Không thể đóng dấu vi phạm lên băng rôn treo sai luật rồi... để nguyên chỗ cũ!

Từ đầu tháng 11 tới nay và cao điểm là đợt ra quân trong ngày 23-11, Sở Văn hóa-thể thao Hà Nội đã tiến hành phun sơn chữ "vi phạm" lên các băng rôn, pano treo sai luật trên địa bàn Hà Nội. Việc làm mạnh tay này nhằm đưa việc treo pano, băng rôn quảng cáo vào khuôn khổ. Tuy nhiên, cách thức tiến hành này gặp nhiều ý kiến chưa đồng thuận.

Theo quy định tại Quyết định số 94/2009/QĐ-UBND ngày 24-8-2009 của UBND TP Hà Nội, khu vực cấm quảng cáo là: Khu vực quảng trường Ba Đình được giới hạn bằng các tuyến đường phố tiếp giáp nhau bao quanh quảng trường: Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, Trần Phú, Hùng Vương. Khu vực hạn chế quảng cáo gồm: Quảng trường 19-8 (Nhà hát lớn TP), quảng trường 1-5 (cung văn hóa Hữu nghị). Hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố bao quanh hồ: Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay và các đoạn phố tiếp giáp với Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay: Hàng Trống, Hàng Hành, Báo Khánh, Lương Văn Can, khu vực ngã năm đài phun nước, Hoàn Kiếm, Lò Sũ, Trần Nguyên Hãn, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ. Tuyến phố: Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Bông, Điện Biên Phủ và khu vực tại nút giao thông ngã 5 Cửa Nam. Khu vực phố cổ được giới hạn bởi các phố sau: Hàng Đậu, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Hàng Thùng, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông, Phùng Hưng.

Ngăn cản một hành vi sai phạm bằng một biện pháp không lấy gì làm đẹp, thực tiễn này cho thấy những bất cập.
Ảnh: Xuân Thanh

Quảng cáo bằng băng rôn cho các cuộc hội nghị, hội thảo, triển lãm, hội chợ, hoạt động văn hóa – xã hội; hoạt động chào mừng kỷ niệm, các sự kiện kinh tế, chính trị; các ngày hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí tại hệ thống các cột treo băng rôn theo quy định của TP và phải tuân theo điều kiện: Số lượng tối đa 20 băng rôn cho một hoạt động, thời hạn không quá 15 ngày. Kích thước băng rôn: chiều rộng 1m x chiều dài 8m. Nội dung băng rôn phải ghi rõ tên đơn vị tổ chức thực hiện, số giấy phép, thời gian treo. Sau khi được Sở VH-TT cấp giấy phép, tổ chức, cá nhân phải tiến hành ký hợp đồng thuê cột treo băng rôn với chủ đầu tư tại các vị trí trong danh mục kèm theo giấy phép và phải nộp phí dịch vụ treo, tháo dỡ băng rôn theo quy định của TP.

Theo thông tin từ Sở VH-TT Hà Nội, trên địa bàn TP có hơn 2.000 giá hình hoa sen để treo pano theo đúng quy định nhưng nhiều đơn vị cố tình không xin giấy phép để treo pano, băng rôn đàng hoàng mà chỉ thích gốc cây, cột điện. Số lượng băng rôn, pano quảng cáo (nhiều nhất là về các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật) với "muôn hình vạn trạng" kiểu vi phạm. Nào là pano, băng rôn, áp phích dù có giấy phép nhưng treo sai vị trí, treo quá số lượng quy định, treo trước hạn và quá hạn nhiều ngày. Chưa có phép thì treo "nhờ" lên gốc cây, cột điện, bờ tường. Rồi đến các bầu show, chủ nhãn hàng thích hoành tráng nên bỏ qua quy định về việc áp phích quảng cáo không được có diện tích quá 40m2, đã tự ý nâng diện tích lên khá lớn đã gây mất mỹ quan đô thị khiến bộ mặt nhiều tuyến phố trung tâm nhếch nhác, lộn xộn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội về việc xử lý các pano, băng rôn quảng cáo treo trái phép, sai quy định, các cơ quan chức năng thuộc Sở VH-TT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và phát hiện trên địa bàn TP có rất nhiều pano, băng rôn vi phạm. Có thể kể tới vài ví dụ, hình ảnh băng rôn liveshow "Phố à phố ơi... Bống à bống ơi" của nữ ca sĩ Hồng Nhung bị phun dấu "vi phạm" ngay giữa mặt nữ ca sỹ; băng rôn liveshow "Trọng Tấn - Bài ca không quên" và "Đàm Vĩnh Hưng- Người tình mùa đông" cũng đã bị "phun" dấu đỏ.

Nhưng điều khiến dư luận không khỏi băn khoăn là việc các đoàn thanh kiểm tra của Sở VH-TT Hà Nội lại đóng dấu vi phạm rất to lên giữa mặt nghệ sỹ được in trên băng rôn rồi để nguyên chỗ cũ mà không tiến hành tháo dỡ?!

