Không thể ''biến'' đất rừng giao khoán thành đất tư nhân

Giao khoán đất rừng là một trong những chính sách về đất đai nhằm mục tiêu đảm bảo sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên đất và mặt nước; sử dụng tốt nguồn vốn, lao động của bên nhận khoán, đảm bảo lợi ích hài hòa của bên nhận khoán, bên giao khoán và Nhà nước, góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và bảo vệ rừng.

Cán bộ quản lý Phân trường Gia Phu (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) thường xuyên thăm hỏi, động viên người dân nhận khoán đất rừng yên tâm lao động, sản xuất. Ảnh: Hải Đình

Cán bộ quản lý Phân trường Gia Phu (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) thường xuyên thăm hỏi, động viên người dân nhận khoán đất rừng yên tâm lao động, sản xuất. Ảnh: Hải Đình

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách giao khoán đất rừng phòng hộ H.Xuân Lộc, một số hộ dân không chấp hành đúng quy định, muốn “biến” đất của Nhà nước thành đất riêng của mình.

* Hài hòa các lợi ích phát triển

Lâm trường Xuân Lộc (nay được đổi tên thành rừng phòng hộ Xuân Lộc) được thành lập từ tháng 12-1977 với diện tích rừng và đất rừng được giao quản lý và tổ chức kinh doanh là hơn 18 ngàn ha thuộc địa bàn các xã: Xuân Tâm, Xuân Hưng, Xuân Hòa, Xuân Thành, Xuân Trường (H.Xuân Lộc).

Thời gian đầu quản lý, Lâm trường Xuân Lộc gặp rất nhiều khó khăn do nạn lâm tặc chặt phá cây rừng cũng như người dân tự ý xâm canh để làm rẫy. Đặc biệt, vào thời điểm 1985-1986, một số người dân từ nơi khác đến khai hoang làm rẫy trên phần đất rừng thuộc Phân trường 5 (nay đổi tên thành Phân trường Núi Le) thì bị lực lượng bảo vệ lâm trường phát hiện, ngăn chặn. Không dừng lại ở đó, họ đi sâu vào Phân trường Trảng Táo tiếp tục chặt phá cây rừng để dựng lều, trồng tỉa cây hoa màu.

Ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc cũng cho biết, ngoài việc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về các chế độ, chính sách cho người dân nhận khoán đất rừng để làm ăn, làm giàu, hiện nay, H.Xuân Lộc cũng đã có chủ trương quy hoạch khu dân cư tập trung có diện tích khoảng 20ha cho các hộ dân sinh sống, canh tác trong đất lâm phận nhưng chưa có đất xây dựng nhà ở.

Để giải quyết tình hình phức tạp đó, năm 1987, Lâm trường Xuân Lộc đã thực hiện hợp đồng liên kết trồng rừng với một số hộ dân có tên gọi là hợp đồng liên kết trồng cà phê, hồ tiêu dưới tán cây gỗ lớn. Việc này căn cứ theo Quyết định số 1571/QĐ-UBT ngày 4-11-1986 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định tạm thời cho các đơn vị quốc doanh lâm nghiệp được tổ chức cho các hộ gia đình công nhân viên và đơn vị tập thể nhận đất trồng rừng, nhận rừng để chăm sóc, bảo vệ cho đến khi thu hoạch; đồng thời thực hiện theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ H.Xuân Lộc lần thứ IV về việc ngăn chặn dứt điểm tình trạng chặt phá rừng, nhằm mục tiêu phục hồi những diện tích rừng đã bị chặt phá, giúp người dân ổn định sản xuất.

Đến năm 1994, Lâm trường Xuân Lộc tiến hành chuyển từ hợp đồng liên kết theo nhóm hộ dân sang hợp đồng sử dụng đất cho từng hộ gia đình căn cứ vào Quyết định số 327/CT ngày 15-9-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về một số chủ trương, chính sách sử sụng đất trống, đồi núi trọc, bãi bồi ven biển, mặt nước và căn cứ Khoản 3, Điều 12 Nghị định 02/CP ngày
15-1-1994 về việc giao khoán đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Sau đó, Lâm trường Xuân Lộc tiến hành điều chỉnh thành hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp cho phù hợp với quy định của Chính phủ.

* Giàu lên nhờ đất rừng

Trong quá trình thực hiện ký kết, lâm trường đã thực hiện nhiều phần việc như: thiết kế, phân lô, phóng tuyến và san ủi đường nội vùng, san ủi đắp đập ngăn suối tạo thành hồ nước; hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại cây, trồng rừng; bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát phòng, chống cháy rừng, bảo vệ các thành quả lao động cho người dân. Hằng năm, đơn vị còn thực hiện chính sách chi trả kinh phí bảo vệ rừng, dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân…Với rất nhiều các chính sách hỗ trợ trên nên ngày càng thêm nhiều hộ dân xin hợp đồng nhận khoán.

