Không thể hững hờ

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) được xem là thời cơ thuận lợi để doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây của Hiệp hội DNVVN Hà Nội cho thấy, trong 2.000 DN khảo sát, có đến 79% số DN trả lời chưa chuẩn bị cho CMCN 4.0; 55% DN cho biết đang tìm hiểu…

Tại hội thảo “Một số định hướng tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” do Trung tâm và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, cùng với số liệu khảo sát được Hiệp hội DNVVN Hà Nội đưa ra cho thấy, các DNNVV dường như vẫn còn chủ quan trước sự tác động của CMCN 4.0.

DNNVV cần chủ động trước cuộc CMCN 4.0

DNNVV cần chủ động trước cuộc CMCN 4.0

Cụ thể, có đến 67% DN cho biết CMCN 4.0 không thấy liên quan và ảnh hưởng nhiều đến DN, 56% cho rằng lĩnh vực hoạt động của mình không bị tác động nhiều; 76% cho rằng chưa hiểu rõ bản chất cuộc CMCN 4.0. Trong khi đó, có đến 54% khẳng định chưa có nhu cầu…

Trước những tác động của cuộc CMCN 4.0 đang cận kề cũng như thờ của không ít doanh nghiệp, ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, đổi mới là chìa khóa để nâng cao năng suất và cải thiện sức cạnh tranh của DN, ngành và nền kinh tế.

Còn ông Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Nghiên cứu và Dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, trong cuộc CMCN 4.0, cộng đồng DN chính là một trong những chủ thể quan trọng tham gia và quyết định sự thành công hay thất bại của quốc gia. Tuy nhiên, các DN hiện nay đa số vẫn có quy mô nhỏ và vừa.

Từ những số liệu trên có thể thấy, vấn đề cải tiến công nghệ xuất phát bởi các yếu tố chi phối đến khả năng đổi mới của các DN. Trong đó, vấn đề nguồn lực, đặc điểm và cơ chế chính sách là những điểm cần quan tâm đặc biệt.

Vì thế, để nâng cao nhận thức cho DN, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa vấn đề tuyên truyền về cuộc CMCN 4.0, trong đó nhấn mạnh đến những cơ hội, cũng như thách thức liên quan trực tiếp đến các DN, từ đó các DN có thể nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong cuộc CMCN 4.0 để điều chỉnh, cũng như thay đổi kịp thời nhằm thích ứng và tận dụng thời cơ trước sự tác động của CMCN 4.0.

Cũng theo nhận định từ các chuyên gia, hiện nay mặc dù đã có nhiều DN nhận thức được lợi ích từ việc đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất lao động, đào tạo lao động có trình độ, kỹ năng…

Tuy nhiên, khi đối mặt với những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, các DN này lại chấp nhận mà không chịu tìm tòi hướng đi mới. Trước vấn đề này các chuyên gia cho rằng, cần phải đưa ra các giải pháp nhằm tối ưu hóa mô hình sản xuất kinh doanh cho các DN, cũng như đẩy mạnh việc thay đổi phương thức sản xuất, phương thức quản lý mới cho các DN.

Bên cạnh đó, để các DNVVN có sự chuẩn bị chủ động trước cuộc CMCN 4.0 thì cần có sự thay đổi, bổ sung về thể chế, chiến lược từ các bộ, ngành…qua đó, giúp các DN thích ứng với phương thức kinh doanh mới, tích tụ vốn để đổi mới công nghệ, đồng thời mở rộng quy mô kinh doanh.

Đề cập vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, để DN chủ động trong cuộc CMCN 4.0 thì vấn đề triển khai Chính phủ điện tử có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện vấn đề này mặc dù đã có tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và DN. Vì thế, để giải bài toán này cần phải gỡ được hai nút thắt đó là bộ máy công quyền, công chức nhà nước là hai nút thắt cần được tháo gỡ.

Cũng đề cập đến việc tháo gỡ khó khăn cho DN, PGS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, những năm gần đây nhiều DNVVN đã coi trọng đầu tư đổi mới công nghệ, kể cả sử dụng robot trong công nghiệp cơ khí, nhựa…Tuy vậy, vẫn còn không ít lực cản với CMCN 4.0.

Có thể thấy, CMCN 4.0 thay đổi cơ bản quản lý nhà nước và quản trị DN. Trong đó, Chính phủ điện tử và quản trị DN trong thời đại kỹ thuật số đòi hỏi không những thiết lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin hiện đại, mà còn thay đổi tư duy và hành động của công chức nhà nước và cán bộ quản lý DN để đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn với chi phí về thời gian và tiền của ít hơn. Tháo gỡ được những nút thắt đó, chắc chắn các DN trong nước sẽ nắm bắt và chủ động trước biến động của CMCN 4.0.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khong-the-hung-ho-83662.html