Không thể chuyển trường vì tổ hợp môn, phụ huynh hỏi sao phải đợi hết năm?

Ngày 06 tháng 01 năm 2023 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT.

Ngày 06 tháng 01 năm 2023 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH V/v hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông.[1]

Ảnh chụp màn hình Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH do tác giả cung cấp

Ảnh chụp màn hình Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH do tác giả cung cấp

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông như sau:

1. Việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng. Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.

2. Học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

3. Nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Phụ huynh băn khoăn sao phải chờ hết học kỳ 1?

Người viết đã gặp anh Nguyễn Mạnh Hùng có con muốn được chuyển đổi môn học lựa chọn sau khi học một thời gian thấy các môn lựa chọn không phù hợp, anh Hùng chia sẻ:

“Con tôi khi tuyển sinh lớp 10 đã chọn tổ hợp môn lựa chọn theo bạn bè, sau khi học 1 tháng, thấy không phù hợp với năng lực cũng như định hướng nghề nghiệp của mình, vì vậy rất muốn chuyển đổi môn học đã lựa chọn.

Ngay sau khi học tháng thứ hai, cháu đã muốn chuyển đổi môn học lựa chọn, tôi đã gặp nhà trường, nhưng nhà trường động viên cháu học môn học đã lựa chọn, chờ hướng dẫn chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thời gian vừa qua, cháu vừa phải học tổ học môn đã chọn đầu năm vừa phải tự học, tôi nhờ gia sư dạy tổ hợp môn cháu yêu thích. Có lúc mệt quá, nản, cháu đòi bỏ học.

Tôi động viên cháu học hết kì I, hy vọng có hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ cho thực hiện ngay từ học kì I này.

Nay đọc Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả cháu và tôi đều cảm thấy hụt hẫng.

Nếu vì quyền lợi của người học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải hướng dẫn nhà trường cho phép thực hiện chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập ngay sau khi hết học kì I mới đúng.

Nếu cho phép chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập ngay sau khi hết học kì I, con tôi chỉ phải tự học chương trình môn mới trong 1 học kì, nay phải chờ cuối năm, gánh nặng chồng chất gấp đôi.

Sai thì phải sửa ngay và luôn, sao phải kéo dài cái sai? Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập ngay sau khi hết học kì I cũng là bài học giáo dục học sinh, sai thì phải sửa ngay.

Nếu phải chờ hết năm học, chẳng khác gì giáo dục học sinh dù thấy mình sai, nhưng cứ từ từ sửa cũng được.

Chẳng riêng gì bố con tôi buồn, những bạn bè cháu có ý định chuyển đổi môn học lựa chọn cũng chung cảm giác”.

Nhà trường cũng bối rối với hướng dẫn của Bộ

Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập của Bộ Giáo dục và Đào tạo có ghi rõ “Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường”.

Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ “Hè là thời gian nghỉ của giáo viên, nay điều động giáo viên thực hiện nhiệm vụ dạy cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, sẽ phải cấp chế độ bồi dưỡng như thế nào đây?

Thế nào là trường hợp đặc biệt? Mỗi học sinh được chuyển đổi mấy môn hay cả tổ hợp môn? Hay Bộ đẩy khó cho nhà trường?

Bộ không hướng dẫn rõ ràng quyền hạn của hiệu trưởng đến đâu, cụ thể triển khai thế nào, quyền lợi của giáo viên ra sao …

Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH không chỉ rõ, sẽ xảy ra tình trạng mỗi người hiểu và làm theo một cách, mỗi địa phương sẽ thực hiện một kiểu riêng, khiến nhà trường rối bời khi thực hiện, học sinh sẽ chịu nhiều thiệt thòi”.

Gia đình bị chia cắt cũng vì tổ hợp môn lựa chọn

Người viết nhận được chia sẻ của thầy Nguyễn Nam mới chuyển công tác từ Thanh Hóa vào Bà Rịa - Vũng Tàu, thầy Nam cho biết: “Tôi có con học lớp 10, nhưng phải gửi lại học ở quê, không chuyển cháu vào được.

Tôi đã đi xin chuyển trường cho cháu, nhưng nhà trường không có tổ hợp môn lựa chọn cháu đang học, dù ban giám hiệu thông cảm cho hoàn cảnh gia đình nhưng cũng đành chịu.

Chẳng riêng gì tôi, nhiều gia đình khác cũng đang phải chịu chia cắt vì không thể chuyển trường cho con cái”.

Chuyển đổi môn học lựa chọn, chuyển trường là nhu cầu cấp thiết và chính đáng của học sinh, nên chăng các cơ quan của Bộ sớm tìm ra giải phải phù hợp, hướng dẫn cụ thể, chi tiết để các cơ sở giáo dục thực hiện, đảm bảo quyền lợi của học sinh.

Việc học sinh chọn sai tổ hợp môn lựa chọn cũng là bài học cho chính học sinh và phụ huynh trong tuyển sinh lớp 10 các năm sau. Phụ huynh nên đồng hành cùng con, hiểu con hơn, giúp con có lựa chọn đúng.

Trường trung học cơ sở tổ chức tốt định hướng nghề nghiệp, phân luồng sau khi tốt nghiệp. Trường trung học phổ thông cần tổ chức tư vấn, giúp học sinh có quyết định đúng đắn khi lựa chọn tổ hợp môn học lựa chọn.

Học trung học phổ thông không phải là tất cả, các em sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở có thể học nghề ... mở ra cánh cửa nghề nghiệp cho riêng mình, khi xã hội đang rất "khát" công nhân được đào tạo nghề.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-68-BGDDT-GDTrH-2023-chuyen-doi-mon-hoc-lua-chon-cap-trung-hoc-pho-thong-549873.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/khong-the-chuyen-truong-vi-to-hop-mon-phu-huynh-hoi-sao-phai-doi-het-hoc-ky-1-post232499.gd