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, trên toàn lâm phận hiện có hơn 2,2 ngàn hộ dân hợp đồng nhận khoán đất để trồng rừng và trồng cây xen canh với diện tích hàng ngàn ha. Đại đa số các hộ dân nơi đây đều cần cù lao động, thực hiện tốt các điều khoản trong hợp đồng giao khoán cũng như các quy định của Nhà nước về việc bảo vệ, phát triển rừng và đều có kinh tế ổn định.

Điển hình như hộ ông Hoàng Đình Khi (người dân tộc Nùng, ngụ xã Xuân Thành). Được biết, cách đây 28 năm, ông Khi hợp đồng nhận khoán 5ha đất rừng để trồng cây gỗ dầu, xà cừ, bên dưới tán các loại cây này, gia đình ông trồng điều và hồ tiêu. Ông Khi phấn khởi cho hay, đất ở vùng này rất tốt nên năm nào cây trồng cũng cho năng suất cao. Mấy năm trước hồ tiêu và hạt điều có giá nên mỗi năm gia đình ông thu 300-400 triệu đồng/năm nên gia đình ông tích lũy cũng được kha khá, cuộc sống ổn định, lo cho con cái ăn học đàng hoàng.

* Xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm

Bên cạnh đại đa số các hộ dân có ý thức chấp hành tốt các quy định của Nhà nước đối với đất lâm phận thì còn tồn tại một vài người dân cố tình hiểu sai, làm sai các quy định của Nhà nước cũng như vi phạm các nội dung trong hợp đồng nhận khoán đất rừng.

Cụ thể như một số trường hợp cố tình chặt phá, hủy hoại cây rừng để lấy thêm diện tích, không gian canh tác cây trồng nhà mình; hay việc tự ý xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình kiến trúc kiên cố trong đất lâm phận. Không chỉ thế, một số trường hợp còn khiếu kiện, khiếu nại đến các cơ quan chức năng buộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc chấp thuận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phần đất mà họ hợp đồng nhận khoán trước đó…

Tuy nhiên, căn cứ Điều 20, Chương III, Luật Lâm nghiệp; Điều 136 Luật Đất đai năm 2013 thì Ban Quản lý rừng phòng hộ không có thẩm quyền giao đất hay chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang đất khác. Đồng thời, cũng căn cứ theo Khoản 4, Điều 19, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai nêu rõ, trường hợp không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân gồm: người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ, Ban Quản lý rừng đặc dụng.

Căn cứ theo các quy định trên, việc các hộ dân yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đất của lâm phận là không đúng theo quy định pháp luật. Ngoài ra, căn cứ theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27-12-2016 của Chính phủ về khoán rừng, vườn cây, diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ và Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp nhà nước thì không có quy định về việc xây dựng trên đất nhận khoán. Cho nên, theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, việc đơn vị này hướng dẫn, yêu cầu người dân không được xây dựng nhà ở và các công trình phụ khác trên đất lâm phận là có cơ sở pháp lý, đúng pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc cho hay, trước việc một số người dân hiểu sai, dẫn đến làm sai theo các quy định của pháp luật về tài sản đất rừng, đơn vị cũng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, các ngành chức năng có liên quan tổ chức rất nhiều lần gặp gỡ, đối thoại để tuyên truyền, giải thích pháp luật cho người dân hiểu rõ để chấp hành đúng pháp luật.

Cũng liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn H.Xuân Lộc, vào ngày 22-4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo H.Xuân Lộc, Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan xoay quanh việc đưa ra các giải pháp giải quyết dứt điểm tình hình khiếu nại, khiếu kiện của một số hộ dân tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc.

Theo nội dung kết luận của buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc kiên quyết giữ và bảo vệ diện tích đất rừng như đã được giao để đảm bảo tỷ lệ che phủ theo chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Tuy nhiên, đối với quyền lợi của người dân thì phải luôn được đảm bảo, lợi ích của người dân phải hài hòa với lợi ích của chủ rừng và Nhà nước. Việc giải quyết phải dựa trên các cơ sở quy định của pháp luật.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đề nghị các ban, ngành, đoàn thể địa phương cần phải thường xuyên tuyên truyền các chính sách pháp luật đến người dân để họ hiểu và chấp hành tốt hơn. Song song đó, các cơ quan tư pháp cần họp bàn, thống nhất biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm trong lĩnh vực đất đai và lâm nghiệp tại lâm phận do Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc quản lý.

Hải Đình

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202006/khong-the-bien-dat-rung-giao-khoan-thanh-dat-tu-nhan-3007309/