đẩy đưa vệ tinh lên quỹ đạo là cách trá hình giúp Triều Tiên thử nghiệm tên lửa tầm xa.

Việc chế tạo tên lửa tầm xa và tên lửa đẩy vệ tinh lên quỹ đạo sử dụng kỹ thuật và công nghệ gần như nhau. Liên Hợp quốc cấm Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân và chế tạo tên lửa nhưng việc phóng tên lửa đẩy đưa vệ tinh lên quỹ đạo lại không bị cấm trên thế giới. Nhiều quốc gia đã tự chế tạo vệ tinh và tên lửa đẩy vệ tinh.

Triều Tiên lần này không thành công nhưng không phải vì thế mà không đạt được hiệu ứng gì. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản không thể vì Triều Tiên lại lần nữa chưa thành công mà có thể yên tâm hơn về chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Lý do ở chỗ Triều Tiên vẫn thu về được tác động chính trị, tâm lý và truyền thông cũng như giá trị kỹ thuật và công nghệ không hề nhỏ. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc không thể không nhận thấy Triều Tiên tiếp tục kiên định thúc đẩy chương trình hạt nhân và tên lửa, tiếp tục đạt được tiến triển với cả hai chương trình này, tức là vẫn tiếp tục tăng thế và thực lực để có thể vừa thủ vừa công trong cuộc đối địch dai dẳng lâu nay giữa hai bên.

Mối lo ngại chính hiện tại của phe này bây giờ xem ra là Triều Tiên tới đây có thể lại tiến hành thử nghiệm hạt nhân và thúc đẩy mạnh mẽ chương trình phát triển vệ tinh và tên lửa đẩy vệ tinh để khai thác tính lưỡng dụng của nó.

Nguyên Sa

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-thanh-cong-chua-han-that-bai.html