Không thấy học sinh, sao chẳng ai đi tìm em?

Nhiều người đang đặt câu hỏi đằng sau hình ảnh lung linh, lời quảng cáo hoa mỹ cùng học phí trăm triệu đồng của trường Gateway thực chất là gì?

'Không thể chấp nhận việc bỏ quên học sinh trên xe của trường Gateway' Sự việc nam sinh trường Gateway tử vong vì bị bỏ quên trên ôtô khiến nhiều phụ huynh bức xúc, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của nhà trường.

Ngày 6/8, vì sự tắc trách của trường Gateway, em Lê Hoàng Long (6 tuổi) ra đi vĩnh viễn. Thế nhưng thông báo ban đầu của trường chỉ là những dòng vô cảm nhằm kể lại sự việc chưa chắc là sự thật. Hàng tiếng đồng hồ trôi qua, họ chỉnh sửa, bổ sung thêm thông tin trường vẫn hoạt động bình thường kèm lời xin lỗi: “Nhà trường xin gửi lời xin lỗi tới gia đình cháu bé và tất cả quý vị phụ huynh khi để xảy ra sự việc đáng tiếc này”.

Sự cẩu thả trong giáo dục là bất lương

Đó là băn khoăn của rất nhiều độc giả, phụ huynh học sinh khi đọc những dòng thông tin về sự việc xảy ra tại trường Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội).

Ngày cuối cùng của Long là nỗi đau không chỉ với riêng gia đình em. Bao phụ huynh khác bàng hoàng, rụng rời chân tay khi biết đứa trẻ vô tội ấy phải rời bỏ cuộc sống khi đáng lẽ ra, em phải ngồi ở lớp học đó, hưởng thụ thời gian đến trường tốt đẹp được bố mẹ em mua bằng cả trăm triệu đồng.

Nhiều người không dám tin Gateway lại vô cảm đến vậy khi đưa ra bản thông báo không đầy đủ, theo hướng có lợi cho trường. Ảnh chụp màn hình.

Nhiều người không dám tin Gateway lại vô cảm đến vậy khi đưa ra bản thông báo không đầy đủ, theo hướng có lợi cho trường. Ảnh chụp màn hình.

Ban đầu khi nghe nói về sự việc, Phương Mai, một phụ huynh có con học lớp 1 ở Hà Nội, không thể tin. Sau đó, khi đọc những dòng thông báo của trường, chị cảm nhận được sự cẩu thả trong nghề giáo không chỉ bất lương mà là tội ác không thể dung thứ.

“Lúc trò xuống xe, cô không dành thêm ít thời gian kiểm tra lại xem còn sót ai không. 9 tiếng đồng hồ, trẻ không đến lớp, cô không điểm danh, không phát hiện hay phát hiện rồi nhưng dửng dưng, không liên hệ với phụ huynh để hỏi sao con họ vắng học?”, chị đau xót.

Nhiều phụ huynh khi đọc thông tin về vụ việc cũng cảm thấy tim như ngừng đập, buồn đau đến tận cùng.

Thế nhưng, nhà trường vẫn đủ tỉnh táo để đưa ra những dòng tường trình theo hướng có lợi cho mình. Thông báo trên website chỉ nói khoảng 16h, nhà trường phát hiện học sinh lớp 1 bất tỉnh trên xe buýt, đưa em đến phòng y tế sơ cứu, sau đó gọi xe cấp cứu.

Trường không có một dòng nói về việc em bị bỏ quên trên xe vì cách làm việc thiếu trách nhiệm của giáo viên, nhân viên, cũng không giải thích tại sao giáo viên phụ trách lớp không phát hiện sự việc sớm hơn.

"Không biết chương trình tiên tiến thế nào, nhưng chưa chắc có tình yêu thương"

Sự việc đau lòng xảy ra với gia đình bé Long cũng khiến nhiều người không dám tin vào việc trường sẽ đảm bảo an toàn cho con họ khi đưa đón hay để con theo học tại đây.

Trường Gateway thu học phí gần 120 triệu đồng/năm đối với cấp tiểu học. Website trường quảng cáo về chương trình học tiên tiến, cơ sở vật chất hiện đại, là môi trường tốt để trẻ phát triển toàn diện.

Ngôi trường với vẻ ngoài lung linh trở nên xấu xí trong mắt phụ huynh, dư luận vì sự thờ ơ, vô trách nhiệm của giáo viên, nhân viên, lãnh đạo nhà trường. Ảnh: Gateway.edu.

Là phụ huynh, chị Hương Giang hiểu người làm cha mẹ luôn cố gắng để con trưởng thành tốt nhất. Họ không tiếc khi đầu tư cho con học hành bởi mỗi một đứa trẻ là niềm hy vọng của gia đình. Hàng năm, bao gia đình mất đi niềm hy vọng đó khi con họ qua đời vì tai nạn giao thông, đuối nước, tắc trách trong y tế cùng vô vàn nguyên nhân khác.

“Nhưng lần này, chúng ta mất một đứa trẻ trong sự việc tưởng chừng không thể xảy ra, do tắc trách của ngôi trường mang danh 'quốc tế', học phí hàng trăm triệu đồng. Chúng ta hoảng sợ hơn bởi bây giờ, có lẽ nhiều tiền cũng chẳng mua được sự an toàn cho con trẻ nữa”, chị ngậm ngùi.

Đây cũng là nỗi lo sợ của rất nhiều người. Sau sự việc, họ dường như không còn dám tin vào những thông điệp, cam đoan mà trường đưa ra khi tư vấn cho phụ huynh gửi con vào đây.

Jannie Le Roux, Hiệu trưởng Gateway Cầu Giấy, từng viết: “Có một câu ngạn ngữ châu Phi nói rằng 'Cần có một ngôi làng để nuôi một đứa trẻ'. Quá trình học tập, trưởng thành của một đứa trẻ là một hành trình cần sự góp mặt, liên quan, chia sẻ của rất nhiều người”.

Tổng hiệu trưởng Donald Edward Williams cũng chia sẻ: “Sự ưu tú, chính trực, tôn trọng, chia sẻ, hợp tác và sáng tạo là những giá trị mà chúng tôi luôn cố gắng để hướng các em học sinh vươn tới”.

Tuy nhiên, độc giả Huy Quang băn khoăn dường như vì lợi ích trường và cá nhân, Gateway đã chọn cách mập mờ, không minh bạch khi thông tin về cái chết của học sinh. Liệu Gateway có đủ năng lực để đào tạo được thế hệ con người như lời quảng cáo?

“Tôi không biết học sinh Gateway được học giáo trình tiên tiến thế nào, nhưng tôi đọc cái bản tin thông báo về sự ra đi của bé Long trên website của nhà trường đêm qua, tôi không tin đó là một ngôi trường có nhiều tình yêu thương”, một người mẹ chia sẻ.

"Đằng sau hình ảnh lung linh, lời quảng cáo hoa mỹ cùng học phí trăm triệu đồng, trường Gateway thực chất là gì?", Hoàng Tuấn Anh (Hà Nội), phụ huynh có con chuẩn bị bước vào lớp 1, đặt nghi vấn.

Mác trường quốc tế là do Gateway tự đặt thêm Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, cho biết trong tên của trường Gateway không có chữ "quốc tế", các trường ngoài công lập có thể tự đặt thêm để thu hút học sinh.

Hà Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khong-thay-hoc-sinh-sao-chang-ai-di-tim-em-post975671.html