'Không thể để trên nóng, dưới thì lạnh tanh lạnh ngắt'

Đã có 15 Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành, nhưng mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh thì không đồng đều giữa các bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ….

Mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh thì không đồng đều giữa các bộ... Ảnh minh họa

Sáng 20/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo công bố báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, qua khảo sát của VCCI mặc dù các doanh nghiệp đều nhận thấy môi trường đầu tư kinh doanh trong vài năm trở lại đây có sự cải thiện đáng kể nhưng mức độ cải thiện là chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, các địa phương.

Theo khảo sát 10.000 doanh nghiệp dân doanh về sự cải thiện trên các lĩnh vực của Nghị quyết 19, thì hai lĩnh vực được đánh giá tốt nhất là thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng. Trong khi đó, các lĩnh vực về thủ tục xuất nhập khẩu, bảo vệ nhà đầu tư và phá sản doanh nghiệp được xem là không có cải thiện đáng kể.

Việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao cho các Bộ trong Nghị quyết 19. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến hết tháng 10/2018, đã có 15 Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành.

Nhưng mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh (bãi bỏ những điều kiện bất hợp lý, không minh bạch, không khả thi) thì không đồng đều giữa các bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ.

Từ góc độ của các doanh nghiệp, việc phải xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn. Theo kết quả điều tra PCI 2017, vẫn có đến 58% trên tổng số doanh nghiệp phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Trong đó, có 42% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.

Liên quan đến giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan, mặc dù có thứ hạng cao qua kết quả công bố của Ngân hàng Thế giới trong Chỉ số Doing Business qua nhiều năm, nhưng trung bình trên cả nước chỉ có 49% doanh nghiệp nhận thấy lĩnh vực này có chuyển biến tích cực.

Đa số các doanh nghiệp được phỏng vấn cho biết việc xin giấy phép xây dựng và thẩm định phương án phòng cháy chữa cháy tương đối khó khăn. Việc thực hiện thủ tục hành chính phức tạp thường khiến nhiều doanh nghiệp phải thuê khoán dịch vụ, tư vấn, thay vì có thể tự làm trên thực tế.

Chỉ số đăng ký bất động sản của Việt Nam tụt hạng khá nhiều từ thứ 33 năm 2015 xuống thứ 60 năm 2019. Thủ tục đăng ký bất động sản được các doanh nghiệp đánh giá tốt tại một số địa phương như Đà Nẵng, Bình Định, An Giang… Chỉ số này phụ thuộc nhiều vào các cơ quan quản lý đất đai, cơ quan thuế và dịch vụ công chứng, với vai trò chủ trì là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, theo khảo sát của VCCI, việc thực hiện nhiệm vụ này từ phía Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) còn nhiều điểm đáng bàn.

Khác với các bộ ngành khác, nhóm nghiên cứu thấy rằng mức độ tìm hiểu đầy đủ về phương pháp đánh giá của Doing Business của Bộ TN&MT không chi tiết như các bộ, ngành khác. Nếu như lãnh đạo của nhiều bộ ngành khác có các buổi làm việc với nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới hoặc Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì Bộ TN&MT chưa thực hiện việc này. Bản kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19 của Bộ TN&MT giao nhiệm vụ rất chung chung, chưa có mục tiêu cụ thể, không có giải pháp cụ thể. Đơn vị tham mưu soạn kế hoạch là Vụ Pháp chế, đơn vị thực hiện là Tổng cục Đất đai và Tổng cục Môi trường nhưng đơn vị báo cáo lại là Vụ Kế hoạch Tài chính.

“Trên thực tế, Bộ TN&MT thực hiện cải cách thủ tục đăng ký đất đai một cách đơn lẻ, chưa có sự phối hợp với các cơ quan khác như thuế và công chứng để có thể cải cách mạnh mẽ hơn. Hiện nay mới chỉ có một vài tỉnh có sự kết nối thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan đất đai, nhưng mới chỉ dừng lại ở cung cấp thông tin chứ chưa sử dụng chung cơ sở dữ liệu. Cơ sở dữ liệu của đất đai và công chứng cũng chưa có sự kết nối”, báo cáo nêu rõ.

Chuyên gia đặt câu hỏi: Sao Nhà nước không cắt được các điều kiện kinh doanh mà cứ phải chờ các Bộ? (Ảnh minh họa)

“Không thể để tình trạng trên nóng, dưới thì lạnh tanh lạnh ngắt”

Đóng góp ý kiến vào báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 và 35, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc cải cách hành chính là cho chính cơ quan nhà nước chứ không phải chỉ cho doanh nghiệp.

“Việc ban hành các nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh là phải do các Bộ, địa phương không có thẩm quyền làm việc đó. Hay như nếu các Bộ ngành không tích cực hoặc chúng ta không có sự đánh giá trực diện tới các Bộ ngành thì tình trạng sẽ kéo dài. Bộ không làm thì địa phương không làm được”, bà Lan nói.

Theo vị chuyên gia này, hiện chúng ta đã thông qua CPTPP, đang thuyết phục cộng đồng châu Âu sớm thông qua FTA với EU cho thấy cạnh tranh trong thời gian tới, đặc biệt là thể chế rất mạnh mẽ.

Vì thế, theo bà Lan “Có lẽ trên phải nóng hơn nữa, yêu cầu về cải cách thể chế phải mạnh mẽ hơn. Không thể để tình trạng trên nóng, dưới thì lạnh tanh lạnh ngắt. Không thể để cấp dưới cứ quấy nhiễu, ảnh hưởng cả bộ máy. Trường hợp đó phải thải ra chứ”.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan còn đề nghị nhà nước nên khôi phục lại cơ chế "máy chém" - học tập theo kinh nghiệm Hàn Quốc.

“Chúng ta đã có một danh mục rồi sao Nhà nước không cắt được các điều kiện kinh doanh mà cứ phải chờ các Bộ? Chúng ta cần ra tiếp các Nghị định mới , tuyên bố cắt giảm một loạt và đưa ra điều kiện nếu các Bộ không cắt giảm thì sẽ tự động cắt giảm. Tôi mong tiến tới 2 năm tới đây, không cần Nghị quyết 19, Chính phủ không phải “cầm tay chỉ việc cho từng địa phương”…. Bà Lan nói.

Minh Thư

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/khong-the-de-tren-nong-duoi-thi-lanh-tanh-lanh-ngat-post282438.info