Lý giải điều này, ông Tô Văn Động, GĐ Sở VH-TT cho hay, việc đóng dấu này nhằm cảnh cáo những đơn vị treo băng rôn, pano, áp phích sai quy định. Hiện tượng treo băng rôn, quảng cáo sai quy định diễn ra quá nhiều, dù Sở đã xử lý và tịch thu nhưng không hiệu quả, vì cứ tịch thu, không lâu sau các đơn vị này lại treo lên. Nên chúng tôi đã cho người đóng dấu "Vi phạm" lên những băng rôn treo sai quy định của một số chương trình ca nhạc của một số Cty tổ chức sản xuất để người dân và các đơn vị liên quan biết, tiến hành tháo dỡ, xử phạt”.

Đây không phải lần đầu tiên, Sở VH-TT buộc phải mạnh tay với các đơn vị treo băng rôn, pano vi phạm. Thời ông Phạm Quang Long còn làm GĐ Sở, thậm chí, có lần chính ông Long còn cầm kéo đi cắt, rạch băng rôn của các chương trình treo sai quy định. Nhưng chính việc ngày làm đó, dù mục đích đúng, nhưng cắt rạch xong lại để nguyên hiện trường đã khiến cho nhiều Cty tổ chức sự kiện và dư luận tưởng rằng đây là "chiêu trò cạnh tranh không đẹp" của các Cty khác. Lần này, biện pháp phun chữ "Vi phạm" lên băng rôn đã khiến dư luận biết rõ "sự vào cuộc" của cơ quan quản lý nhưng cũng từ đó đã nảy sinh không ít ý kiến trái chiều. Điều đáng nói là dòng chữ đóng trên những chiếc băng rôn này bị đóng vào phần mặt của nghệ sĩ. Nhiều người cho rằng, cách làm này của Sở VH-TT Hà Nội chưa thuyết phục, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, danh dự, uy tín của nghệ sĩ. Một số nghệ sỹ cũng cho rằng, việc xử lý vi phạm là cần thiết nhưng có cách nào đó hay hơn là biện pháp khá phản cảm khi đóng dấu lên hình ảnh chân dung của nghệ sỹ. Hơn nữa, việc đóng dấu vi phạm lên băng rôn, pano, áp phích treo sai quy định xong để đó thì chẳng khác nào "phụ họa" thêm cho thứ "rác trời" đang làm nhếch nhác bộ mặt của các tuyến phố Thủ đô.

Một lí do nữa được phía Sở VH-TT Hà Nội đưa ra, đó là do không đủ người đi tháo dỡ những băng rôn, pano vi phạm nên phải dùng biện pháp đóng dấu. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi trong ngày ra quân "đóng dấu" 23-11, thời gian và nhân lực để đi đóng dấu chắc cũng không kém số lượng người có thể tháo dỡ được băng rôn, pano vi phạm là mấy.

Chính ông Tô Văn Động cũng thừa nhận rằng, cách xử lý này được cho là đã đánh vào ý thức của đơn vị tổ chức sự kiện, nhưng mới chỉ là biện pháp tình thế và chưa xử lý được tận gốc tình trạng treo băng rôn, quảng cáo tràn lan, trái phép, gây phản cảm như hiện nay. Trước những ý kiến của nghệ sĩ, ông Tô Văn Động cho biết thêm, biện pháp này cũng không được “văn hóa” cho lắm, nhưng vì các đơn vị tổ chức ngang nhiên vi phạm nên phải “cảnh cáo”.

Hà Nội là TP có nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các chương trình văn hóa, giải trí liên tục diễn ra. Bản chất của việc "đóng dấu lên mặt nghệ sỹ" cũng bởi không thể quản lý nổi đối với các đơn vị đã thực hiện hành vi quảng cáo sai luật. Ngăn cản một hành vi sai phạm bằng một biện pháp không lấy gì làm đẹp. Thực tiễn này cho thấy những bất cập. Quy định về việc mỗi show chỉ được treo 20 băng rôn có lẽ không còn phù hợp với thực tế, nhất là khi Hà Nội đã mở rộng lên tới 30 quận, huyện. Việc xem xét cấp phép để các đơn vị được treo thêm băng rôn là điều nên cân nhắc. Bên cạnh đó, việc sửa đổi mức xử phạt tối đa với hành vi treo băng rôn, pano sai quy định là 10 triệu đồng cũng là điều nên làm ngay. Đây là mức phạt "nhẹ bẫng", không có tính răn đe khi so với nhiều chương trình "đẳng cấp", mỗi chiếc vé được bán ra tới hàng triệu đồng thì sẽ còn nhiều Cty tổ chức biểu diễn vẫn cố tình thách thức các cơ quan quản lý, chấp nhận nộp phạt để giăng băng rôn, pano khắp phố phường Hà Nội.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-thong-do-thi/khong-the-dong-dau-vi-pham-len-bang-ron-treo-sai-luat-roi-de-nguyen-cho-cu-102107